Chung nỗ lực trong mục tiêu hướng đến thành phố môi trường, các tổ chức và cộng đồng dân cư tại TP.Hội An đang triển khai nhiều biện pháp vì một cuộc sống “xanh” hơn, thân thiện hơn.
Phân loại rác thải nhựa để kết dây phao ngăn rác trên sông. Ảnh: Q.T |
Là nơi đầu tiên ở TP.Hội An triển khai thông điệp nói không với túi ni lông cách đây gần 10 năm, đến nay cộng đồng cư dân ở Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp) đã xem việc bảo vệ môi trường hòn đảo này giống như chính trong ngôi nhà của mình. Nhờ ý thức cao của người dân kết hợp với việc tuyên truyền rộng rãi đến du khách, Cù Lao Chàm đang dần hướng đến việc “Zero Waste - Không rác thải”. Theo TS. Chu Mạnh Trinh - Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, tại đảo đang hướng đến việc không sử dụng ống hút nhựa để dần dà không còn rác thải nhựa trên đảo. Còn với chị Thảo Huyền, một cư dân địa phương cho biết: “Du khách khi uống những loại nước giải khát trên đảo sẽ không dùng ống hút nhựa mà có thể uống trực tiếp hoặc nếu không quen có thể dùng ống hút thép, ống hút cỏ bàng hoặc tre”.
Trong đất liền TP.Hội An, nhất là tại các điểm du lịch ven đô người dân địa phương cũng đã bắt đầu ý thức được việc góp phần xây dựng môi trường sinh thái, tạo ra làng quê xanh - sạch - đẹp. Ở làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà), người dân đã biết phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu sử dụng túi ni lông, làm phân compost hộ gia đình… Bà Nguyễn Thị Thoa (trú thôn Trà Quế) cho biết, trước đây cũng có nhiều người đã xách giỏ đi chợ và qua thời gian thì số này dần tăng thêm. Ngoài ra, người dân cũng dần tập làm quen với việc xách hộp đựng thức ăn đi mua đồ ăn sáng để giảm thiểu tối đa bao bì thải ra môi trường. Những nỗ lực của thành phố để giữ lại cánh đồng, lạch nước, hàng cau… ngay trong phố, ngay tại những điểm du lịch cũng giúp tạo ra một môi trường sống, môi trường du lịch sinh thái đang dần trở thành “thương hiệu” đối với Hội An. Việc sáng tạo tour du lịch “vớt rác trên sông Hoài” của một số đơn vị cũng cho thấy sự đồng hành của doanh nghiệp trong nỗ lực vì cuộc sống “xanh” tại đây.
Việc tạo ra một nền tảng bước đầu trong ý thức bảo vệ cuộc sống “xanh” đối với thế hệ trẻ ở thành phố cũng đang được thực hiện khá hiệu quả. Ở Trường THCS Lý Thường Kiệt (xã Cẩm Kim), qua sự trợ giúp bước đầu của tổ chức Live and Learn, câu lạc bộ “Hiệp sĩ xanh” với thành viên là các học sinh trong trường đã được thành lập vào năm 2016 để giúp các em có hứng thú với hoạt động sáng tạo, tái chế. Đến nay, CLB “Hiệp sĩ xanh” đã có khoảng 30 thành viên thường xuyên tham gia và đã tham gia nghiên cứu được một số sản phẩm như: lọ hoa từ rác, dung dịch thân thiện đuổi côn trùng, kết chai nhựa ngăn rác trên sông... Thầy Huỳnh Hướng - Hiệu phó Trường THCS Lý Thường Kiệt trực tiếp phụ trách CLB cho biết: “Điều cốt lõi nhất của học sinh khi tham gia CLB chưa phải là tạo ra sản phẩm hữu ích cho cộng đồng mà để định hình trong các em một nếp sống xanh, tiếp cận thân thiện với môi trường”. Ngoài ra, một dự án dài hơi về việc tuyên truyền về nguy cơ tiềm ẩn, mối hại của rác thải đến môi trường sống đối với học sinh cấp THCS ở TP.Hội An cũng đang được triển khai hàng tuần với sự hợp sức của một số tổ chức và doanh nghiệp.
QUỐC TUẤN