Nghị quyết 35 của Chính phủ vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế đang được thực thi có hiệu quả tại Quảng Nam theo hướng kiện toàn các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh sẽ tiếp tục nhận sự hỗ trợ từ chính quyền và cơ quan quản lý. Ảnh: T.DŨNG |
Hành động vì doanh nghiệp
Lần đầu tiên các doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2017 đã được tham dự nhiều lớp tập huấn, được nhận miễn phí cẩm nang “Những điều doanh nghiệp cần biết và thực hiện sau khi thành lập”, “Những lợi ích cần biết khi chuyển đổi loại hình hoạt động từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp”; hay các sản phẩm truyền thống địa phương của các doanh nghiệp Quảng Nam đã có thể chen vai cùng sản phẩm của 63 tỉnh, thành cả nước tại cuộc triển lãm, giới thiệu đến quan chức, nhà báo, doanh nghiệp tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017 là điểm sáng mới của việc thực thi Nghị quyết 35 của Chính phủ. Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp và kế hoạch hành động vì doanh nghiệp trên tinh thần phục vụ này đã có sức lan tỏa sâu vào nền kinh tế, tới các địa phương trên khắp cả nước. Con số 1.260 doanh nghiệp thành lập mới và 80% trong số doanh nghiệp hoạt động tại Quảng Nam tuyên bố có lãi, sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh, thu ngân sách vượt kế hoạch 14.200 tỷ đồng, bất chấp khó khăn tạm thời của Thaco... là minh chứng rõ nhất trong việc thực thi nghị quyết và những hành động cụ thể trên tinh thần phục vụ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả.
Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh đã trở thành yêu cầu bắt buộc. UBND tỉnh đã chỉ thị cho tất cả sở, ban, ngành đồng loạt triển khai các chương trình, hoạt động như: đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực thi của cán bộ công chức; điều chỉnh, bổ sung hoặc loại bỏ các văn bản để phù hợp với thị trường và quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều chương trình kết nối giao thương, gắn kết thị trường, xúc tiến thương mại cũng được triển khai. Ngoài ra, các chính sách, quy định, văn bản mới luôn được cập nhật đầy đủ trên các trang website của trung tâm hành chính công, các sở, ban, ngành và trên các diễn đàn kinh tế khác nhau. UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan quản lý như hải quan, thuế, ngân hàng tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiêp hoạt động, cung cấp các dịch vụ tư vấn thuế, tài chính… Đặc biệt là công tác hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, vốn vay ưu đãi của các chương trình, dự án nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo đảm nguồn vốn thực hiện dự án và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Diện - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho rằng các ngân hàng đang triển khai 58 gói tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp, doanh nghiệp có tài chính tốt sẽ được vay với lãi suất 4 - 5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn. Các ngân hàng đã công khai trên mạng điện tử thủ tục cho vay, đưa ra nhiều gói sản phẩm, chương trình tín dụng ưu đãi, đa dạng, lãi suất hợp lý để khách hàng có thể lựa chọn. Năm 2017 đã có 94 doanh nghiệp được tham gia chương trình kết nối ngân hàng với doanh số cho vay 1.177 tỷ đồng...
Lắng nghe doanh nghiệp
Ông Võ Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư cho hay những cải cách của Quảng Nam đã tạo cho cơ hội kinh doanh phát triển, giúp không ít doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Trung tâm hành chính công đã hiện thực hóa kế hoạch hành động vì doanh nghiệp của UBND tỉnh bằng việc nâng cao trách nhiệm đạo đức công vụ, không quan liêu, không tham nhũng, cắt giảm thời gian và thành phần hồ sơ trong cải cách thủ tục hành chính, thông tin cho doanh nghiệp nắm bắt kịp thời cơ hội và thách thức khi hội nhập kinh tế, tạo cơ hội để doanh nghiệp tiếp xúc, làm việc với các đối tác trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ông Hùng cũng thừa nhận so với mục tiêu, việc phát triển doanh nghiệp, tạo lập môi trường thuận lợi cho kinh doanh vẫn còn hạn chế, chưa thể giải quyết dứt điểm các kiến nghị của doanh nghiệp... Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói chính quyền cam kết luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhưng vẫn luôn muốn lắng nghe những chia sẻ, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp để cải thiện môi trường đầu tư, phục vụ doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Cuộc đua về năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, cung cấp một môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh tốt hơn, để nhận lấy sự hài lòng của doanh nghiệp dường như là một cuộc đua không có kết thúc. Quảng Nam không là biệt lệ nên buộc lòng không thể trì hoãn những cuộc cải cách cụ thể. Một trong những vấn đề tiếp tục đột phá chính là cải cách hành chính. Theo kế hoạch, Quảng Nam sẽ rà soát, bổ sung công bố đầy đủ 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết ngay tại trung tâm hành chính công kể từ ngày 1.1.2018, kiểm soát chặt chẽ quy trình giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân, tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, kịp thời chấn chỉnh các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân đưa vào hoạt động trung tâm hành chính công Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn vào năm 2018. Không chỉ tiếp tục đồng hành giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị doanh nghiệp, chính quyền đẩy mạnh yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện giải pháp về cải tiến thủ tục, hồ sơ trong cung cấp dịch vụ ngân hàng. Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp sẽ ngày càng được mở rộng hơn. Tuy nhiên, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần xác lập từ phía các bộ, ngành trung ương và cần thêm nguồn lực đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói UBND tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ TN&MT tiếp tục rà soát, điều chỉnh các chính sách pháp luật trong lĩnh vực đất đai theo hướng rút gọn và đẩy mạnh phân cấp cho địa phương. Khi ban hành hướng dẫn, các bộ, ngành cần phải thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo trong triển khai thực hiện và cũng đã kiến nghị Chính phủ bố trí kinh phí hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng giao thông, các khu cụm công nghiệp, làng nghề như hệ thống xử lý nước thải, rác thải…
TRỊNH DŨNG