Vị ngọt chè dây

VƯƠNG HOÀNG 20/07/2018 09:49

Ông Phòng ngó lên đồi chè trước mặt, cười tủm tỉm, rồi quay sang nói với chúng tôi: “Nó đấy!”. Trên bàn, những chén nước sẫm màu tỏa mùi thơm dịu mát. Vị ngọt thanh đọng ở cổ, kéo dài sau một ngụm nước đầy.

Vườn ươm giống được hình thành ở Đông Giang mở ra nhu cầu phát triển kinh tế từ cây chè dây zazéh của người dân địa phương. Ảnh: VƯƠNG HOÀNG
Vườn ươm giống được hình thành ở Đông Giang mở ra nhu cầu phát triển kinh tế từ cây chè dây zazéh của người dân địa phương. Ảnh: VƯƠNG HOÀNG

1.  Khuôn viên nơi ở của vợ chồng ông Phạm Quốc Phòng (thôn Đha Nghi, xã Tư, huyện Đông Giang) thoạt nhìn hệt như điểm du lịch sinh thái giữa rừng. Căn nhà vườn mái lá bao phủ bởi màu xanh những giàn cây trái, thấp thoáng dưới áng mây trắng bồng bềnh của núi, sau cơn mưa dài. Bên mép hiên, vợ chồng ông Phòng đang cho từng gói chè dây razéh vào những bao tải loại lớn, chuẩn bị gửi xe mang lên thị trấn để trưng bày tại cuộc triển lãm của địa phương. Bên trong căn nhà đã có gần chục bao tải chè dây chất ngay ngắn. Ông Phòng nói, chè dây razéh là sản phẩm đặc trưng của địa phương, được lãnh đạo huyện chọn làm quà biếu đại biểu dự lễ kỷ niệm 15 năm tái lập huyện Đông Giang.

Hơn 2 năm nay, kể từ khi chè dây trở thành thương phẩm đặc trưng của địa phương, vợ chồng ông Phòng cùng một vài hộ dân khác trong làng đã bỏ hẳn các loại cây trồng khác để quay sang đầu tư trồng chè dây. Ông Phòng bảo, vùng đất này đã có một hướng phát triển kinh tế mới đúng nghĩa, khi giá chè dây ngày càng cao, thị trường tiêu thụ mở rộng. Chè dây thực sự là cơ hội đổi đời của những người dân như ông Phòng, ngay tại ngôi làng mà vài năm trước hầu hết thuộc diện hộ nghèo…

Cuộc nói chuyện tạm ngắt. Ông Phòng có cuộc điện thoại của khách hàng đặt mua sản phẩm chè dây razéh. Thương thảo xong, ông cười khà, tiếp tục say sưa câu chuyện về chè dây, về những dự định sắp tới. “Hôm rồi tôi có gặp một anh là tiến sĩ chuyên nghiên cứu về nông nghiệp. Khi nghe nói anh sắp sang Nhật, tôi biếu vài gói chè dây và nhờ mang sang giới thiệu. Biết đâu, lại có duyên mới” - ông Phòng vui vẻ chia sẻ. Niềm tin về cơ hội phát triển sản phẩm chè dây razéh hiện hữu trên gương mặt của người đàn ông tuổi đã hơn 50 này.

2. Bà Oanh, vợ ông Phòng, xuống ngắt vài đọt chè tươi rồi đun sôi mời chúng tôi uống thử. Mùi thơm của loại chè dây này đặc trưng đến lạ, tỏa khắp căn nhà. Vợ chồng ông Phòng từng là công nhân của Nông trường chè Quyết Thắng (xã Ba). Gần 30 năm trước, sau khi nghỉ việc ở nông trường, vợ chồng ông dắt díu nhau đến vùng đất rộng dưới chân núi Đha Nghi để định cư, mong tìm kiếm cơ hội thay đổi cuộc sống. Ông Phòng nói, hồi đó vùng đất này hoang vắng lắm, nhưng từ khi vợ chồng ông đến định cư, chỉ chưa đầy một năm sau đã có gần chục gia đình trẻ cũng tìm đến sinh sống, người đến đông dần và lập nên làng Đha Nghi này.

Ông Phòng kể, cuộc sống giữa rừng thời đó rất khó khăn. Chỉ biết dựa vào nương rẫy nhưng đất đai cằn cỗi, chăm chỉ mấy cũng làm không đủ ăn. Nghèo túng quá, một dạo đâu gần chục năm trước, học từ làng khác, nhân dân Đha Nghi chuyển sang trồng keo. Trong khi chờ thu hoạch keo, người dân rủ nhau trồng cỏ nuôi bò. Cứ thế quay vòng, dù không giàu có dân làng từ đó cũng đủ ăn. “Mấy năm trước, lúc đó mình làm trưởng thôn, may mắn được dự một cuộc họp bàn của xã để chuyển hướng canh tác sang trồng chè dây razéh giúp người dân thoát nghèo. Nắm bắt cơ hội, mình mạnh dạn vay vốn, rồi tập trung trồng chè dây. Bây giờ gia đình mình đã có hơn một héc ta chè dây rồi” - ông Phòng chia sẻ cơ duyên gắn bó với chè dây razéh.

Thu hoạch đều vụ chỉ sau thời gian ngắn bỏ công trồng, chăm sóc, ông Phòng “kèm cặp” cho 3 hộ dân khác trong làng để hình thành nên nhóm hộ cùng phát triển trồng chè, thu nhập khá ổn định. Như vợ chồng ông Phòng, từ khi trồng chè dây, mỗi năm thu về vài trăm triệu đồng. Khoản thu này trước đây có nằm mơ vợ chồng ông cũng không nghĩ đến.

Trở ra từ làng, chúng tôi theo chân một cán bộ ngành nông nghiệp của xã Tư đến vườn ươm giống chè dây razéh. Những mầm xanh mơn mởn, vươn cao nhờ công nghệ mới chờ ngày xuất hàng. Chủ tịch UBND xã Tư - Nguyễn Văn Bình nói, công nghệ ươm giống chè dây razéh ở trại này được áp dụng theo mô hình sàng lọc, giâm hom, với giống cây đạt chuẩn của Trường Đại học Nông lâm Huế. Từ mô hình này, ngoài xã Tư, tới đây nguồn giống cũng sẽ được lựa chọn cung cấp cho hàng nghìn hộ đồng bào ở khu vực lân cận như các xã Ba, Sông Kôn, A Ting, Jơ Ngây,… để cùng tạo ra cơ hội mở hướng thoát nghèo từ đặc sản của vùng - chè dây razéh.

Niềm vui theo bước chân chúng tôi trên con đường bê tông mới, thoang thoảng mùi thơm tỏa ngát từ phía những đồi chè xanh thắm dọc lối đi, giữa rừng.

VƯƠNG HOÀNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vị ngọt chè dây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO