Vi phạm hành lang an toàn lưới điện: Chưa xử lý dứt điểm

ĐẶNG HÙNG - HOÀNG PHƯƠNG 23/05/2018 10:16

Gần đây, sự cố cây cối ngã đổ vào đường dây điện có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại đáng kể cho ngành điện và khách hàng. Đáng lo hơn là tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) chưa được xử lý dứt điểm.

Nhân viên điện lực Quảng Nam xử lý sự cố do vi phạm an toàn lưới điện. Ảnh: H.PHƯƠNG
Nhân viên điện lực Quảng Nam xử lý sự cố do vi phạm an toàn lưới điện. Ảnh: H.PHƯƠNG

Vi phạm hành lang tuyến

Theo số liệu thống kê của Phòng An toàn Công ty Điện lực Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có gần 1.200km đường dây điện không đảm bảo an toàn kỹ thuật vận hành lưới điện do người dân trồng cây cối có chiều cao nằm trong khu vực HLATLĐ.

Đáng chú ý, số vụ vi phạm HLATLĐ ở các ở huyện miền núi như Hiệp Đức, Phước Sơn, Đông Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My… có xu hướng tăng và ngày càng phức tạp.

Ở nhiều địa phương, người dân cố tình trồng các loại cây có chiều cao như bạch đàn, keo lá tràm… ngay dưới đường dây điện. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến vi phạm HLATLĐ. Trước hết là do người dân chưa hiểu rõ quy định của Nhà nước về việc bảo vệ HLATLĐ cao áp; còn chủ quan, vì lợi ích kinh tế gia đình, không lường trước những nguy hiểm, tai nạn nghiêm trọng có thể xảy ra do xây dựng nhà, trồng cây cối ngay dưới HLATLĐ.

Gần đây, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra là hồi chuông cảnh báo cho những tổ chức, cá nhân cố tình lấn chiếm HLATLĐ.

Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh xảy ra 70 sự cố về điện do cây cối va quẹt, ngã đổ… ảnh hưởng trực tiếp vận hành lưới điện. Trong đó có đến 32 sự cố do người dân khai thác keo lá tràm, đốn hạ cây gần khu vực hành lang tuyến ngã đổ vào đường dây.

Đơn cử, ngày 28.2.2018, ông Hồ Văn Huynh (trú thôn 1, xã Phước Chánh, Phước Sơn) khai thác keo lá tràm để cây ngã vào khoảng trụ 45 - 46 đường dây 472T64 gây mất điện hàng giờ liền ở 4 xã của huyện Phước Sơn.

Ngày 20.3.2018, ông Nguyễn Văn Phương (trú thôn Khánh An, xã Tam Dân, Phú Ninh) là chủ vườn keo lá tràm đã thuê người khai thác để cây ngã vào khoảng trụ 59 - 60 đường dây 373E15 làm mất điện cả 3 huyện Tiên Phước, Bắc Trà My và Nam Trà My.

Mới đây, ngày 10.5.2018, gió lốc đã làm ngã đổ cây bạch đàn có đường kính 40cm của ông Tô Đình Trị (trú thôn 1, xã Bình Lãnh, Thăng Bình) vào đường dây 374E152 gây mất điện cả huyện Hiệp Đức và Phước Sơn…

Cần sự phối hợp xử lý

Ông Trần Ngọc Anh - Trưởng phòng An toàn Công ty Điện lực Quảng Nam cho biết, HLATLĐ cao áp bao gồm đường dây trên không, đường dây cáp ngầm và hành lang bảo vệ an toàn trạm điện. Khi HLATLĐ cao áp bị xâm hại, khả năng xảy ra sự cố mất điện, ảnh hưởng đến quy trình cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các sinh hoạt thường ngày của khách hàng là rất cao. Vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ HLATLĐ cao áp đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, cung ứng nguồn điện liên tục cho khách hàng sử dụng điện được Công ty Điện lực Quảng Nam luôn đặt lên hàng đầu với nhiều giải pháp thiết thực. Tuy nhiên, việc xử lý dứt điểm các vụ vi phạm luôn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn người dân vẫn biết là vi phạm nhưng vì kinh tế nên họ không hợp tác khi ngành điện vận động chặt bỏ những cây trồng nằm trong khu vực an toàn lưới điện. Cứ mỗi khi phát quang hành lang tuyến, tìm chủ cây đã khó, vận động họ chặt bỏ càng khó hơn, khiến ngành điện tốn rất nhiều thời gian và công sức trong việc bảo vệ an toàn đường dây. “Theo quy định của Luật Điện lực và Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26.2.2014 của Chính phủ thì khi phát hiện vi phạm, chúng tôi chỉ được phép lập biên bản rồi bàn giao cho chính quyền địa phương xử lý theo quy định. Có nhiều trường hợp vi phạm chúng tôi đã lập biên bản cả chục lần nhưng đến nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm” - ông Anh cho biết thêm.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam nói, để giải quyết triệt để về tình trạng vi phạm HLATLĐ, thời gian đến, bên cạnh nỗ lực của ngành điện, rất cần sự chung tay ủng hộ từ phía khách hàng, đặc biệt là sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc quản lý chặt chẽ đất đai và trật tự xây dựng, khai thác cây cối dọc hành lang lưới điện. “Nếu không có sự phối hợp của địa phương, chúng tôi rất khó giải quyết dứt điểm các vi phạm, ngành điện chỉ có thể phối hợp giải quyết chứ không thể tự lên phương án giải quyết. Mọi việc đều phải chờ các ngành chức năng và chính quyền địa phương vào cuộc. Trong khi đó, dù chỉ là sự cố nhỏ xảy ra trên HLATLĐ, nguy cơ mất điện trên diện rộng là khá cao” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Không phải không có lời giải

Nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng vi phạm HLATLĐ đang là bài toán khó nhưng không phải không có lời giải. Trước mắt, hội đồng xử lý vi phạm HLATLĐ của các địa phương cần tập trung rà soát, phân loại các điểm vi phạm, chỉ đạo giải quyết triệt để, mang tính răn đe, không để lặp lại. Đẩy mạnh tuyên truyền, thực thi Luật Điện lực và các văn bản liên quan nhằm nâng cao ý thức chấp hành bảo vệ HLATLĐ, phòng tránh các nguy cơ có thể xảy ra tai nạn về điện... thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc họp ở địa phương, chương trình giáo dục trong nhà trường. Về phía ngành điện, ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam cho biết, thời gian tới công ty sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện tốt quy chế phối hợp trong quản lý vận hành lưới điện trên địa bàn tỉnh, xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm, trồng cây gần hành lang tuyến có khả năng ngã đổ vào đường dây gây sự cố lưới điện. Kiên quyết không để phát sinh các điểm vi phạm mới, tập trung giải quyết dứt điểm các “điểm đen” ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn vận hành lưới điện đang tồn tại ở địa bàn, đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của người dân và sự vận hành ổn định liên tục của hệ thống lưới điện.

ĐẶNG HÙNG - HOÀNG PHƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vi phạm hành lang an toàn lưới điện: Chưa xử lý dứt điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO