Từ thực tiễn phong phú của đời sống thanh niên, những cán bộ đoàn đã thiết kế nhiều hoạt động phong trào mang tính gần gũi, thiết thực, hiệu quả. Và từ đó, họ đã tạo dựng được niềm tin, sự sáng tạo, niềm hứng khởi trong thanh niên.
Mô hình tổ hợp tác nuôi thỏ Thành Đạt của thanh niên xã Điện Hòa (Điện Bàn) hoạt động khá hiệu quả. Ảnh: QUANG QUỲNH |
Đi đầu làm kinh tế
“Mình không làm được thì khó thuyết phục người khác” - Zơrâm Thơnh, Bí thư Chi đoàn thôn La Bơ B, xã Chà Vàl (Nam Giang) nói. Cách đây 3 năm, Thơnh mạnh dạn vay 50 triệu đồng để khởi nghiệp. Với 1,5ha đất của gia đình, anh đầu tư trồng keo, nuôi bò, dê và nhận khoán chăm sóc 2ha cao su. Chí thú làm ăn, đến nay gia đình anh trả hết nợ ngân hàng và mỗi năm thu lãi cả trăm triệu đồng. Thơnh chia sẻ: “Nghĩ lại cũng thấy mình liều quá, vay vốn nhiều thế mà không làm được chi thì nợ nần sao trả nổi. Nhưng khi đã có hướng đi mà không liều thì không thể phát triển được. Vấn đề là hướng đi mà mình vạch ra phải cho thấy khả năng cao đạt hiệu quả. Khi làm thành công, mình hướng dẫn, hỗ trợ các bạn trẻ trong thôn cùng thực hiện”.
Ở Thăng Bình, cả Bí thư và Phó Bí thư Đoàn xã Bình Nam đều đi đầu trong làm ăn, phát triển kinh tế. Trong đó, Phó Bí thư Đoàn xã Phan Phú Quý vừa là người có thẩm mỹ vừa rành tin học nên mạnh dạn mở dịch vụ in ấn phục vụ người dân trong xã. Mới đầu còn nhiều lúng túng, nhưng với tinh thần tuổi trẻ và có nhiều cách làm hay nên dịch vụ của anh dần được nhiều người tìm đến. Tuy ở vùng quê còn nhiều khó khăn nhưng dịch vụ in ấn của anh cũng đem lại mức thu nhập 50 - 60 triệu đồng/năm, cũng đủ trang trải cuộc sống gia đình… Với hướng đi khác, Bí thư Đoàn xã Lê Thống Nhất chọn mô hình nuôi gà thả vườn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Nhất cho hay: “Mỗi lứa tôi thả nuôi 700 - 1.500 con gà, sau khi trừ các khoản chi phí và nhân công, gia đình tôi còn lãi khoảng 60 triệu đồng/năm. Mô hình nhỏ này cũng đã giúp giải quyết việc làm cho 2 thanh niên với khoản tiền công mỗi người 3,5 triệu đồng/tháng”. Vì làm ăn giỏi nên những thủ lĩnh này có năng lực để giúp đỡ thanh niên, thông qua kênh của Đoàn đưa khoa học kỹ thuật, vốn, giống về với những nông dân trẻ. Thanh niên địa phương khi làm trang trại được Đoàn đứng ra tín chấp để vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại. Cứ có mô hình làm ăn, kỹ thuật nào mới là cán bộ đoàn ở đây tiền phong ứng dụng, vì theo anh Nhất “có làm được mới thuyết phục thanh niên làm theo”. Vì thế ở Bình Nam dù có hơn 280 hộ nghèo nhưng không có hộ thanh niên nghèo nào.
Gần gũi và đồng hành
Gây quỹ hoạt động Đoàn Kinh phí tổ chức các hoạt động của Đoàn luôn là một vấn đề đau đầu với các đơn vị vùng cao. Bí thư Huyện đoàn Đông Giang - Đỗ Hữu Tùng cho biết, hầu hết kinh phí hoạt động đều phải kêu gọi từ nguồn lực xã hội hóa; nhiều hoạt động phải tìm các tổ chức có liên quan phối hợp thực hiện nhằm giảm chi phí. Ở Đông Giang, chi đoàn thôn tại các xã Jơ Ngây, Ma Cooih đã làm tốt công tác gây quỹ. Trong đó, Bí thư Chi đoàn thôn Kèn và thôn Ngật (xã Jơ Ngây) đã vận động đoàn viên khai hoang 1,5ha đất trồng keo, đồng thời mua giống keo về bán để gây quỹ. Bên cạnh đó, các chi đoàn vận động thanh niên tham gia ngày công giúp dân phát cỏ keo hàng tháng lấy nguồn kinh phí để hoạt động. Trung bình mỗi năm chi đoàn có thể gây quỹ hoạt động khoảng 35 triệu đồng. Hay như Chi đoàn thôn Tà Rèng (xã Ma Cooih) trồng hơn 1ha ớt ariêu với sự tham gia của 27 đoàn viên, mỗi năm tạo thêm 10 triệu đồng để hoạt động phong trào. |
Là thủ lĩnh thanh niên, anh Hiên Phách - Bí thư Đoàn xã Chà Vàl (Nam Giang) vẫn luôn trăn trở khi thấy một số bạn trẻ ở địa phương suốt ngày lêu lổng, uống rượu, không lo làm kinh tế. Đầu năm 2016, toàn xã có đến 60 hộ thanh niên nghèo và 27 hộ thanh niên cận nghèo. Để giải quyết câu chuyện thoát nghèo cho thanh niên, anh Hiên Phách cùng với Đoàn xã Chà Vàl đã triển khai nhiều cách làm cụ thể, như: mở lớp tập huấn cạo mủ cao su cho 50 thanh niên; huy động 55 thanh niên hỗ trợ san đắp 150m2 nền nhà cho gia đình anh Zơrâm Tơi; vận động thanh niên trong xã góp 100 ngày công phát 2ha đất trồng keo giúp anh Bling Hào… Với những việc làm thiết thực đó của Đoàn, nhiều thanh niên địa phương đã có được nguồn thu nhập từ việc cạo mủ cao su thuê, giảm bớt áp lực kinh tế cho gia đình. Đặc biệt, các anh Zơrâm Tơi và Bling Hào đã được công nhận thoát nghèo. Anh Hiên Phách khẳng định: “Trong làm kinh tế, Đoàn phải gần gũi, chia sẻ và đồng hành thì anh em mới tin, mới theo. Nói suông không được đâu! Vấn đề quan trọng là phải đánh thức, khơi dậy tính tự lực trong thanh niên. Đừng mơ chi cao xa, nếu chịu làm, chỉ cần bán tạp hóa, sửa xe máy, phụ hồ, cắt tóc, cạo mủ cao su… đã có thể giúp các bạn thoát nghèo”.
Theo chị Phan Thị Trà Vinh - Bí thư Đoàn thị trấn Trà My (Bắc Trà My), một thủ lĩnh nhiệt tình, biết lắng nghe và có kỹ năng hoạt động phong trào sẽ tạo ra sức hút và sự hứng thú với đoàn viên thanh niên. Yếu tố không thể thiếu của cán bộ đoàn là tính gương mẫu, đầu tàu trong đạo đức, lối sống, sinh hoạt, học tập, dám nói dám làm và dám chịu trách nhiệm. Như câu chuyện anh Lê Văn Thái - Bí thư Đoàn xã Điện Hòa (Điện Bàn) tự mày mò tìm kiếm trên internet quy trình thành lập tổ hợp tác và sau đó thành lập tổ hợp tác nuôi thỏ Thành Đạt hoạt động khá hiệu quả…
Nói về sự đồng hành của Đoàn với người trẻ, anh Phan Văn Bình - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn chia sẻ: “Thời gian qua, các cấp bộ đoàn toàn tỉnh đã đồng hành với thanh niên trong lập nghiệp bằng nhiều sự hỗ trợ cần thiết như vốn vay, sinh kế, tư vấn thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên… Chính những thành quả ấy đã góp phần xây dựng nên hình ảnh đội ngũ cán bộ đoàn năng động, biết nghĩ đến cái chung, làm không chỉ vì mình và phong trào, mà trên hết là những lợi ích thiết thân của thanh niên”.
QUANG QUỲNH