Vì em muốn cái chữ...

HOÀNG YÊN 22/05/2015 09:51

Bạn cùng trang lứa vẫn gọi em Hồ Thị Dôm (SN 2001, thôn 1A, xã Phước Thành, Phước Sơn) là “Dôm một chân”. Nhưng ai cũng yêu thương, nể phục cô bé tật nguyền này, bởi em biết vượt khó, kiên trì đến lớp tìm chữ.

Vượt núi đến trường

Tai nạn xảy ra với Dôm khi mới biết bò, lúc đó mẹ lên rẫy, chỉ có hai anh em ở nhà. Người anh lơ đễnh để em gái nằm cạnh bếp lửa, chân phải của Dôm bị cháy xém, co rút lại. Vì gia đình nghèo, không có điều kiện đưa đi bệnh viện, vậy là Dôm chịu cảnh tật nguyền. Ba mất sớm. Khi Dôm lớn hơn một chút thì mẹ và anh trai thường xuyên làm việc ở bãi vàng. Chỉ có một mình Dôm tự lớn lên, tự lo cho mình với đôi chân chỉ còn có một. Dôm vẫn còn nhớ ngày em tập nhảy lò cò bằng một chân, với sự cố gắng hết mình. Em phải làm tất cả mọi việc trong nhà, chăm sóc bản thân, nấu ăn, giặt giũ... lẫn việc học không thua gì những người bình thường. Và em luôn lạc quan về cuộc sống. Dôm cũng tự mình đến lớp như các bạn khác. Nói về chuyện đến trường của Dôm thì không thầy cô, bạn bè nào lại không cảm phục. Gọi là đi nhưng thực chất là Dôm chỉ cò bằng một chân đến trường. Nhà ở nơi cao nhất của thôn 1A, Trường Tiểu học và THCS Phước Thành thì nằm dưới thung lũng, con đường từ nhà đến trường không quá xa chỉ hơn 1 cây số, nhưng phải vượt qua con dốc chênh vênh đá lởm chởm. Khổ nhất là trời mưa, đường trơn trượt, để đến được lớp học, em phải rơi nước mắt vì không ít lần em bị té ngã giữa đường, quần áo, cặp sách của em thì tả tơi, mồ hôi nhễ nhại, chân em tóe máu. Nhưng bàn chân nhỏ ấy vẫn thoăn thoắt “nhảy” lò cò trên đường và 8 năm qua chưa một ngày nào em vắng học. Người bình thường như chúng tôi đi con đường dốc ấy còn quá khó khăn, lại càng không thể giải thích nổi vì sao một cô bé không lành lặn như Dôm lại có làm được kỳ diệu như thế. Bản thân em thì hồn nhiên: “Vì em muốn được đi học, muốn được có cái chữ”.  

Con đường đến trường chưa bao giờ dễ dàng đối với Hồ Thị Dôm. Ảnh: H.Y
Con đường đến trường chưa bao giờ dễ dàng đối với Hồ Thị Dôm. Ảnh: H.Y

Ước mơ giản dị

Điều làm chúng tôi ngạc nhiên nữa là trước đám đông, dường như nụ cười trên gương mặt em không bao giờ tắt. Dôm là một cô gái lạc quan, yêu đời. Em tâm sự: “Dù bị mất một chân, nhưng em chưa bao giờ dựa dẫm vào người khác. Em thấy nhiều bạn học lành lặn, được sống trong sự đùm bọc của cha mẹ vậy mà các bạn lại không cố gắng học, em chỉ ước có được một lần như tụi bạn. Nhờ em học giỏi mà bọn bạn không còn trêu chọc em nữa. Em thấy rất vui”.

 Em cũng chia sẻ về ước mơ giản dị của mình: “Em muốn học thật giỏi, sau này trở thành một cô giáo giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh giống như em”. Cô Lê Giang Quý Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 8 của Dôm đã bao lần phải ứa nước mắt khi nhìn cô học trò của mình lấm lem bùn đất đến lớp và say mê với từng con chữ hay như những lúc em giúp mẹ cõng bó củi trên tấm lưng gầy gộc, thấy mà xót lắm. Cô Trang cho biết: “Dôm là một học sinh thông minh, ngoan ngoãn, luôn cố gắng vượt qua hoàn cảnh, mặc cảm của cuộc sống. Không ai kèm cặp, đôn đốc việc học, vậy mà Dôm rất có ý thức học tập và học đều các môn. Năm nào em cũng là một trong những học sinh khá, tiêu biểu của trường. Nhà trường cũng đã có những món quà động viên, hỗ trợ cho em trong học tập. Tuy nhiên là một xã miền núi, nên cũng có rất nhiều hạn chế”.  

Thầy Nguyễn Văn Mẫu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Phước Thành nói: “Nghị lực của Dôm là tấm gương cho học sinh trong trường noi theo. Ở xã Phước Thành, hơn 100% là học sinh thuộc dân tộc thiểu số, cha mẹ học sinh cũng chỉ muốn cho con mình đi làm thuê, làm nương, làm rẫy giúp bố, giúp mẹ kiếm tiền. Trong hoàn cảnh như vậy, một cô bé không lành lặn, gia cảnh túng quẫn vẫn kiên trì đi học thực sự là một tấm gương sáng. Điều đáng trân trọng hơn nữa là Dôm học bằng tất cả sự say mê và luôn cố gắng. Chặng đường phía trước của Dôm còn nhiều gian nan, nhưng bằng nghị lực, bằng niềm tin, chúng tôi tin em sẽ vươn lên tự khẳng định được mình” - thầy Mẫu xúc động chia sẻ.

HOÀNG YÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vì em muốn cái chữ...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO