Vì bữa ăn an toàn

NGUYỄN DƯƠNG 24/01/2018 14:14

Trên địa bàn tỉnh có khoảng 19 nghìn cơ sở thực phẩm, tuy nhiên đa số quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình nên công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) còn gặp nhiều khó khăn. Để hạn chế tối đa vụ ngộ độc thực phẩm, trong năm 2017 các ngành đã tăng cường quản lý chặt chẽ công tác này.

Công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh đang ngày càng được đảm bảo. Ảnh: N.D
Công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh đang ngày càng được đảm bảo. Ảnh: N.D

Thanh tra, kiểm tra quy mô lớn

Trước tình hình thực phẩm bẩn ngày càng phức tạp, UBND tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo và thành lập Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP với các chức năng cụ thể cho mỗi ngành. Ngành y tế chịu trách nhiệm quản lý đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nước đóng chai, thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm... Ngành công thương quản lý ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm bia, rượu, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, bánh, kẹo... Ngành NN&PTNT quản lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm ngũ cốc, thịt và các sản phẩm thịt, thủy sản và các sản phẩm thủy sản, rau củ... Từ đó, trong năm 2017, các cơ quan, đơn vị như: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Phòng Cảnh sát môi trường (CA tỉnh), Chi cục Quản lý thị trường và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản đã phối hợp, tổ chức nhiều đợt kiểm tra toàn diện các cơ sở trên địa bàn. “Trong năm 2017, số cơ sở được thanh tra, kiểm tra ATTP trên địa bàn là hơn 18.700 cơ sở, đạt tỷ lệ 95,58%, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, chúng tôi tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, cơ sở nước đóng chai... để kiểm soát tốt hơn tình hình hiện nay” - ông Nguyễn Cam - Chi cục trưởng Chi cục ATTP tỉnh cho biết.

Qua các đợt kiểm tra, có hơn 2.600 cơ sở bị phát hiện vi phạm, trong đó có 96 cơ sở bị xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 127 triệu đồng. “Có một số cơ sở thực phẩm còn có hàng quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ với 556 loại sản phẩm bị tiêu hủy của 420 cơ sở thực phẩm. Nội dung vi phạm chủ yếu của các cơ sở bị xử phạt đa số là vi phạm về điều kiện đảm bảo ATTP trong bảo quản; không đảm bảo ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố... Người dân kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún nên cơ sở không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Bên cạnh đó, ý thức phòng tránh cũng còn rất yếu, chưa được quan tâm” - ông Cam nói thêm.

Thực tế, trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm với 43 người mắc, không có người nào tử vong (một vụ ở thôn Trà Đức, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc với 22 người bị ngộ độc và một vụ ở huyện Phước Sơn tại quầy bánh mỳ bà Liên, thuộc khối 7, thị trấn Khâm Đức với 21 người bị ngộ độc). “Đó đều là những vụ ngộ độc do các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ (nấu đám tiệc và bánh mỳ) tự phát của người dân nên rất khó để kiểm soát. Chính vì vậy, cần phải siết chặt hơn nữa ngay từ đầu vào (cung cấp sản phẩm, cơ sở bảo quản, nấu nướng của các bếp ăn tập thể). Từ đó mới có thể kiểm soát được các thực phẩm bẩn không được đưa vào bữa ăn của người dân nữa” - ông Cam kiến nghị.

Xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn

Để hạn chế tối đa vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Mậu Tuất và mùa lễ hội năm 2018, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, tập trung vào nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, tiêu thụ nhiều trong năm, các làng nghề chế biến thực phẩm. Qua đó kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo không có vụ ngộ độc thực phẩm nào trong những dịp này. Bên cạnh đó, huy động tối đa kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu thụ, tiêu dùng đến người dân.
Thời gian tiến hành từ ngày 5.1 đến hết ngày 25.3.2018.

Năm 2017 là năm diễn ra nhiều ngày lễ lớn của tỉnh, chính vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm ATTP để phục vụ các sự kiện như: lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh và 42 năm giải phóng tỉnh Quảng Nam; lễ hội Festival - Di sản Quảng Nam lần thứ VI,; các sự kiện APEC diễn ra trên địa bàn với khoảng hơn 11 nghìn suất ăn đã được đảm bảo. Không có sự cố nào diễn ra trong những sự kiện lớn này. Trước mỗi sự kiện, các cơ quan có trách nhiệm thực hiện lấy mẫu và lưu mẫu trong quá trình giám sát ATTP phục vụ lễ hội. Qua đó, tiến hành phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm để phòng tránh.

Để góp phần đẩy lùi thực phẩm bẩn ra khỏi bữa cơm của người dân, Sở NN&PTNT đã triển khai thực hiện 5 chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn: thịt gà, trứng gà, rau, thịt heo và nước mắm, trong đó sản phẩm thịt gà và trứng đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn. Bên cạnh đó, các chuỗi sản phẩm chủ lực trên địa bàn cũng đang được đẩy mạnh, xây dựng các mô hình áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt như: VietGAP, GlobalGAP, GMP, HACCP, ISO 22000... để cung cấp các sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng. Theo ông Đoàn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở Công Thương, việc thanh tra, kiểm tra về vệ sinh ATTP cần phải được triển khai đồng bộ, quyết liệt thì mới hạn chế đến mức tối đa thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay. “Khi đang trồng thì thuộc về nông nghiệp, khi chế biến nấu nướng thì y tế phụ trách và khi ra thị trường do công thương quản lý. Vì vậy đôi khi có sự chồng chéo nhau trong việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra. Đụng tới cái này bảo của y tế, không phải của mình, thấy bánh kẹo quá hạn lại bảo thuộc công thương, như vậy rất khó. Nên khi thành lập Ban chỉ đạo liên ngành, cần liên kết chặt chẽ để quản lý tốt hơn” - ông Sơn nói.

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vì bữa ăn an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO