Chính quyền tỉnh yêu cầu các địa phương nhanh chóng đấu giá 41 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã được phê duyệt để giải tỏa áp lực khan hiếm trên thị trường. Tuy nhiên, các địa phương vẫn trì hoãn.
Nhiều giấy phép khai thác sẽ hết hiệu lực
Mỏ đất núi Dàng (thôn Phước Chánh và thôn Phước Phú Đông, xã Phú Thọ, Quế Sơn) của Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Thanh Hà Việt Nam cấp phép ngày 29/9/2025 (gia hạn ngày 27/9/2022) với trữ lượng 38.355m3, công suất khai thác 262.500m3/năm đã hết hiệu lực ngày 31/3/2023 (theo giấy phép). Khu vực này và nhiều mỏ vật liệu khác sẽ phải dừng khai thác vì giấy phép hết hiệu lực trong một vài năm tới.
Theo Sở TN-MT, có 639 điểm mỏ cát, đá, cát san lấp đã được quy hoạch thăm dò, khai thác trên toàn tỉnh (279 điểm cát, 112 điểm đá và 248 điểm đất san lấp). Tuy nhiên, tính đến tháng 3/2023, chỉ còn 46 giấy phép khai thác còn hiệu lực; bao gồm 13 giấy phép khai thác cát, sỏi với tổng trữ lượng khai thác còn lại 769.856m3, 25 giấy phép khai thác đá, trữ lượng còn lại hơn 15,3 triệu mét khối và 8 giấy phép khai thác đất san lấp, trữ lượng khai thác còn lại hơn 1,57 triệu mét khối và gần 510.000m3 đất san lấp là khoáng sản đi kèm tại các mỏ đá, đất sét.
Hiện tại, có 2 mỏ đá ở Đại Lộc (Hòa Thạch và Đông Lâm tại xã Đại Quang) phải ngừng khai thác do vướng đường dây điện 500kV Quảng Trạch – Dốc Sỏi và 1 mỏ đá chưa hoạt động vì chưa hoàn thành thủ tục đất đai.
Mỏ đá thôn Tĩnh Yên (Duy Thu) và thôn Bàn Sơn (Duy Phú) tại Duy Xuyên của Công ty Thăng Hoa tạm ngừng hoạt động để sửa chữa các máy móc, thiết bị hư hỏng. Mỏ đất tại khu vực Nổng Tranh (Quế Mỹ, Quế Sơn) của Công ty Quảng Phú tạm ngừng khai thác theo yêu cầu của chính quyền xã để rà soát, xem xét lại cos thiết kế khai thác.
Thống kê khác cho thấy còn 24 điểm mỏ, trữ lượng đã được phê duyệt hoặc còn lại dự kiến đưa vào khai thác theo thiết kế đạt hơn 1 triệu mét khối cát, sỏi (11 điểm), gần 17 triệu mét khối đá (11 điểm) và hơn 779,2 nghìn mét khối đất san lấp (2 điểm). Tuy nhiên, các điểm mỏ này chỉ dừng lại ở việc đang thực hiện các hồ sơ, thủ tục để xin cấp, gia hạn giấy phép, chưa biết có được chuẩn y hay không.
Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh nói tỷ lệ mỏ đưa vào quy hoạch nhiều, nhưng danh mục đưa vào khai thác ít. Từ thống kê trữ lượng còn lại của các mỏ khoáng sản của giấy phép còn hiệu lực cho thấy trừ các mỏ đá dư thừa sản lượng, công suất khai thác có thời hạn nhiều năm nữa mới hết hiệu lực, thì nhiều mỏ cát, sỏi, đất san lấp chỉ còn thời hạn khai thác 1 hay 2 năm nữa là kết thúc.
Cụ thể, mỏ cát, sỏi của Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Bắc Nam Trà ở thôn 1 (xã Trà Mai, Nam Trà My) đã kết thúc ngày 11/3/2023; mỏ thôn 5 (xã Ba, Đông Giang) của Công ty TNHH Xây dựng – dịch vụ vận tải và thương mại Chiến Khánh sẽ hết hạn vào ngày 7/4/2023; mỏ Tân Hiệp (xã Trà Sơn, Bắc Trà My) của Công ty TNHH MTV Sản xuất, xây dựng Thịnh Đạt đến ngày 12/7/2023 sẽ hết hiệu lực.
Hai mỏ cát lớn ở thôn Phú Lạc (Duy Hòa, Duy Xuyên) của Công ty CP Tư vấn xây dựng Tân Phước Yên và Công ty CP Trường Lợi (Ngọc Kinh Đông, Đại Hồng, Đại Lộc) sẽ hết thời hạn khai thác, lần lượt là ngày 29/4/2024 và 19/7/2024.
Nhiều mỏ đất san lấp cũng trong tình trạng sẽ không còn được quyền khai thác khi hầu như 8 mỏ đều sẽ hết hiệu lực năm 2023 và 2024.
Trì hoãn đấu giá
Tình trạng khan hiếm, đội giá của vật liệu xây dựng xảy ra mấy tháng nay. Chính quyền Quảng Nam yêu cầu các địa phương có mỏ trong danh mục được phê duyệt khẩn trương đưa vào đấu giá, cấp quyền khai thác để giải tỏa áp lực cho thị trường.
Theo thống kê của Sở TN-MT, hiện nay, chỉ có 2 huyện Phước Sơn và Nam Giang đã đấu giá xong (2 khu vực cát sỏi, 2 điểm đất san lấp ở Phước Sơn và 1 điểm cát, 4 điểm đất sét ở Nam Giang).
Ông Trần Thanh Hà – Giám đốc Sở TN-MT nói số lượng giấy phép khai thác còn ít. Nhưng các địa phương lại chậm tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, không hiểu vì lý do gì?
Chính quyền tỉnh yêu cầu các ban quản lý đầu tư, sở, ngành hợp tác cung cấp cho các địa phương biết nhu cầu vật liệu để địa phương có thể chủ động cân đối, chọn đấu giá các mỏ để kiểm soát nguồn cung.
Chưa biết nhu cầu của thị trường bao nhiêu, nhưng với số lượng dự án đầu tư công và đầu tư trong dân ngày càng tăng nhanh thì nguồn vật liệu này đứng trước nguy cơ thiếu hụt là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, các địa phương viện đủ lý do về việc chưa thể tiến hành đấu giá các mỏ này.
UBND huyện Thăng Bình, Núi Thành cho rằng các điểm mỏ đất san lấp nằm ở các vị trí sâu, xa, hạ tầng giao thông yếu, vận chuyển khó, gây hư hỏng đường sá, dân cản trở nên không mấy doanh nghiệp mặn mà tham gia đấu giá.
Còn ông Trần Quốc Danh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết địa phương đã dừng hết các mỏ đất san lấp kể từ năm 2017. Hiện 8 mỏ (7 đất san lấp và 1 mỏ đất) đã hoàn thành các bước và giá khởi điểm. Sẽ đưa vào đấu giá vào tháng 4 và 7, mỗi đợt 2 hay 3 mỏ. Không thể đấu giá hết được vì phải lấy ý kiến nhân dân và lo ngại việc vận chuyển sẽ gây hư hỏng đường giao thông, tốn nhiều kinh phí sửa chữa.
Trong khi đó, theo ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, có 8 doanh nghiệp đã mua hồ sơ đấu giá mỏ đất (5ha, trữ lượng 500.000m3). Chính quyền đang xem xét, gửi văn bản cho các địa phương xác minh. Khi đủ điều kiện sẽ cho tổ chức đấu giá.
UBND thị xã Điện Bàn cho biết đang hoàn thiện các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ đưa ra đấu giá mỏ cát ở khu vực ĐT2 Điện Thọ vào tháng 4 năm nay. Các địa phương khác đều cam kết sẽ tiến hành đấu giá, nhưng không công bố ngày tháng cụ thể với nhiều lý do là chờ lấy ý kiến nhân dân hoặc khó khăn trong việc lập hồ sơ, thủ tục.
Trình tự, thủ tục về thăm dò, đánh giá trữ lượng, thủ tục về đầu tư, đất đai, môi trường, các vấn đề liên quan đến rừng sản xuất (hầu hết các mỏ đất san lấp đều vướng) và việc cấp giấy khai thác khoáng sản hiện vẫn rườm rà, tốn nhiều thời gian. Theo ông Trần Thanh Hà – Giám đốc Sở TN-MT, các mỏ khoáng sản đem ra đấu giá nếu thành công, ít nhất cũng phải mất đến 18 tháng mới có thể có được giấy phép khai thác.