Chúng tôi tìm nhà cựu chiến binh (CCB) Trần Ngọc Doanh, nguyên chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn Đặc công nước 471, vào một chiều tháng 7. Ông Doanh vừa trở về từ chuyến đi 7 ngày tại tỉnh Gia Lai, lần tìm mộ liệt sĩ theo những thông tin do các gia đình cung cấp.
Cựu chiến binh Trần Ngọc Doanh bên sơ đồ tìm hài cốt liệt sĩ. Ảnh: Đ.T.N.D |
1. Sinh năm 1950 tại xã Đông Nam, Đông Sơn, Thanh Hóa, đang học lớp 10, Trần Ngọc Doanh hăng hái viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Vào Nam chiến đấu, ông có mặt trên nhiều chiến trường Đông, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Quảng Nam - Đà Nẵng và làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia. Mười ba năm trong quân ngũ, ông đã 11 lần bị thương (được công nhận thương binh 4/4) và từng chứng kiến bao đồng đội ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Trở về đời thường, khi cuộc sống gia đình tạm ổn định, năm 1990, ông bắt tay vào thu thập, xác minh các nguồn thông tin để thông báo cho các gia đình liệt sĩ; rong ruổi khắp vùng miền của đất nước và sang cả Lào, Campuchia bền bỉ với hành trình đi tìm đồng đội.
Mỗi chuyến đi luôn đọng lại trong ông bao kỷ niệm khó quên. Trong đó, ông nhớ nhất là lần đi tìm hài cốt Anh hùng liệt sĩ Ngô Xuân Thu, Đại đội 2 Tiểu đoàn Công binh Hải Vân. Tháng 11.1971, được giao nhiệm vụ tham gia đánh đoàn tàu của địch tại Thừa Thiên Huế, không may bị lộ, Ngô Xuân Thu ra ám hiệu cho đồng đội rút lui, còn mình ôm khối thuốc nổ hơn 7kg lao vào đánh phá, làm lật đoàn tàu của địch và anh dũng hy sinh. Năm 1976, liệt sĩ được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tại phường Hòa Hiệp Bắc hiện có một con đường mang tên người chiến sĩ quả cảm này. Đã nhiều lần đến khu vực xảy ra trận đánh năm xưa để tìm kiếm nhưng không có kết quả, tháng 3.2016, tiếp tục đi xác minh, ông Doanh tình cờ được một người dân tên Tứ quê Duy Xuyên, hiện ở Phú Lộc - Thừa Thiên Huế, trước từng đi lính ngụy và được giao quản lý đoạn đường sắt nơi Ngô Xuân Thu đánh trận và hy sinh. Ngôi mộ liệt sĩ Thu hiện ở trong vườn nhà ông Tứ và được hương khói thường xuyên. Xác định được vị trí chôn cất, ông Doanh cùng Ban liên lạc CCB Tiểu đoàn Công binh Hải Vân và Hội CCB huyện Phú Lộc đã liên hệ với gia đình, tổ chức cất bốc, đưa hài cốt liệt sĩ về an táng tại quê nhà (xã Nguyễn Úy, Kim Bảng, Hà Nam).
Nặng tình đồng đội, vừa qua, CCB Trần Ngọc Doanh được Trung ương Hội CCB Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc cung cấp thông tin, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ giai đoạn 2005-2015. |
2. Năm 2006, chị Mai Thị Diên, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, trên đường tìm hài cốt của cha là Mai Công Mùi, Đại đội trưởng Đại đội 2, Trung đoàn 31 Sư đoàn 2, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, tìm đến nhà ông Doanh nhờ giúp đỡ. Dữ liệu ban đầu về cha mình mà chị nắm được rất mong manh: hy sinh tại vùng núi Quảng Nam. Dù vậy, CCB Trần Ngọc Doanh vẫn sẵn lòng cùng chị và ông Trần Văn Vĩnh (Phó ban Công tác MTTQ khu dân cư số 14 Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc) đi xe máy vào Quảng Nam, tìm đến những nơi bộ đội Sư đoàn 2 từng chiến đấu và hy sinh. Tại xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, đoàn may mắn gặp được ông Năm, người trước đây trực tiếp chôn liệt sĩ ở khu vực này. Hỏi ra mới biết, liệt sĩ Mùi được chôn gần gốc cây xoài, sau này xã di dời mộ vào nghĩa trang. Ông Năm theo sát sự kiện trên nên biết đích xác vị trí ngôi mộ. Dù trên mặt bia không ghi tên, nhưng khi đào lên, bên hài cốt còn nguyên khẩu súng ngắn và 3 viên đạn cùng tên tuổi của liệt sĩ.
Tháng 4.1972, chiến sĩ Trịnh Quang Vinh, Đại đội 2, Tiểu đoàn Đặc công nước 471 cùng đồng đội nhận nhiệm vụ đánh phá cầu Thủy Tú, Đà Nẵng. Khi ôm thuốc nổ qua sông thì bị địch phát hiện, bắn xối xả xuống lòng sông, pháo cũng nã dồn dập. Anh Vinh trúng mảnh đạn pháo, hy sinh, được nhân dân an táng ở Cồn Dâu (thuộc địa phận phường Hòa Hiệp Bắc ngày nay). Trước khi đi B, anh đã có một mối tình kỳ lạ với cô giáo dạy cấp 1 trường làng là Nguyễn Thị Sinh. Hai người cùng quê xã Hải Bắc, Hải Hậu, Nam Định. Quen nhau được 2 ngày thì làm đám cưới, cưới được 1 ngày thì anh đi. Ngày đi, anh hứa sẽ về khi tan giặc, nào ngờ, chỉ vài tháng sau, gia đình đã nhận được giấy báo anh hy sinh ở Mặt trận phía Nam.
Khi biết đích xác nơi đồng đội yên nghỉ, năm 1990, CCB Trần Ngọc Doanh viết thư thông báo về địa phương. Chị Sinh đã đi tàu vào Đà Nẵng, cùng ông Doanh và các đồng đội năm xưa của chồng khai quật mộ liệt sĩ. Khi tận mắt thấy hài cốt của chồng, chị bật khóc nức nở: “Lúc nào em cũng nghĩ đến lời hứa của anh và không nguôi hy vọng về ngày đoàn tụ. Bây giờ, dù chỉ còn một nắm xương nhưng anh sẽ mãi mãi ở bên em!”.
ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP