Theo Quy hoạch mạng lưới điện truyền tải và phân phối trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011- 2015, có tính đến 2020, đến năm 2015 công suất cực đại là 242 MW; năm 2020, là 388MW, điện thương phẩm 2.139 triệu kWh, tăng 2,5 lần so với năm 2012, với mức tăng bình quân 10,6%/năm. Đây là mục tiêu tăng trưởng rất lớn, vì vậy, ngoài việc nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối hiện có, còn phải xây dựng mới hàng trăm kilômét lưới điện các cấp điện áp đạt chuẩn theo quy định của ngành điện. Hiện tại, chỉ riêng phần lưới điện do Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) quản lý vận hành đã có 14 trạm biến áp (TBA) và 612km đường dây 35kV; 2.551km đường dây 15/22kV với 2.600 TBA phụ tải; 2.800km đường dây 0,4kV. Đến năm 2020, theo quy hoạch, con số này sẽ tăng gấp đôi, vì thế diện tích đất chiếm dụng của lưới điện không nhỏ.
Công nhân Điện lực Đông Giang kiểm tra hành lang an toàn lưới điện.Ảnh: N.TRIỀU |
Trên thực tế, phần lớn lưới điện thuộc các dự án lớn đều có quyết định cấp đất và bồi thường hoa màu, nhà cửa đầy đủ. Còn đối với lưới điện trung, hạ áp do các hợp tác xã xây dựng, có góp vốn của người dân, việc cấp đất gần như chỉ thỏa thuận miệng, nhiều hộ không có quyết định thu hồi đất, không đòi bồi thường. Do người dân tự nguyện hiến đất, giao đất nên trước đây khi chưa thực hiện chủ trương bàn giao lưới điện cho ngành điện quản lý, việc kiện tụng đòi đất, hoặc đòi di dời công trình hiếm khi xảy ra. Hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) cũng được người dân hỗ trợ phát quang nên rất ít bị xâm hại.
Tuy nhiên, kể từ khi triển khai thực hiện chủ trương giao cho ngành điện tiếp nhận quản lý vận hành lưới điện trung áp nông thôn và nhất là triển khai đại trà giao nhận lưới điện hạ áp để bán điện trực tiếp đến hộ dân, công tác quản lý HLATLĐ trở nên phức tạp hơn. Nhiều người trước đây hiến đất, giao đất không vụ lợi, nay ra yêu sách với ngành điện. Để đẩy nhanh tiến độ giao nhận và hạn chế những tranh chấp, vướng mắc về đất đai, PC Quảng Nam yêu cầu các công trình phải có đầy đủ hồ sơ, lý lịch tài sản, tài liệu chứng minh bồi thường đất đai.
Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định Quy hoạch mạng lưới điện truyền tải và phân phối trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2015, có tính đến 2020. Theo đó, lưới điện quy hoạch phải đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP giai đoạn 2011 - 2015 là 12,45% và giai đoạn 2016 - 2020 là 11,77%. |
Sau khi hoàn thành chủ trương giao - nhận lưới điện trung, hạ áp nông thôn, PC Quảng Nam đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố xây dựng quy chế phối hợp hành động chia sẻ trách nhiệm trong các hoạt động điện lực ở địa phương. Đi kèm với đó là quy chế phối hợp trách nhiệm giải quyết HLATLĐ nông thôn. Nhờ vậy, hàng chục vụ xâm phạm HLATLĐ đều được chính quyền và người dân hậu thuẫn để các đơn vị điện lực giải quyết tốt. Riêng về đơn khiếu kiện, chỉ tính năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, có 17 trường hợp. Trong đó, PC Quảng Nam tập trung giải quyết gần hết, chỉ còn 3 trường hợp khiếu kiện dai dẳng. Tuy nhiên, với sự kiên trì thuyết phục, giải thích, vận động của chính quyền địa phương và PC Quảng Nam, đến nay đã giải quyết xong 1 vụ, còn 1 vụ tòa án xử sơ thẩm, bác đơn yêu cầu và 1 vụ đang được tòa án thụ lý, tổ chức hòa giải lần thứ nhất không thành.
Riêng với các công trình lưới điện do hợp tác xã xây dựng, đã thỏa thuận cấp đất và bồi thường từ trước, nhưng đến nay khi chuyển qua ngành điện quản lý thì một số hộ dân lại đâm đơn kiện. Đối với các trường hợp này, việc giải quyết phải dựa trên cơ sở pháp lý, không để thiệt thòi cho những hộ dân khiếu kiện chính đáng. Đối với những yêu cầu, đòi hỏi quyền lợi quá đáng của một số đối tượng, cần có sự chỉ đạo xử lý kiên quyết của chính quyền địa phương nhằm tránh tiền lệ xấu và tâm lý lây lan, khiếu kiện nhiều làm ảnh hưởng đến an ninh - trật tự xã hội và gây gián đoạn cung cấp điện.
NHỊ TRIỀU