Gần đây tại các huyện miền núi xuất hiện tình trạng người dân bán trâu. Việc này có nguyên nhân từ đâu và là tín hiệu tích cực hay tiêu cực?
Nuôi trâu để kéo gỗ lậu
Lâu nay, tại các huyện như Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, lâm tặc chủ yếu dùng sức trâu để kéo gỗ. Vậy nên, nhiều người dân nuôi trâu chỉ để tham gia đường dây vận chuyển gỗ lậu.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Từ Văn Khánh cho biết, ngành kiểm lâm dự kiến sẽ quản lý trâu của từng hộ tại các xã có rừng. Theo đó, các hộ phải đăng ký số trâu, cam kết không vận chuyển gỗ trái phép. Dựa trên số trâu đã đăng ký, nếu chủ trâu vi phạm sẽ bị tịch thu trâu. Với việc quản lý bảo vệ rừng chặt chẽ như hiện nay, người dân miền núi đồng loạt bán trâu chuyên đi kéo gỗ. Đây là tín hiệu tích cực trong công tác bảo vệ rừng.
Tại huyện Nam Giang, các thôn Pà Căng (xã Cà Dy), thôn Vinh (xã Tà Pơ)… người dân nuôi cả vài trăm con trâu đực to khỏe để phục vụ cho việc kéo gỗ lậu. Mỗi phách gỗ trị giá hàng chục triệu đồng, khi được kéo ra khỏi rừng, chủ trâu được trả công 500 nghìn đồng/ngày.
Chính quyền địa phương và cả lực lượng chức năng dường như bất lực trước thực trạng vận chuyển gỗ kiểu này. Ông Trần Công Anh - Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Nam Giang cho biết: “Trước đây việc bắt giữ, xử lý trâu kéo gỗ rất khó khăn do địa hình chia cắt, đi lại phức tạp. Khi lực lượng chức năng phát hiện, người dân thường bỏ lại gỗ, rồi cho trâu đi chỗ khác. Thậm chí còn cho người khác đến nhận trâu thay và đổ lỗi do trâu không có người quản lý”.
Bán trâu tìm sinh kế mới
Gần đây khi tỉnh sắp xếp, tăng cường lực lượng bảo vệ rừng, thường xuyên tuần tra, cắm chốt tại các điểm có trâu kéo gỗ, triệt phá những con đường gỗ lậu các điểm nóng phá rừng, thì người dân Nam Giang và các huyện miền núi bắt đầu tính đến chuyện bán trâu để tìm sinh kế mới bền vững hơn.
Tại thôn Bến Giằng và thôn Bờ Ong thuộc xã Cà Dy (Nam Giang), trước đây có đến hơn một trăm con trâu thì nay chỉ còn 30 con. Như nhiều hộ gia đình khác trong thôn, ông Ka Phú Đơ mới bán con trâu kéo. Tiền bán trâu ông đầu tư phát triển kinh tế vườn đồi. Còn ông A Lăng Lực (thôn Galêê, xã Tà Bhing) nói: “Kiểm lâm không cho vào rừng đốn gỗ nữa, bà con mình ở đây bán trâu. Giờ được cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ cây con giống để phát triển kinh tế, bà con cũng yên tâm cái bụng, không lo thiếu ăn nữa”.
Để người dân không vào rừng kéo gỗ như trước, chính quyền địa phương và Ban Quản lý rừng huyện Nam Giang tổ chức nhiều cuộc vận động tuyên truyền, thuyết phục các chủ trâu, vừa có kế hoạch tạo sinh kế để người dân có thu nhập, không còn dựa vào việc kéo gỗ thuê như lâu nay.
Ông Hồ Viết Căn - Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nam Giang cho biết, lực lượng giữ rừng chuyên trách chủ yếu là con em địa phương, bộ đội xuất ngũ dùng tiếng địa phương để tuyên truyền cho bà con không đưa trâu vào rừng kéo gỗ. Huyện Nam Giang cũng đã cấp cây, con giống để bà con yên tâm sản xuất”.