Tọa lạc trên ngọn đồi Am Thông (thôn Hà Nha, Đại Đồng, Đại Lộc), Tổ đình Cổ Lâm có tuổi đời khoảng 250 năm, là một ngôi chùa đẹp và nổi tiếng của xứ Quảng, được nhiều người tìm đến nguyện cầu, vãn cảnh...
Thăng trầm qua thời gian
Tổ đình Cổ Lâm do Tổ Chương Lý hiệu Trí Quang thuộc Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 38 khai sơn, cách nay khoảng 300 năm và ngôi chùa được thành lập vào khoảng thời gian từ 250 năm tới gần 300 năm. Kế vị trụ trì là Hòa thượng Quảng Thành, Hòa thượng Hoằng Cam.
Sở dĩ Cổ Lâm tự xứng danh là Tổ đình hay còn gọi là chùa Tổ bởi đây là nơi khai sinh một pháp phái, tức dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh. Theo Đại đức Thích Hạnh Đạt, vị trụ trì đời thứ 42 tại chùa, ngày giỗ Tổ đình Cổ Lâm hằng năm được lấy theo ngày viên tịch của vị tổ sư có công sáng lập chùa, tức ngày 27.11 âm lịch. Tên của vị tổ sư này và một bảo tháp hiện được lưu giữ tại Hội An.
Năm 1885, Cổ Lâm tự gắn liền với phong trào Duy tân, là nơi có nhà chí sĩ yêu nước Trần Cao Vân xuất gia tu học với pháp danh Như Ý. Chí sĩ Trần Cao Vân từng chọn ngôi cổ tự này làm cơ sở hoạt động cách mạng chống Pháp và ngôi chùa cổ vốn tĩnh tịch lại trở thành địa chỉ lui tới bàn bạc việc cơ mật của nhiều chí sĩ, hào kiệt yêu nước. Dĩ nhiên, Cổ Lâm tự cũng thuộc “tầm ngắm” của Pháp và triều đình phong kiến, quan lại tay sai. Tháng 7.1891, chùa Cổ Lâm bị địch ra lệnh khám xét, thanh lọc sư. Trần Cao Vân được gia đình Võ Thạch (Đại Đồng), giúp chuyển nơi ở. Mùa thu năm 1892, Trần Cao Vân cùng vợ và các cộng sự lên đường vào Bình Định chọn địa bàn lập căn cứ, tích trữ lương thảo, xây dựng lực lượng, xây dựng kế sách khởi nghĩa... Ngày nay, tấm bia đá trước chùa Cổ Lâm còn ghi lại lịch sử trên bước đường hoạt động cách mạng của chí sĩ Trần Cao Vân.
Vị tổ sư đời 38 có công lập chùa, chính thức khai sinh dòng thiền Chúc Thánh trên đất này, song trước đó, từng có vị tổ sư đời thứ 35 đã dựng am tu luyện ở đây. Năm 1940, Hòa thượng Thích Đồng Phước kế nhiệm trụ trì tại ngôi Tổ đình mới xây dựng lại ngôi chánh điện, nhà Tổ, nhà Đông, nhà Tây và cổng tam quan. Cũng theo vị trụ trì Thích Hạnh Đạt, năm 1968, chùa chỉ còn là một đống gạch đổ nát, chỉ còn sót lại một vài tượng Phật bằng đồng.
Sau ngày đất nước thống nhất, mãi đến năm 1985, Cổ Lâm tự mới được trùng tu và được Nhà nước công nhận là “Di tích lịch sử cấp tỉnh” năm 2008. Năm 2010, Thượng tọa Thích Như Thọ - trụ trì chùa (đã viên tịch) đứng ra vận động chư tăng, phật tử thập phương đóng góp hơn 12 tỷ đồng trùng tu hoàn toàn ngôi chùa với kiến trúc đẹp mắt, giàu tính thẩm mỹ như ngày nay.
Chốn du lịch tâm linh
Quần thể di tích chùa Cổ Lâm nằm trên khuôn viên rộng 1ha, có ngôi An Dưỡng Tháp 7 tầng, dùng làm nơi an trí hài cốt cho tăng ni và phật tử khi được hỏa táng, dãy nhà đông, nhà tây, Đại hùng bửu điện và cổng Tam quan theo lối kiến trúc đặc trưng các chùa ở miền Trung.
Bà Huỳnh Thị Liễu (ngoài 60 tuổi, trú xã Đại Đồng), một phật tử tu tập lâu năm tại chùa cho hay, dịp lễ, ngày Rằm, mồng Một, nhất là dịp tết, nhiều phật tử, du khách xa gần viếng hương, chiêm ngưỡng vẻ đẹp ngôi chùa Tổ. Gian trái Tổ đình Cổ Lâm còn nguyên vẹn một ngôi miếu Bà uy nghi, cổ kính. Tương truyền, đây là miếu thờ Thiên Y Ana, rất linh thiêng, là nơi du khách xa gần đến nguyện cầu, viếng hương...
Chùa Cổ Lâm giờ đây nằm trong quần thể khu du lịch Suối Mơ. Du khách thập phương tới đây sau những giờ phút thưởng ngoạn cảnh trí thiên nhiên thơ mộng mà hùng vĩ của Suối Mơ, thong dong qua những cánh đồng lúa, tìm đến không gian tĩnh tại của ngôi cổ tự trên đồi cao. Dịp tết, ngày xuân, trăm hoa đua nở trong vườn thiền cũng là dịp có đông du khách thập phương tới đảnh lễ Phật, vãng cảnh chùa...