Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận số người nhiễm và tử vong trên toàn thế giới do virút corona mới - một chủng vi rút tương tự như vi rút gây Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) - tiếp tục tăng lên.
Người dân Ả-rập Xê-út tích cực phòng chống vi-rút chết người corona. |
Bộ Y tế Ả-rập Xê-út ngày 17.6 đã xác nhận thêm 4 ca tử vong do vi rút corona gây ra, nâng tổng số ca tử vong tại vương quốc này lên gần 30 người. WHO cũng vừa công bố bảng hướng dẫn tạm thời và cảnh báo về khả năng lây lan thành một đại dịch trên toàn cầu của vi rút corona. Đồng thời, khẳng định bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút corona hay vi rút corona Trung Đông (MERS), xuất hiện lần đầu tiên vào hồi cuối năm ngoái, đang là mối quan tâm hàng đầu của tổ chức này. Theo đó, người dân ở Trung Đông và những người đi du lịch trong khu vực này cần thận trọng hơn bởi các ca tử vong đã được xác định tại Anh, Pháp, Đức và Italy… đều bắt nguồn từ những người đi du lịch từ khu vực trên. Bởi vậy, WHO khuyến nghị các dịch vụ y tế trên toàn thế giới phải được đặt trong “giai đoạn cảnh báo”, các nhân viên y tế phải nhận thức được mức độ nguy hiểm của vi rút corona. Bởi chúng có đặc tính lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong cao, có khả năng dẫn đến một đại dịch như cúm gia cầm do vi rút cúm A/H5N1.
Vi rút corona được xác định có “họ hàng” gần với virút gây bệnh SARS, cả hai đều gây ra các triệu chứng viêm phổi, sốt cao, ho và khó thở, cũng có mức độ nguy hiểm đáng báo động như hai chủng vi rút cúm gia cầm mới là H5N1 và H7N9 (xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc tháng 3 năm nay khiến nhiều người tử vong). Ở giai đoạn đầu, nếu không cảnh giác với các biểu hiện của bệnh, ta có thể nhầm nhiễm corona với một số bệnh về đường hô hấp khác như viêm phổi. Nhưng corona có thể nhanh chóng tác động đến thận và gây tỷ lệ tử vong rất cao, chiếm gần 60% ca nhiễm bệnh khiến các chuyên gia y tế đặc biệt lo ngại. Bên cạnh đó, các kết quả điều tra mới nhất cho thấy dù không dễ dàng nhưng virút này vẫn có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc gần và thường xuyên. Thực tế đã ghi nhận trường hợp ca bệnh là thành viên trong gia đình bệnh nhân hoặc nhân viên y tế chăm sóc họ.
Điều đáng quan ngại hơn là cho đến nay, ngành y tế thế giới chưa tìm ra thuốc điều trị đặc hiệu đối với chủng vi rút corona. Phác đồ điều trị áp dụng cho những trường hợp nhiễm vi rút corona cũng tương tự bệnh SARS, chủ yếu là hạ sốt, điều trị suy hô hấp, suy thận. Do đó, theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nước ta đã tăng cường hệ thống giám sát dịch tễ, đồng thời yêu cầu lực lượng y tế tại các sân bay và cửa khẩu kiểm soát chặt chẽ hành khách đến từ vùng có dịch. Hiện nay, phần lớn bệnh nhân có các biểu hiện viêm đường hô hấp nặng đều được chuyển đến cơ sở y tế. Việt Nam hiện có khả năng xét nghiệm, chẩn đoán xác định vi rút corona và có kinh nghiệm điều trị bệnh nhân qua công tác phòng chống dịch SARS năm 2003 được ngành y tế thế giới đánh giá đã mang lại những kết quả thành công.
NAM VIỆT (tổng hợp)