Vì dân, không đắn đo

THÀNH CÔNG 20/12/2020 06:40

Họ là những người đầu tiên đạp lên đá núi, cắt rừng, băng suối lũ để tìm tới với đồng bào. Họ cũng là những người đã cùng ăn, cùng ở, cùng sẻ chia hoạn nạn với người dân, sau khi bão lũ liên miên tước đoạt không gian sống cuối cùng nơi góc núi. Nơi họ đến, vẫn còn bao đổ nát chưa kịp dựng lại, vẫn còn muôn trùng khó nghèo sau thiên tai, nhưng hơn hết, đã trở lại hy vọng trong lòng người dân. Còn hy vọng, là còn sống, còn dựng lại cơ ngơi…

Bộ đội hành quân vào xã Phước Lộc (Phước Sơn) giúp dân. Ảnh: T.C
Bộ đội hành quân vào xã Phước Lộc (Phước Sơn) giúp dân. Ảnh: T.C

Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2020) và 31 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22.12.1989 - 22.12.2020), Báo Quảng Nam Cuối tuần có cuộc gặp gỡ với ba người lính, là những gương mặt đã cùng xông pha nơi tuyến đầu giúp dân sau bão lũ.

Trung tá Triệu Tấn Hưng - Phó Trưởng ban Tác Huấn, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Luôn trong tâm thế sẵn sàng

Trung tá Triệu Tấn Hưng - Phó Trưởng ban Tác Huấn, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Ảnh: T.C
Trung tá Triệu Tấn Hưng - Phó Trưởng ban Tác Huấn, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Ảnh: T.C

Hai giờ sáng 29.10, tại Sở Chỉ huy thường xuyên, Trung tá Triệu Tấn Hưng nhận được tin sạt lở đất vùi lấp 13 người tại xã Phước Lộc (Phước Sơn). Mệnh lệnh hành quân ứng cứu được phát ra, phân đội phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn của đơn vị có đúng 10 phút để chuẩn bị quân tư trang, rồi lên đường. Không xa lạ với những chuyến cơ động trong đêm, khi đã có mặt ở các vụ tìm kiếm cứu nạn từng xảy ra tại Trà Vân (Nam Trà My), thủy điện Sông Bung 2 (Nam Giang) hay vụ sạt lở ở thị trấn Trà My nhiều năm trước, song phải tận mắt thấy được hiện trường bão số 9 tàn phá tại Phước Sơn, Trung tá Hưng mới cảm nhận được mức độ khốc liệt của bão lũ đợt này.

“Chặng đường hành quân tiếp cận hiện trường vụ sạt lở ở Phước Lộc chỉ chừng 10 cây số, song phải cắt rừng, lội suối hơn 7 giờ đồng hồ. Rất khó để lường hết những hiểm họa. Chúng tôi buộc phải băng qua suối Đà Lạt, con suối trên đường từ Phước Công qua Phước Lộc. Một chiến sĩ trinh sát tìm đường vòng băng qua, sau đó cùng hai anh em khác đứng cảnh giới mọi biến động, trong khi các anh em khác phải qua suối thật nhanh khi có hiệu lệnh. Người cuối cùng vừa qua suối thì đá rơi xuống, quá may mắn!” - Trung tá Hưng kể.

Hoàn cảnh không cho phép người lính chùn bước, dù nguy hiểm chực chờ, bởi biết bao đồng bào đang khốn khó phía trước. Suốt 19 ngày cùng ăn, cùng ở với đồng bào Phước Lộc, làm nhà tạm cho dân trú ngụ, gùi cõng lương thực, lao vào hiện trường tìm kiếm những người mất tích.

“Vào đến nơi, không còn vai trò người chỉ đạo nữa, tôi cùng chung tay với anh em. Trong điều kiện đặc biệt, mình phải nêu gương, mình đi được, làm được thì anh em cũng sẽ nỗ lực theo. Hình ảnh của bà con, chính cái khó, cái khổ bà con đang phải trải qua là động lực để anh em cố gắng hơn. Chúng tôi quyết tâm bằng tất cả sức lực và tâm huyết, chỉ cần còn một phần triệu hy vọng, chúng tôi còn phải tiếp tục cố gắng, đồng hành với bà con. Không một ai muốn điều tương tự sẽ xảy ra, nhưng nếu có một tình huống khác, một địa điểm nào khác mà người dân gặp nạn do thiên tai, bão lũ hay cần ứng cứu, chắc chắn tôi vẫn sẽ lên đường. Người lính bao giờ cũng phải trong tâm thế sẵn sàng” - Trung tá Triệu Tấn Hưng tâm sự.

Thiếu tá Ngô Đức Linh - Ban Thông tin, Phòng Tham mưu Ban chỉ huy Quân sự tỉnh: Không có thời gian để đắn đo

Thiếu tá Ngô Đức Linh thiết lập tổ đài vô tuyến tại hiện trường vụ sạt lở vùi lấp 11 người tại xã Phước Lộc (Phước Sơn) sau bão số 9 vừa qua.
Thiếu tá Ngô Đức Linh thiết lập tổ đài vô tuyến tại hiện trường vụ sạt lở vùi lấp 11 người tại xã Phước Lộc (Phước Sơn) sau bão số 9 vừa qua.

Trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 7 vừa qua, có hai vợ chồng không may bị lũ cuốn mất tích khi đi qua địa bàn xã Đại Hòa (Đại Lộc). Đang trực chiến tại Sở Chỉ huy phía Bắc đóng ở huyện Đại Lộc, Thiếu tá Ngô Đức Linh cùng lực lượng quân sự huyện nhanh chóng tiếp cận, triển khai tìm kiếm. Một “hàng rào người” được dựng lên, các anh nắm tay nhau, lần dò dưới dòng nước lũ để tìm người mất tích.

“Chúng tôi đã dàn hàng ngang, nắm tay nhau, lần dọc nơi xảy ra vụ việc để tìm kiếm thi thể hai vợ chồng bị lũ cuốn. Nước ngập ngang cổ, có nơi sâu hơn, anh em lần dò từng bước, hơn 40 phút trong dòng lũ thì tìm thấy người đầu tiên. Lại trở lại đợt tìm kiếm thứ hai, trong nhóm có anh em bị thương ở chân do giẫm trúng vật sắc nhọn, nhưng vẫn cố cho đến khi tìm được cả hai, bàn giao thi thể cho thân nhân đưa về. Quả thật, trong đoàn có nhiều anh em trẻ, ngại khi phải tiếp xúc với người đã mất, song chúng tôi không có thời gian để đắn đo. Mệnh lệnh đặt ra và mục tiêu lớn nhất là phải tìm kiếm được nạn nhân” - Thiếu tá Linh tâm sự.

Tiếp sau cơn bão số 9, Thiếu tá Linh nhận lệnh đi Trà Leng (Nam Trà My) trong đêm. Chỉ ít phút sau đó, có thông tin từ Phước Sơn, tổ phòng chống lụt bão quyết định cắt cử anh đi cùng nhóm hành quân lên Phước Lộc, với vai trò thiết lập, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn tại địa bàn này. Tổ đài vô tuyến hệ sóng ngắn do Thiếu tá Ngô Đức Linh và một đồng chí ở Ban Chỉ huy Quân sự huyện phát huy vai trò cực kỳ quan trọng, đảm bảo thông tin thông suốt từ Sở chỉ huy đến lực lượng cơ động tác chiến, trong bối cảnh sóng viễn thông đã hư hại nặng sau bão. Đặc biệt, từ hiện trường vụ sạt lở vùi lấp 11 người ở thôn 3 Phước Lộc, tổ thông tin do Thiếu tá Linh phụ trách đã nhanh chóng tìm vị trí, xác định hướng lắp ăng ten, từ đó thông đường dây liên lạc với cả tổ đài tại Trà Leng (Nam Trà My) lẫn các Sở chỉ huy, liên tục cập nhật tình hình tìm kiếm cứu nạn.

“Trong đợt hành quân ấy, đáng nhớ nhất là tình cảm của bà con. Anh em đều xúc động khi những bản làng vốn trù phú, yên bình bỗng chốc xóa sổ, trở thành bình địa, đổ nát. Có những người dân chúng tôi gặp mất con cái, mất người thân, nhà cửa, phải sống cảnh màn trời chiếu đất, rất đau xót. Thế nhưng cũng chính trong thiên tai, thấy được bà con dù khó nghèo nhưng vẫn sẻ chia cho nhau từng chút, nhường nhau từng chút, thực sự ấm lòng. Nhất là bà con rất thương bộ đội. Mình xuất hiện ở đó, bà con khá tin tưởng, yêu mến, nhiều người dân còn cùng mình tham gia làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn” - Thiếu tá Ngô Đức Linh kể.

Trung tá Nguyễn Trung Kiên - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phước Sơn: Trăn trở với đời sống đồng bào

Trung tá Nguyễn Trung Kiên - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phước Sơn tại cuộc họp Sở chỉ huy tiền phương phục vụ tìm kiếm cứu nạn tại Phước Sơn sau bão số 9.
Trung tá Nguyễn Trung Kiên - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phước Sơn tại cuộc họp Sở chỉ huy tiền phương phục vụ tìm kiếm cứu nạn tại Phước Sơn sau bão số 9.

Gắn bó với địa phương, thông hiểu địa hình, đặc thù của từng vùng, với vai trò Phó Trưởng ban Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện Phước Sơn, Trung tá Nguyễn Trung Kiên đã kịp thời tham mưu, tổ chức di dời 100 hộ dân đến nơi an toàn trước bão số 9. Đặc biệt, có 44 hộ dân ở thôn 3 xã Phước Lộc được cứu, khi kịp thời di dời đến UBND xã. Nơi ở của các hộ dân này bị sạt lở hoàn toàn sau bão.

Tại Phước Sơn, mọi thứ diễn biến quá nhanh, không theo một kịch bản nào cả và cũng không thể mường tượng được mức độ khủng khiếp do mưa bão gây ra. Tuy nhiên, không bị động trước mọi tình huống, Trung tá Nguyễn Trung Kiên đã từng bước chỉ đạo và trực tiếp tham gia cùng các lực lượng đi kiểm tra, thị sát các khu vực sạt lở, tính toán phương án tiếp tế hàng hóa, cứu trợ cho người dân.

“Trên 37 tấn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và gần 1.000 lít xăng, dầu đã được nhanh chóng đưa vào vùng cô lập bằng nhiều phương án. Rất nhiều lần ra, vào khu vực bị cô lập, tiếp cận hiện trường nơi triển khai công tác tìm kiếm người mất tích, điều khiến tôi ám ảnh nhất là cảnh hoang tàn của các bản làng vùng cao. Chúng tôi thật sự xót lòng khi thấy xung quanh đều là đống đổ nát, nhiều gia đình phải sống cảnh tạm bợ trong những túp lều. Rất nhiều việc phải làm sau đó, vừa tìm kiếm cứu nạn người mất tích, vừa chỉ huy giải cứu hơn 200 công nhân thủy điện Đăk Mi 2 mắc kẹt, vừa phải di dời người dân về tránh trú trước tình hình mưa bão còn kéo dài, phức tạp. Điều trăn trở lớn nhất là đời sống bà con giờ rất nhiều khó khăn, phải mất rất lâu, nguồn lực rất lớn mới có thể giúp dân bớt đau thương, ổn định lại sinh kế, đời sống” - Trung tá Nguyễn Trung Kiên chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vì dân, không đắn đo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO