Vì sao chính sách đối với trường chuyên chưa được thông qua?

XUÂN PHÚ 27/07/2016 08:40

Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa IX vừa qua đã không thông qua nghị quyết quy định một số chính sách đối với học sinh (HS) và giáo viên (GV) trường THPT chuyên trên địa bàn tỉnh. Vì sao có chuyện như vậy?

Đón học sinh vào lớp 10 ở Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: X.PHÚ
Đón học sinh vào lớp 10 ở Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: X.PHÚ

Đãi ngộ vượt trội

Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm được thành lập vào năm học 2002 - 2003 với mục tiêu là nơi thu hút HS giỏi trên địa bàn tỉnh về học tập để đào tạo, bồi dưỡng trở thành những tài năng sau này phục vụ quê hương. Sau gần 10 năm, đến năm 2011, trước yêu cầu cần có một chính sách hỗ trợ nhằm tạo sức hút hơn nữa đối với HS theo học trường chuyên, HĐND tỉnh khóa VIII đã ban hành Nghị quyết 12 (19.7.2011) về một số chính sách đối với HS và GV Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (lúc bấy giờ chưa thành lập Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông). Theo đó, ngoài chính sách của Nhà nước, các em còn được hỗ trợ chi phí học tập thường xuyên (mỗi tháng được hưởng từ 80 đến 120% mức lương tối thiểu), ở ký túc xá miễn phí hoặc được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ khi chưa có ký túc xá. Trong khi đó, các thầy cô giáo được hưởng một số chính sách như phụ cấp ưu đãi, phụ cấp hàng tháng, được hỗ trợ về đất ở.

Trước đây, khi thành lập trường THPT chuyên chúng ta chỉ suy nghĩ đơn giản là đào tạo nhân tài, HS theo học tại trường được hưởng chính sách của tỉnh. Còn các học em xong, vào đại học và sau này ra trường đi đâu, về đâu không nắm được. Trong khi đó, hàng năm tỉnh bỏ tiền ra thu hút nhân tài về địa phương công tác thì con em trong tỉnh được hỗ trợ kinh phí học tập lại đi làm nơi khác. Bất cập này cần sớm được khắc phục. Nên chăng chúng ta dùng kinh phí để hỗ trợ việc ăn ở cho HS nghèo ở ngoài địa bàn TP.Tam Kỳ và TP.Hội An vào học tại các trường THPT chuyên. Đồng thời xây dựng quỹ để nâng mức hỗ trợ khuyến khích học tập cho các em học giỏi, đạt thành tích cao tại các kỳ HS học sinh giỏi nhằm động viên các em nỗ lực hơn  nữa”.
(Ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa IX).

Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT, có thể nói, Quảng Nam là địa phương có chính sách đãi ngộ vượt trội đối với HS và GV trường THPT chuyên so với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Với chính sách này, nguồn ngân sách tỉnh chi hỗ trợ cho GV và HS 2 trường THPT chuyên bình quân hàng năm lên tới 20 tỷ đồng. Đáng chú ý, từ khi có Nghị quyết 12, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thu hút được nhiều HS giỏi từ khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh về học tập chứ không bó hẹp ở địa bàn Tam Kỳ và một số địa phương lân cận như trước. Nhiều cán bộ, GV có năng lực chuyên môn tốt, kinh nghiệm giảng dạy tại các trường THPT cũng đăng ký thi tuyển về trường và toàn tâm, toàn ý cống hiến cho sự nghiệp đào tạo HS giỏi trường chuyên. Tương tự, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông khi ra đời vào năm học 2012 - 2013 đến nay cũng đã thu hút HS giỏi các địa phương phía bắc của tỉnh vào học.

Chính sách ưu đãi đã thu hút nhiều HS giỏi vào trường chuyên và tạo động lực cho các em nỗ lực học tập, giúp cho chất lượng giáo dục của các trường chuyên ngày càng nâng lên. Ông Quốc thông tin, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm năm vừa qua đứng nhì các trường chuyên khu vực miền Trung - Tây Nguyên về chất lượng và số lượng HS đạt giải tại kỳ thi HS giỏi quốc gia. Đến nay, đã có trên 50 em du học ở các nước tiên tiến trên thế giới. Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông tuy mới thành lập nhưng bước đầu thể hiện được mình tại các kỳ thi HS giỏi quốc gia, Olympic.

Chưa hợp lý

Nhìn nhận về chính sách đối với trường chuyên qua 5 năm triển khai thực hiện, ông Quốc cho rằng đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, song còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Đó là, mức hỗ trợ chi phí học tập đối với HS không thay đổi trong suốt quá trình học tập 3 năm ở trường, mang tính bình quân và không bị ràng buộc bởi kết quả học tập, rèn luyện. Từ đó, chưa tạo động lực động viên cho các em phấn đấu, nỗ lực cạnh tranh vươn lên trong học tập. Một bộ phận HS chưa phát huy khả năng tìm tòi nghiên cứu; đáng chú ý, không ham muốn tham gia vào các đội tuyển làm hạn chế kết quả các kỳ thi HS giỏi tầm quốc gia và quốc tế. Ngoài ra, một số chính sách đối với GV cũng không được thực hiện. Do đó, mục tiêu của việc tham mưu cho tỉnh ban hành nghị quyết mới là làm sao để sử dụng nguồn ngân sách đầu tư cho trường chuyên hợp lý và hiệu quả hơn. Thay vì mức hỗ trợ không thay đổi trong suốt quá trình 3 năm học ở trường như trước đây, từ nay sẽ được điều chỉnh. Cụ thể, 5 tháng đầu năm học lớp 10, tùy mỗi vùng theo quy định học sinh sẽ được hưởng 80 - 120% mức lương cơ sở; từ tháng thứ 6 trở đi sẽ được xem xét hỗ trợ khuyến khích theo kết quả học tập.

Theo ông Nguyễn Dương Triều - Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh, Nghị quyết 12 chỉ áp dụng cho Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm nhưng từ năm 2012 - 2013, UBND tỉnh đã mở rộng đối tượng, phạm vi áp dụng cho Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông là không đúng với nội dung nghị quyết, dù UBND tỉnh đã có Quyết định 3140 (1.10.2012) điều chỉnh một số nội dung của Quyết định 3877 (30.10.2011) cho phép thực hiện đối với Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông. Cạnh đó, một số chính sách của Nghị quyết 12 không thực hiện được do không phù hợp với quy định và tình hình thực tiễn tại địa phương. Vì vậy, ông Triều cho rằng việc UBND tỉnh trình đề án “Quy định một số chính sách đối với HS và GV các trường THPT chuyên trên địa bàn tỉnh” tại Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh là cần thiết và rất ủng hộ HĐND tỉnh ban hành một nghị quyết mới. Dù vậy, đề án phải quy định rõ 4 mức hỗ trợ khuyến khích, tiêu chí xếp loại HS, ấn định thời gian để đánh giá hiệu quả thực hiện.

Cũng tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, đã có nhiều ý kiến khác biệt về chính sách đối với trường chuyên, nhất là với HS. Theo Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Nguyễn Văn Lúa và Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Lê Quang Trung, trúng tuyển vào trường THPT chuyên là được học tập ở môi trường giáo dục chất lượng cao, giúp HS có điều kiện phát huy khả năng của mình. Do đó, chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với HS có thể không còn quan trọng lắm. “Nên chăng tỉnh nghiên cứu tăng mức hỗ trợ khuyến khích học tập cho HS trường THPT chuyên học giỏi, đạt thành tích cao tại các kỳ thi HS giỏi nhằm động viên cho các em nỗ lực học giỏi hơn nữa” - ông Lúa đề nghị. Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, số tiền hỗ trợ hàng tháng cho các em hiện nay không nhiều và cũng chẳng nhiều ý nghĩa với nhiều gia đình; tuy nhiên, không vì thế mà cắt bỏ chính sách này. Ngược lại, một vị phụ huynh ở Tam Kỳ nói: “Số tiền hỗ trợ hơn 900 nghìn đồng/tháng thật ra không nhiều nhưng lại thiết thực với những gia đình nghèo, điều kiện kinh tế còn khó khăn. Tôi cho rằng không thể tăng được thì nên giữ mức này chứ đừng cắt giảm”.

Với nhiều ý kiến khác biệt, HĐND tỉnh đã thống nhất giao cho UBND tỉnh và các ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề án để trình tại kỳ họp sau.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vì sao chính sách đối với trường chuyên chưa được thông qua?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO