"Vì những con sông đã cạn nguồn rồi"

PHAN HOÀNG 24/06/2023 09:23

(ĐS 21/6) - Xin mượn lời trong bài hát “Này em có nhớ” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, để bày biện nỗi nhớ se sắt về những con sông nơi thượng nguồn xứ Quảng, của những ngày tôi còn trẻ.

Dòng sông kiệt nước. Ảnh: P.H
Dòng sông kiệt nước. Ảnh: P.H

1. Năm 2004, khi tôi đến vùng biên giới và được tá túc ở Đồn biên phòng A Xan, ban ngày hơi lạnh đậm như cao nguyên Đà Lạt. Đêm xuống cái lạnh cắt da cắt thịt, gió lùa qua khe vách ván, nên dù đã mượn đến hai cái chăn của các anh bộ đội vẫn không đủ ấm.

Hồi đó, ám ảnh chuyện ngôi làng gốm cổ ở giữa non ngàn lúc hồi mới ra trường, đọc xiên quàng đâu đó trong các sách của nhà nghiên cứu Tôn Thất Hướng mà quyết băng rừng vào làng. Nhủ rằng cơ may biết đâu sẽ gặp được... trống đồng Đông Sơn.

Lội vào các bản, nước các khe suối trong vắt, cứ cách quãng lại gặp suối. Những đoạn suối ven rừng, thi thoảng rớt lại hương bông bưởi đâu đó, ngập ngừng. Như đoạn đầu làng vào bản Ka noon (hay Canonh?), đến bây giờ đoan chắc không dễ gì gặp lại bản nào đẹp như thiên đường như vậy trên miền tây xứ Quảng.

Lúc đó, người dân ở rải rác chừng chục nóc nhà là thành làng. Bây giờ, Tây Giang cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, bố trí dân cư tập trung với 115 điểm dân cư/63 thôn để tránh chuyện sạt lở mùa mưa lũ.

Bản của đồng bào lúc đó sạch tinh tươm. Đồng nghiệp tôi chắc nịch: những bản quanh đồn biên phòng, bao giờ cũng sạch. Nguyễn Văn Dũng - người anh của tôi từng là bộ đội biên phòng, đồn trú dọc tuyến biên giới Tây Giang.

Ch’ ơm, Ga Ry, A Xan, A Nông hình như chẳng sót bản nào anh chưa từng qua. Anh cả quyết rằng, thời anh ở đó, suối sông đầy nước hơn bây giờ. Các loại cá suối, nhất là cá niêng dọc các con sông không thiếu.

Và tất nhiên, lạnh hơn bây giờ. Anh bảo, có lẽ rừng không còn đủ giữ hơi lạnh trên các sườn núi. Nhưng hồi đó, từ Tam Kỳ lên vùng biên của Tây Giang, mất gần cả ngày đường đi với đá hộc đá tảng, với đường mòn cheo leo.

Còn bây giờ, cơ sở hạ tầng đường ô tô đến thôn, 98% khu sản xuất có đường giao thông bon bon đến nơi. Nên hơi lạnh hình như đã lùi sâu hơn về bên kia dãy Trường Sơn.

Nhớ năm 2020, khi tin sạt lở Đồn biên phòng A Xan, sạt lở Trường THPT Võ Chí Công tới tấp dội xuống đồng bằng; ngơi ngơi mưa, đường vừa thông vài đoạn, chúng tôi bò lên A Xan. Vẫn còn cảm giác run nhớ lại, lúc xe kéo tời đột ngột tắt máy khiến ô tô của chúng tôi bị trôi theo bùn đất đoạn sạt lở nặng.

Một bên vực thẳm, xe trôi tự do. Mùa mưa bão mà sông từ dưới này Đông Giang lên đến tận đầu nguồn, quanh co theo dòng A Vương, vẫn cạn khô, nhiều đoạn trơ đá mồ côi. Ai đó trong đoàn nói, chừ qua bên Kà Lừm (Sê Kông), may ra sông không còn nhiều nước.

2. Người đàn bà tên Blếch hay Chlếch tôi không rõ - vì chị không viết được tên mình, có nhà ở thôn Ra’bhượp. Chị nói mình gần 50 tuổi, có 7 đứa con và đã có mấy đứa cháu ngoại. Không dưng tôi nhớ tục đầu tôi ngày cũ trong các nghiên cứu của ông Tôn Thất Hướng.

Tôi gặp chị ở “Chợ Năm ngàn” ngay trung tâm hành chính A Tiêng. Từ Ra’bhượp chị gùi măng, thơm, rau rừng, vài gùi sắn ra chợ bán. Chị gói theo cơm, nói bán không hết thì trưa ngồi luôn ở chợ giở cơm ra ăn, bán đến chiều tối thì về. Ở chợ chẳng có con cá nào.

Tôi hỏi chị chuyện bắt cá dưới suối. “Không. Không có mô. Cá chừ khó bắt lắm. Cá đi hết rồi. Sông suối nước mô hết rồi. Chừ nhà mô có ao nuôi thì có cá, không thì phải mua cá từ dưới đồng bằng lên ớ”. Chữ “ớ” cuối câu rơi tõm đâu đó trong tiếng xe máy vù qua chợ.

Hai mươi năm trước, vùng này nhiều nơi, điện là xa xỉ. Vài điểm thủy luân, tù mù như đèn dầu. Hồi đó, cũng bắt đầu rục rịch những chuyện liên quan đến tái định cư cho người dân liên quan đến xây dựng công trình Thủy điện A Vương.

Bây giờ trở lại Lăng, nơi trước đây là trung tâm hành chính tạm thời của huyện những năm đầu chia tách, nghe các anh lãnh đạo huyện nói rằng, hơn 96% các thôn của Tây Giang đã có điện lưới quốc gia.

Chẳng ai thống kê thử, bao nhiêu thứ thuộc về tiện ích của thế giới văn minh đã ập đến với người vùng cao, từ điện/nhờ điện. Cái được và cái mất, trong trường hợp này, đâu thể dùng phép tính để cân đo.

Tôi lang thang vào suối Tr’lêê vì được giới thiệu nơi này giờ thành điểm du lịch. Đoạn suối ngắn như một ao nước đọng chỗ ngăn dòng để phục vụ du lịch. Một kiểu làm lạ lùng. Phía dưới, dòng nước èo uột, yếu ớt chảy. Cũng gọi là suối, mà như kiểu décor quán theo lối hòn non bộ ở thành phố.

Hồi 2020, tôi đã nghe chuyện nắn dòng A Vương. Sông A Vương với chỗ đoạn nắn dòng, thì phía trên kia, từ ngọn Arung chảy về sẽ càng gấp khúc gập ghềnh bao trở ngại. A Vương kiệt nước. Tây Giang còn nhiều rừng, giữ được rừng nhưng sông suối thì chẳng giữ được.

3. Khi tôi lẩn quẩn trong đầu câu cảm thán “vì những con sông đã cạn nguồn rồi”, thì thấy Nguyễn Nam – một đồng nghiệp đăng trên trang cá nhân những hình ảnh quay ở thượng nguồn dòng Nậm Mộ. Sông cũng trơ đáy, vài dòng nước ít ỏi như tù đọng quanh đá và đá.

Phía Tây Nghệ An cũng chẳng khác gì phía Tây Quảng Nam. Anh bảo “khô cong hết trơn”. Tôi nói, thủy điện Bản Vẽ tích nước hết cả rồi đúng không?. Nguyễn Nam giờ công tác ở Đài Phát thanh và truyền hình Nghệ An.

Mười mấy năm trước, khi anh còn ở Đài QRT, những lúc chúng tôi tác nghiệp ở các huyện miền núi, thường than nhau, sểnh ra là gặp suối. Vì qua suối sợ nhất là rớt máy ảnh. Hồi đó, đâu có nghĩ đó là may mắn. Giờ sông suối cạn rồi, cá nhái ở đâu?

Chỗ chặn dòng cho du lịch. Chỗ chặn dòng cho thủy điện. Chỗ nắn dòng cho phát triển hạ tầng. Chỗ nào cho sông thở?

Mà điện, thì chuyện thời sự nhất từ đầu tháng 6 đến nay ở các tỉnh phía bắc, từ người dân bị cúp điện, tới mạng xã hội, tới báo chí chính thống, tới nghị trường Quốc hội, là chuyện Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN đòi tăng giá điện, báo lỗ trong khi các công ty con lời hàng nghìn tỷ đồng bỏ ngân hàng.

Còn điện, với Quảng Nam nói riêng và cụ thể Tây Giang, thì là mùa mưa lũ. Hệ thống các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, lặp đi lặp lại vẫn là quy trình vận hành liên hồ chứa.

“Lợi” được nhắc đến nhiều là điều tiết lũ, giảm ngập lụt cho hạ du. “Hại” thì mùa nào thiệt hại kêu mùa đó, rồi chìm lấp trong cuồn cuộn bao nhiêu thứ khác của đời sống. Bởi, như một nhà báo nói: “Không ai dám thành thật để nói với dân chúng rằng, không thể phát triển bằng mọi giá nhưng không có phát triển nào không phải trả giá” .

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Vì những con sông đã cạn nguồn rồi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO