(QNO) - Chương trình tập huấn nâng cao nhận thức của ngư dân về vị trí, vai trò, tiềm năng của biển, đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc được Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Quảng Nam phối hợp với Hội nghề cá tỉnh và Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông tổ chức tại các xã Tam Quang và Tam Hải (Núi Thành) trong 2 ngày 26 và 27.3 đã nhận được nhiều đồng thuận từ phía ngư dân.
Ngư dân Quảng Nam đánh bắt thủy sản trên biển Đông. |
Bảo vệ chủ quyền
Hôm 26.3, từ rất sớm, nhiều ngư dân xã Tam Quang đã có mặt tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Tam Quang để được tham dự buổi tập huấn. Theo nghề lưới vây ánh sáng từ hai mươi năm nay, ngư dân Phạm Hồ ở thôn Sâm Linh Tây thường xuyên khai thác hải sản ở ngư trường Tốc Tan - Tiên Lữ (quần đảo Trường Sa). “Từ xa xưa cho đến bây giờ, biển luôn có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của gia đình chúng tôi. Với chúng tôi, đó không chỉ là nguồn sống mà còn là niềm tự hào, sự thiêng liêng của một phần máu thịt của quê hương đất nước. Được biết thêm các chủ trương, quan điểm về biển, đảo để vừa ổn định hơn cuộc sống vừa góp phần dựng xây và bảo vệ đất nước là trách nhiệm cao quý của chúng tôi” - ông Phạm Hồ chia sẻ.
Ông Phạm Văn Tám ở thôn An Hải Tây kể lại, trong các chuyến biển ở quần đảo Hoàng Sa, tàu cá Qna-90779 TS của ông và nhiều tàu cá khác thường xuyên bị tàu của Trung Quốc gây rối, xua đuổi. Tuy nhiên, nhờ tính can trường rèn luyện được khi đối chọi với bao hiểm nguy trên biển, ông và các tàu cá của ngư dân Quảng Nam đã liên kết bình tĩnh đối phó. “Khai thác trên các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa luôn đòi hỏi phải có tâm thế của người làm chủ. Mặc dù bị tàu khác uy hiếp nhưng chúng tôi không sợ. Quốc kỳ của Tổ quốc vẫn hiên ngang bay phần phật trên vùng biển của đất nước, lẽ nào chúng tôi lại không được tiếp thêm lòng kiên trì, quả cảm từ đó”. Mang ý niệm như vậy, hàng trăm ngư dân ở 2 xã Tam Quang và Tam Hải đã nghiêm túc lắng nghe hết các kiến thức tuyên truyền về khai thác hải sản trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam trong 2 buổi tập huấn.
Ông Phạm Văn Định, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Quảng Nam cho rằng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) của Đảng về “Chiến lược biển Việt Nam đến 2020” đã xác định nhiều mục tiêu tổng quát. Cụ thể, đến năm 2020, nước ta phấn đấu trở thành quốc gia giàu, mạnh về biển; bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh. Bởi vậy, sự hiện diện, khai thác hải sản của ngư dân chúng ta trên các vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa là rất cần thiết. Căn cứ vào Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật biển 1982, tại buổi tập huấn, ông Phạm Văn Định đã trình bày các nội dung về luật biển và khái niệm về nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa… Kết thúc buổi tập huấn, những kiến thức về luật biển 1982 cùng với những định hướng phát triển về biển của nước ta đã giúp cho ngư dân hiểu rõ hơn tầm quan trọng của chủ quyền biển, đảo qua đó giúp họ xác định rõ hơn tâm thế của mình khi sản xuất trên các vùng biển của quê hương.
Hỗ trợ ngư dân
Tại buổi tập huấn, ông Trương Ngọc Lân, Phó Giám đốc công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ khai thác hải sản Biển đông cho biết, từ nhiều năm qua, công ty đã thực hiện kết hợp phát triển kinh tế biển với đảm bảo quốc phòng an ninh. Với nhiệm vụ chủ yếu là hỗ trợ ngư dân bằng cách cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác xa bờ, công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Khai thác hải sản Biển Đông đã được Bộ NN&PTNT, Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam giao quản lý Khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây cùng với đội tàu công ích thực hiện nhiệm vụ dịch vụ hậu cần nghề cá trên vùng biển Trường Sa, DK1. Hiện tại, với hệ thống nhà xưởng, kho hàng có tổng diện tích 982m2, hệ thống két chứa nhiên liệu 338m3, bể chứa nước ngọt 928m3… công ty đang thực hiện các dịch vụ hỗ trợ ngư dân sản xuất trên vùng biển xa. Đó cung ứng nhiên liệu cho ngư dân đúng giá quy định của Nhà nước tại đất liền; cung cấp nước ngọt miễn phí; sửa chữa tàu thuyền miễn phí; cung ứng lương thực và thực phẩm bằng giá mua tại đất liền; thu mua và vận chuyển hàng hóa, sản phẩm theo giá thỏa thuận; bố trí nơi nghỉ ngơi cho ngư dân khi vào tránh trú bão; chăm sóc y tế và các dịch vụ văn hóa tinh thần như đọc báo, chơi bóng chuyền, bóng bàn… “Hỗ trợ sản xuất nói chung, hỗ trợ ngư dân Quảng Nam khai thác tại vùng biển Trường Sa nói riêng là nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi. Với mục đích góp phần làm tăng lợi nhuận cho ngư dân, chúng tôi hy vọng các bạn sẽ đến với chúng tôi ngày một nhiều hơn”, ông Trương Ngọc Lân nói.
Các dịch vụ hỗ trợ ngư dân tại vùng biển Trường Sa của Tổ quốc. |
Bà Hoàng Thị Kim Yến, Thư ký Hội nghề cá Quảng Nam cho biết: “Hiện tại, Quảng Nam đã thực tiễn hoá chủ trương khuyến khích vươn khơi khai thác xa bờ của chính phủ bằng nhiều hình thức hỗ trợ. Đây là động lực phát triển nghề cá. Bên cạnh đó, hy vọng công tác tuyên truyền biển, đảo cũng sẽ góp phần làm tăng nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là ngư dân về vị trí chiến lược, tầm quan trọng của biển, đảo nước ta”. Cũng tại buổi tập huấn, bà Hoàng Thị Kim Yến đã thông báo với các ngư dân được biết, hiện tại Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam đã chính thức đi vào hoạt động. Ngư dân có nhu cầu đóng mới tàu có công suất cao, đặc biệt là 600 CV trở lên có thể được hỗ trợ vốn vay không lãi suất từ nguồn vốn của quỹ. Bởi vậy, nếu có nhu cầu, ngư dân làm đơn theo hướng dẫn của địa phương và gửi trực tiếp về Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam để được tiếp nhận, giải quyết. Cuối buổi tập huấn, đại diện cho những ngư dân tham gia, ông Đỗ Văn Tuấn (Sâm Linh Đông, Tam Quang) bày tỏ: “Được trang bị thêm các kiến thức để có thể nâng cao hiệu quả sản xuất trên biển, hạn chế thấp nhất các va chạm, sự cố đáng tiếc có thể xảy ra trên biển đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của quê hương là niềm vinh hạnh rất lớn của ngư dân chúng tôi. Niềm tự hào và tình yêu biển, đảo sẽ giúp sức chúng tôi rất nhiều khi có mặt khai thác hải sản trên các vùng biển của Tổ quốc”.
Nguyễn Quang Việt