Vì mục tiêu phát triển miền núi

ALĂNG NGƯỚC 06/12/2016 09:00

(QNO) - Sau 5 năm thực hiện Nghị định 05/2011-NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 05) của Chính phủ về công tác dân tộc, bộ mặt nông thôn miền núi trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đẩy mạnh công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Diện mạo của bản làng vùng cao đang đổi thay từng ngày nhờ lồng ghép các nguồn vốn chính sách đặc thù của Chính phủ. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Diện mạo của bản làng vùng cao đang đổi thay từng ngày nhờ lồng ghép các nguồn vốn chính sách đặc thù của Chính phủ. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Nhiều đổi thay 

Theo báo cáo của UBND tỉnh tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 05 của Chính phủ cho thấy, giai đoạn 2011-2015, từ các nguồn ngân sách của Chính phủ, UBND tỉnh đã phân bổ gần 3.460 tỷ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất. Qua đó, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, đảm bảo ổn định và từng bước nâng cao chất lượng của sống của đồng bào DTTS. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo ở 9 huyện miền núi giảm dần từ 52,29% (năm 2011) xuống còn 33% vào cuối năm 2015.

Qua đánh giá tác động từ các chương trình, chính sách giảm nghèo của Chính phủ cho vùng đồng bào DTTS thì, phần lớn hiệu quả đều nhờ vào sự lồng ghép nguồn vốn của các địa phương miền núi. Đây được xem là cách làm hay, vừa tập trung được nguồn lực cho hỗ trợ đầu tư, vừa đảm bảo đồng bộ hóa các dự án phát triển cho miền núi, nhất là về cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất. Từ các chính sách đầu tư phát triển, qua 5 năm triển khai dự án Chương trình 135 đã tổng hợp được nguồn vốn đầu tư hơn 472 tỷ đồng. Trong đó, riêng dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ước đạt khoảng 375 tỷ đồng để xây dựng 739 hạng mục công trình về giao thông, điện thắp sáng, trường học, trạm y tế, cùng các công trình về thủy lợi, nước sinh hoạt,... Ngoài ra, các chính sách ưu tiên đặc thù cho vùng đồng bào DTTS cũng được triển khai đồng bộ, đem lại hiệu quả khả quan cho phát triển miền núi.

Xác định việc quy hoạch, sắp xếp và bố trí dân cư tập trung có vai trò quan trọng trong việc ổn định đời sống người dân miền núi, nhiều năm qua các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, lồng ghép các nguồn vốn để triển khai các dự án định canh định cư cho đồng bào DTTS, với tổng nguồn vốn đầu tư gần 65 tỷ đồng. Thành công của các dự án này phải kể đến các địa phương của huyện Tây Giang, với hàng chục khu tái định cư mới được thực hiện đem lại hiệu quả rất lớn trong việc ổn định đời sống người dân. Trưởng ban Dân tộc tỉnh - bà Lê Thị Thủy cho rằng, cùng với chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, các địa phương miền núi cũng đã đẩy mạnh đến công tác giảm nghèo thông qua các chương trình chính sách hỗ trợ mô hình "cây trồng, con vật nuôi". Bên cạnh các nguồn vốn đầu tư của tỉnh cho vùng đồng bào DTTS, hàng loạt dự án theo các Chương trình 135, chính sách vì mục tiêu giảm nghèo của Chính phủ được triển khai, giúp miền núi dần thay đổi diện mạo theo hướng tích cực. "Qua 5 năm thực hiện, đời sống của đồng bào ngày càng được cải thiện, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu càng được đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, cũng như tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc" - bà Thủy cho biết thêm.

Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển các mô hình sản xuất ở miền núi cũng được chú trọng, góp phần giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển các mô hình sản xuất ở miền núi cũng được chú trọng, góp phần giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững. TRONG ẢNH: Đồng bào vùng cao làm ruộng lúa nước. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Tập trung nguồn lực phát triển miền núi

Lâu nay, công tác dân tộc và miền núi luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và tạo mọi điều kiện để phát triển. Đã có nhiều chương trình, dự án ưu tiên được triển khai cho vùng đồng bào DTTS, trở thành "liều thuốc quý" giúp đồng bào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định 05 của Chính phủ, cũng đã bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục. Đó là, việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện chính sách của một số Bộ, ngành chưa kịp thời, nhất là về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cho vùng DTTS và miền núi. Trong khi đó, hệ thống chính sách mang tính ngắn hạn, chưa khuyến khích xã hội hóa đầu tư, cũng như kết cấu hạ tầng chưa thật sự đồng bộ,... khiến kinh tế - xã hội ở miền núi, vùng đồng bào DTTS chưa thể phát triển toàn diện.

Tại hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 05 của Chính phủ mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, công tác dân tộc và chính sách dân tộc được xác định là trách nhiệm của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị và được thể hiện bằng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó, Nghị định 05 của Chính phủ là văn bản pháp quy cao nhất, quan trọng nhất được Chính phủ ban hành từ trước tới nay về công tác dân tộc với các nhóm chính sách và công tác quản lý nhà nước về dân tộc. Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả theo Nghị định, đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cho vùng DTTS và miền núi; có chính sách bồi dưỡng, hỗ trợ các nghệ nhân, nghệ sĩ tiêu biểu để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS, cũng như các chính sách hỗ trợ cho các hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nhằm đảm bảo thoát nghèo bền vững cho đồng bào DTTS.

Tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ là cơ hội để miền núi phát triển toàn diện. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ là cơ hội để miền núi phát triển toàn diện. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Bên cạnh việc chủ động ưu tiên nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn với chính sách dân tộc, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương cần tiếp tục tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cho các huyện nghèo, xã, thôn/bản đặc biệt khó khăn, vùng DTTS và miền núi, nhằm khắc phục đầu tư dàn trải và khuyến khích các địa phương ban hành các chính sách đặc thù, bố trí thêm nguồn lực để tổ chức thực hiện tốt các chính sách. "Các địa phương phải năng động, sáng tạo, ý chí quyết tâm để thúc đẩy sự phát triển nhanh, không nên chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của trung ương. Trong đó, cần phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, động viên sức mạnh của cả hệ thống chính trị và có những ưu đãi chính sách để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư cho miền núi" - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh. 

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vì mục tiêu phát triển miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO