Khoảng 5 năm trước, vào mùa mưa, tuyến đường liên xã nối Hiệp Đức - Tiên Phước đoạn qua địa bàn thôn An Mỹ, xã Thăng Phước (Hiệp Đức) đất đỏ lầy lội, giao thương khó khăn. Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, Nhà nước đầu tư kinh phí làm đường nhựa, với điều kiện các hộ dân bị ảnh hưởng phải tự nguyện hiến đất, tài sản cây cối, vật kiến trúc. Lúc có chủ trương thì đồng thuận cao, nhưng khi đơn vị thi công tập kết phương tiện để chuẩn bị làm đường, một số hộ dân thôn An Mỹ lại ngăn cản, yêu cầu được hỗ trợ, bồi thường. Ông Nguyễn Văn Sáu - Trưởng thôn An Mỹ cùng các đảng viên trong thôn trực tiếp đứng ra giải thích, vận động các hộ dân này. Thấy các hộ chưa “thấm”, ông Sáu nêu gương tự tay tháo dỡ hàng rào, hạ cây cối, tự nguyện hiến nửa héc ta đất rừng, 1 sào ruộng để đơn vị thi công thực hiện cho kịp tiến độ. Đồng thời lấy đó làm cơ sở vận động nhân dân hưởng ứng chủ trương. Ông Sáu kể: “Thay vì thi công làm đường từ đầu tuyến đến cuối tuyến, đơn vị thi công bắt đầu làm từ ngõ nhà tôi, ở giữa thôn. Vừa tham gia giám sát, tôi vừa đi vận động các hộ. Thấy tôi tích cực lo cho cái chung nên ai cũng đồng thuận. Tuyến đường mở rộng ra 5m, được trải nhựa, giao thương đi lại thuận lợi, bà con ai cũng phấn khởi”.
Ông Nguyễn Văn Sáu giới thiệu thành tích mà cán bộ và nhân dân thôn An Mỹ đạt được trong các năm qua. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN |
Thăng Phước là địa phương được hưởng lợi từ Chương trình 135 dành cho các xã khó khăn, vì vậy, người dân nơi đây luôn được tập huấn, hướng dẫn các kỹ thuật sản xuất. Tuy nhiên, hiệu quả của các đợt tập huấn không cao bởi người dân luôn “lấn cấn” không biết khi áp dụng các kỹ thuật đó vào sản xuất tại địa phương có thành công hay không. Hiểu tâm lý đó, ông Sáu xung phong đứng ra làm thí điểm, có kết quả rồi vận động người dân áp dụng, làm theo. Thấy ông Sáu trồng bắp, nuôi bò, trồng rừng... đều đạt hiệu quả cao, người dân trong thôn mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, lối sản xuất mới. “Bất cứ công việc gì được triển khai tại địa phương, mình phải là người nêu gương, xung phong làm trước, làm có kết quả thì nói người dân mới tin, mới ủng hộ” - ông Sáu chia sẻ.
Tại hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị do Tỉnh ủy tổ chức, ông Sáu được UBND tỉnh tặng bằng khen vì những thành tích xuất sắc trong học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Ông Sáu tâm niệm: “Với trách nhiệm của người đảng viên, càng được nhân dân tin yêu, tín nhiệm tôi cần phải biết hy sinh vì lợi ích chung, nỗ lực hoàn thành tốt các công việc được giao, nhất định không để người dân vì tôi mà chịu thiệt”.
Việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW đã được tất cả tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức nghiên cứu, học tập theo chuyên đề hàng năm gắn với chuyên đề toàn khóa. Mỗi cán bộ, đảng viên sau khi nghiên cứu, học tập đều liên hệ với thực tế để xác định nội dung đăng ký thực hiện “làm theo”. Việc xây dựng và thực hiện những chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác được thực hiện rất nghiêm túc. Nhiều ngành, cơ quan, đơn vị đã cụ thể hóa chuẩn mực đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và các phong trào của ngành để cán bộ, đảng viên đăng ký và phấn đấu thực hiện. |
NGUYÊN ĐOAN