Sau một thời gian điền dã, nhóm những nhà nghiên cứu văn hóa Chăm với sự tài trợ từ Quỹ Tín thác Nhật Bản và Tổ chức UNESCO, một cuộc trưng bày di dộng trong cộng đồng với chủ đề “Từ nguồn xuống biển - Vết tích Chăm xứ Quảng” đã bắt đầu…
Chọn ngày khai hội Lệ Bà Thu Bồn (11.2 âm lịch) và đặt gian trưng bày ngay tại lăng Bà (xã Duy Tân, Duy Xuyên), Ban tổ chức mong muốn từ một tín ngưỡng đậm nét văn hóa Chăm, ở một nơi từng là trung tâm của vương quốc Chăm thế kỷ IV đến thế kỷ XV, những hình ảnh đầy ý nghĩa về vùng văn hóa đặc sắc sẽ được cộng đồng lưu tâm, gìn giữ…
Khơi dậy ý thức cộng đồng
“Văn hóa Chăm cũng là một trong những thành tố của nền văn hóa Việt. Đó là thông điệp lớn nhất chúng tôi muốn chuyển tải ở những cuộc triển lãm trưng bày di động như thế này. Di sản văn hóa Chăm còn lại là tài sản không phải của một dân tộc xa lạ hay của dân tộc mất đi, mà là tổ tiên nói chung, người đương đại đều kế thừa di sản đó. Trách nhiệm của cộng đồng hiện tại cần phải giữ gìn và phát huy di sản đó” - ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Chăm Đà Nẵng chia sẻ.
Văn bia Chăm bên cạnh lăng thờ Bà Thu Bồn tại xã Duy Tân (Duy Xuyên).Ảnh: L.Q |
Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương, người tư vấn dự án trưng bày triển lãm lần này, cho biết, các dấu vết in đậm trong đời sống văn hóa đương đại của cư dân vùng Quảng Nam và Đà Nẵng bộc lộ sự cộng cư, tiếp xúc lâu dài giữa cư dân Champa và Đại Việt thế kỷ XV trở về sau. Bóng dáng các vị thần Champa không chỉ tiềm ẩn ở những tượng thờ được tôn tạo mà còn ở danh xưng trong văn tế thờ cúng Bà ở các địa phương. Các con sông Thu Bồn, Vu Gia đổ về cửa biển Hội An và Đà Nẵng tạo nên môi trường sinh sống cho hàng triệu cư dân từ nguồn xuống biển, hình thành các kỹ năng khai thác nguồn lợi và giao thương buôn bán, tạo nên đặc trưng văn hóa của vùng đất vốn là nơi tiếp xúc của các nền văn minh lớn trong lịch sử. Nâng cao nhận thức của người dân về những giá trị truyền thống văn hóa phi vật thể nhằm bảo tồn, gìn giữ, phát huy hiệu quả các dấu tích văn hóa này là mục đích cuối cùng những nhà nghiên cứu văn hóa và cơ quan chuyên môn muốn đạt tới. “Cuộc triển lãm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về giá trị văn hóa Chăm trên địa bàn, gắn kết cộng đồng và cơ quan chuyên môn trong công tác nghiên cứu, sưu tầm hiện vật liên quan, cũng như nâng cao năng lực cán bộ làm công tác chuyên môn ở địa phương. Những giá trị văn hóa Chăm từ nguồn xuống biển rất phong phú, như trong những hình ảnh triển lãm mà chúng ta thu thập được” - ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nói.
Lịch sử văn hóa từ vùng đất
Bảo tàng Chăm Đà Nẵng, Ban Quản lý Di tích - du lịch Mỹ Sơn cùng Quỹ Tín thác Nhật Bản và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam sẽ mang dự án trưng bày triển lãm “Từ nguồn xuống biển - Vết tích Chăm xứ Quảng” tại cộng đồng diễn ra tại 6 điểm: làng Thu Bồn (Duy Tân, Duy Xuyên), lăng Bà Phường Chào (Đại Lộc), làng Mỹ Sơn (Duy Xuyên), làng Phong Lệ (Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng), làng Quá Giáng (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng), Bảo tàng Chăm Đà Nẵng. Cuộc trưng bày, triển lãm kéo dài từ 30.3 đến 22.5.2015. |
Dòng chảy văn hóa luôn có sự tiếp biến, bổ sung lẫn nhau. Đặt lịch sử văn hóa trong lịch sử một vùng đất để cùng trân trọng tất cả những giá trị, dù của bất cứ dân tộc nào. Ông Võ Văn Thắng - Giám đốc Bảo tàng Chăm Đà Nẵng khẳng định: “Dấu tích văn hóa Chăm ở Quảng Nam hiện nay chứng minh đây từng là một nơi quần tụ cư dân. Trà Kiệu với những vết tích hiện hữu chứng tỏ ở đó không chỉ là kinh thành mà còn là nơi thờ tự lớn. Những di tích thành cổ ở Trà Kiệu, hay Triền Tranh mới đây là dấu vết nền móng của công trình kiến trúc lớn. Mấy chục văn bia tìm được ở Quảng Nam cho thấy có một tổ chức kinh tế - xã hội, thậm chí quyền lực thì mới tổ chức xây dựng được kinh thành như vậy. Văn hóa Chăm từ vùng thượng nguồn đến vùng biển như ở Đà Năng, Hội An là một nền văn hóa phát triển rực rỡ”. Lần đầu tiên, bên cạnh những đền đài phế tích, các nhà nghiên cứu nhiệt tâm tìm hiểu và khơi mở cho cộng đồng về môi trường xung quanh các di tích, phế tích Chăm. Từ những tìm hiểu trên cơ sở khoa học và thực tiễn, mối dây liên hệ giữa các hình thái kinh tế, sinh hoạt đương đại và quá khứ dần được mở ra.
Với 3 chủ đề chính: “Mỹ Sơn và sông Thu Bồn”, “Con đường buôn bán trên sông”, “Tục thờ Bà Thu Bồn và Bà Phường Chào”, người dân tại những nơi có vết tích Chăm sẽ hiểu rõ hơn về nguồn cơn vùng đất cũng như lược sử lễ hội của làng mình. Một số sinh hoạt của cộng đồng cư dân ven sông Thu Bồn và vùng đất Mỹ Sơn, mối quan hệ giữa Mỹ Sơn và sông Thu Bồn cùng những di tích như Chiêm Sơn, lăng Bà Thu Bồn, Cửa Đại… sẽ được các nhà nghiên cứu tổ chức khảo sát điền dã liên tục trong nhiều tháng để đưa ra những nhận định chính xác. Quan niệm sông nước tại một số địa phương của Quảng Nam và TP.Đà Nẵng có những điểm tương đồng trong tục thờ Thánh Mẫu cũng như trong vài truyền thuyết Chăm… Bà Katherin Muller Marin - Trưởng Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho biết, cuộc trưng bày lần này là cơ hội đối với các thiết chế văn hóa, gắn ý nghĩa của nó với thực tế cuộc sống. Tăng cường chia sẻ tri thức về lịch sử, văn hóa Chăm của xứ Quảng với cộng đồng là một việc làm thiết thực nhằm bảo tồn vốn văn hóa truyền thống. Nâng cao ý thức và trao truyền cho thế hệ con cháu về những giá trị văn hóa cũng như mở ra nhận thức về những “bảo tàng” tại chỗ, là một cách để đưa hình ảnh di sản vượt xa giới hạn về không gian, thời gian.
LÊ QUÂN