Tạo sự thống nhất, tránh chồng chéo trong triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (gọi tắt là cuộc vận động), năm 2017 Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên đã ký kết chương trình phối hợp với nội dung cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng, nhờ đó đem lại hiệu quả thiết thực. Điều này tiếp tục được phát huy trong công tác phối hợp năm 2018.
Đại biểu thảo luận, góp ý triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trước khi ký kết chương trình phối hợp. Ảnh: VINH ANH |
Phân công rõ trách nhiệm
Chương trình phối hợp giữa Mặt trận tỉnh và các tổ chức thành viên về triển khai cuộc vận động được ký kết từ đầu năm 2017. Mục đích chính của chương trình nhằm thống nhất phân công trách nhiệm mỗi tổ chức thành viên trực tiếp đảm nhận từng nội dung cụ thể của cuộc vận động. Như vậy có thể gắn thực hiện cuộc vận động với các phong trào và hoạt động do tổ chức thành viên chủ trì thực hiện ở địa bàn khu dân cư. Bởi trên thực tế, việc triển khai cuộc vận động này (trước đây cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” - PV) giữa các tổ chức thành viên từng có sự chồng chéo cả về cách triển khai lẫn kết quả. Chính vì vậy, từ năm 2017, việc thực hiện chương trình phối hợp này sẽ là cơ sở để đánh giá kết quả nội dung, nhiệm vụ và đóng góp cụ thể của mỗi tổ chức thành viên trong tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Nội dung chương trình phối hợp hướng đến triển khai đồng bộ cuộc vận động đến các xã, phường, thị trấn và khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Mặt trận cấp huyện, xã phối hợp với các tổ chức thành viên và chính quyền cùng cấp xây dựng kế hoạch thực hiện cuộc vận động. Mỗi xã, phường, thị trấn chọn và thực hiện đạt kết quả ít nhất một nội dung và xây dựng một khu dân cư nổi bật về thực hiện cuộc vận động. Về công tác giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt phương châm “không để hộ nghèo, hộ chính sách khó khăn nào mà không có tổ chức hỗ trợ”, đặc biệt là không để hộ nào rơi vào hoàn cảnh cùng cực. Bên cạnh đó, triển khai chương trình phối hợp, mỗi tổ chức thành viên của Mặt trận ở cơ sở còn đăng ký xây dựng ít nhất một mô hình về thực hiện nội dung của cuộc vận động như: vận động đoàn viên, hội viên nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn; liên kết sản xuất, kinh doanh; xây dựng các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, hợp tác xã kiểu mới; bảo vệ môi trường, an ninh trật tự…
Theo nội dung của chương trình phối hợp năm 2017, cả 9 tổ chức thành viên của Mặt trận đều được phân công trách nhiệm cụ thể khi triển khai. Đơn cử như, Hội LHPN tỉnh tập trung thực hiện nội dung xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…; Hội Nông dân tỉnh thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh, đoàn kết giúp nhau làm giàu; Đoàn thanh niên tỉnh tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự; Liên minh Hợp tác xã tỉnh chủ trì, phối hợp xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới…
Thiết thực, không hình thức
Để cụ thể hóa chương trình phối hợp, năm 2017, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chọn xã Duy Thành (Duy Xuyên) và phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) làm điểm để chỉ đạo triển khai thực hiện cuộc vận động. Theo đó, mỗi tổ chức thành viên cấp tỉnh hướng dẫn các tổ chức thuộc hệ thống mình tại huyện Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn phối hợp khảo sát, thống kê danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là đoàn viên, hội viên của tổ chức mình. Trên cơ sở danh sách đã khảo sát, mỗi tổ chức thành viên vận động và chọn ít nhất 2 hộ nghèo là hội viên, đoàn viên của tổ chức mình để xây dựng kế hoạch giúp đỡ thoát nghèo. Trường hợp hộ được chọn hỗ trợ thoát nghèo có đông thành viên là hội viên của nhiều tổ chức thì mỗi tổ chức đảm nhiệm một nội dung hỗ trợ (xây dựng nhà, hỗ trợ vốn, đào tạo nghề…) để hộ đó có điều kiện thoát nghèo theo tiêu chuẩn tiếp cận đa chiều. Với sự phân công trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể, năm 2017 các tổ chức thành viên đã vào cuộc cùng với Mặt trận thực hiện những phần việc được phân công, tập trung đầu tư nguồn lực, hướng dẫn các xã điểm trong việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Bà Nguyễn Thị Liên - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, năm 2017 hội đã hỗ trợ hướng dẫn các xã làm điểm giúp đỡ 4 hộ hội viên thoát nghèo. Năm 2018, hội xây dựng kế hoạch tập trung nguồn lực, hướng dẫn cấp hội cơ sở tổ chức các hoạt động hỗ trợ hộ phụ nữ nghèo vay vốn tín dụng, cách thức sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp… nhằm nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững cho hội viên.
Phát huy kết quả đạt được của năm 2017, góp ý cho hoạt động phối hợp năm 2018, ông Phan Khắc Chưởng - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng các tổ chức thành viên cần rà soát lại những nhiệm vụ đã đăng ký phối hợp, điểm nào chưa hợp lý thì bổ sung cho sát và cụ thể hơn. Theo ông Chưởng, muốn chương trình phối hợp được thực hiện hiệu quả, cần làm rõ hơn nhiệm vụ của mỗi tổ chức thành viên. Ví dụ, trong vấn đề hỗ trợ giảm nghèo, các tổ chức thành viên cần khảo sát nguyên nhân vì sao hộ đoàn viên, hội viên của mình nghèo, cũng như nhìn nhận khả năng các tổ chức có thể giúp được gì để họ thoát nghèo, trên cơ sở đó triển khai sẽ thực tế hơn là cứ hô hào chung chung. Tương tự, bà Lê Thị Như Thủy - Trưởng ban Phong trào Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, các tổ chức thành viên cần nghiên cứu kỹ nội dung chương trình phối hợp được ký kết trước khi triển khai thực hiện. Bởi nếu không nghiên cứu kỹ sẽ dẫn tới hình thức, “người ký một đàng, người thực hiện một nẻo”.
VINH ANH