Tối ngày 2/11, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2023” - Tôn vinh các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bà Nguyễn Thị Hùng - Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Khánh Thịnh (xã Tam Thái, Phú Ninh) là gương cá nhân tiêu biểu của Quảng Nam, cùng 66 điển hình tiêu biểu của cả nước được tuyên dương tại chương trình.
Còn nhớ trong câu chuyện về học và làm theo Bác của mình tại buổi giao lưu các gương điển hình đúng vào dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Bác Hồ (19/5) năm 2023, bà Nguyễn Thị Hùng đã chia sẻ: “Những việc làm của tôi chỉ là một phần rất nhỏ. Trong xã hội này, còn rất nhiều gương người tốt việc tốt, họ là những bông hoa đẹp trong vườn hoa học tập và làm theo Bác”.
Gương mẫu đi đầu
Thực hiện nâng chuẩn các tiêu chí nông thôn mới của xã Tam Thái, vào năm 2022 - tuyến giao thông nội đồng ở tổ 8 (thôn Khánh Thịnh) vốn nhỏ hẹp, lầy lội đã được mở rộng ra 5m, đổ bê tông cứng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sản xuất. Cùng với sự đồng thuận của nhân dân, có vai trò gương mẫu, đi đầu của bà Nguyễn Thị Hùng.
Nhắc chuyện, bà Hùng tâm sự, chủ trương của xã là đúng đắn, nhưng khi thực hiện vận động nhân dân hiến đất mở đường thì không đơn giản. Bởi, người dân tổ 8 chủ yếu làm nông nghiệp, nay mở rộng tuyến đường, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đất sản xuất của họ. Trong đó, có 12 hộ của tổ 8 bị ảnh hưởng và 2 hộ có hộ khẩu ở phường Hòa Thuận (TP.Tam Kỳ).
Tích cực cùng cấp ủy, chính quyền và Hội LHPN xã Tam Thái vận động nhân dân hiến đất mở đường, gia đình bà Nguyễn Thị Hùng cũng đã tự nguyện hiến hơn 500m2 đất bị ảnh hưởng để nêu gương. Thấy vậy, các hộ khác cũng tự nguyện hiến theo.
Nhưng, trắc trở nhất khi thực hiện tuyến đường là sau nhiều lần thuyết phục, một hộ dân ở phường Hòa Thuận vẫn không đồng ý hiến mà yêu cầu đổi đất.
“Một lần nữa, gia đình tôi tự nguyện đổi ngang 400m2 đất của gia đình cho hộ này để lấy 300m2 đất thực hiện tuyến đường” - bà Hùng kể.
Theo lời bà Hùng, ở thời buổi ai cũng bảo “tấc đất, tấc vàng”, nhưng gia đình bà luôn tâm niệm trước hết phải vì sự phát triển của địa phương, lợi ích chung của nhân dân trong thôn.
Bà Hùng đã thuyết phục các thành viên trong gia đình rằng: Đất là quý, nhưng nếu mình cứ khăng khăng như vậy, thì làm sao chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước ta thành công? Hãy nhớ lại ngày xưa, khi đất nước chiến tranh, nhà nhà, người người sẵn sàng hy sinh của cải vật chất và ngay cả tính mạng để đổi lấy sự bình yên, hạnh phúc, ấm no hôm nay.
Rồi sau ngày giải phóng, để có nguồn nước tưới phục vụ cho nhu cầu sản xuất, xây dựng quê hương, hơn 400 hộ dân, với hơn 2.000 nhân khẩu ở lòng hồ Phú Ninh đã tự nguyện di dời nhà cửa, mồ mả tổ tiên, ruộng vườn để nhường đất thi công công trình đại thủy Nông Phú Ninh. Nay, chúng ta hy sinh chút ít quyền lợi riêng thì có gì to tát. Nhất là chủ trương xây dựng nông thôn mới là do nhân dân và chính nhân dân được hưởng lợi từ quá trình này.
“Tôi đã thuyết phục người thân bằng lý lẽ trên và được mọi người trong nhà đồng thuận. Thấy gia đình tôi có đất bị ảnh hưởng nhiều nhất, nhưng đã tự nguyện hiến, các hộ khác cũng tự nguyện làm theo mà không đắn đo thiệt hơn” - bà Hùng tâm tình.
Được đóng góp là hạnh phúc
Với tâm niệm được sống, được đóng góp cho bà con thôn xóm là hạnh phúc, bà Hùng luôn gương mẫu, nhiệt huyết, trách nhiệm, tận tâm trong các phong trào, từ việc nhỏ đến việc lớn ở cơ sở với vai trò Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Khánh Thịnh.
“Công việc chính của tôi là buôn bán, rất bận rộn, nhưng vẫn luôn cố gắng sắp xếp thời gian ổn thỏa để tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương. Tích cực vận động hội viên thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; các cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với thực hiện Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…” - bà Hùng chia sẻ.
Trong các việc làm, mô hình thực hiện “học và làm theo Bác” của Chi hội Phụ nữ thôn Khánh Thịnh thời gian qua có thể kể đến mô hình “Thu gom rác thải” với sự tham gia của đông đảo hội viên.
Nguồn kinh phí thu được từ mô hình này dùng để nhận đỡ đầu thường xuyên cho hộ hội viên phụ nữ nghèo. Hay mô hình “Phụ nữ với công tác đền ơn, đáp nghĩa” đã vận động cán bộ, hội viên trong chi hội hằng tháng và vào dịp 27/7 đến thăm, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa cho gia đình chính sách khó khăn, đau ốm thường xuyên.
Chi hội còn tổ chức các hoạt động góp vốn xoay vòng cho hơn 10 hội viên/năm. Thông qua đó, giúp 2 hội viên với số vốn 30 triệu đồng/người để phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, chi hội vận động hội viên có điều kiện kinh tế khá giúp đỡ những chị có hoàn cảnh khó khăn hơn bằng việc cho vay tiền không lấy lãi, giúp cây giống, con giống… hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.
“Trong các công việc đã làm, tôi và chị em trong chi hội xúc động nhất là những ngày đi vận động lương thực, thực phẩm để ủng hộ bà con bị cách ly do COVID-19 tại địa phương và ở TP.Hồ Chí Minh.
Chính trong hoàn cảnh khó khăn nhất của những ngày cả nước gồng mình chống dịch mới thấy hết tinh thần đoàn kết, nghĩa cử cao đẹp của bà con nhân dân. Tôi tin xã hội này rất tốt đẹp. Học và làm theo Bác, đã có rất nhiều người tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất để xây dựng nông thôn mới và làm nhiều việc tốt giúp ích cho đời, cho xã hội” - bà Hùng nói.