Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Quảng Nam, đến cuối tháng 7.2015, các ngân hàng thương mại đã tiếp cận 81 chủ tàu được UBND tỉnh phê duyệt, nhưng tiếp nhận có 23 hồ sơ vay vốn của các chủ tàu và chỉ mới ký 11 hợp đồng tín dụng với tổng giá trị cam kết đầu tư là 113 tỷ đồng (giải ngân đạt 38,8 tỷ đồng).
Sự ì ạch của dòng tín dụng này đã gây thắc mắc, hồ nghi hay than phiền của ngư dân. Hiện các ngân hàng thương mại trên cả nước cũng chỉ ký 111 hợp đồng trong số 306 bộ hồ sơ vay vốn của chủ tàu tại 24/26 tỉnh, thành phố ven biển với tổng số tiền hơn 1.045 tỷ đồng và dư nợ chỉ khoảng 281 tỷ đồng. Thất vọng với việc tiếp cận vốn khó khăn, nhiều ngư dân đành phải bỏ hồ sơ. Các bộ, ngành trung ương và chính quyền các địa phương lên tiếng can thiệp, nhưng ngân hàng cũng không thể nới lỏng điều kiện cho vay như mong mỏi của nhiều cơ quan quản lý và người có nhu cầu.
Không khó để lý giải về tình trạng này. Có thể, sự thất bại của chương trình cho vay đánh bắt xa bờ năm 1997 mang nặng tính hành chính bao cấp, theo chính quyền địa phương chỉ định ngân hàng buộc phải giải ngân… đã để lại hệ quả nặng nề đến 60% nợ xấu khiến các ngân hàng dù đăng ký vẫn cứ phân vân thẩm định phương án sản xuất kỹ trước khi quyết định ký kết hợp đồng tín dụng, giải ngân. Hiện tại theo Nghị định 67, các ngân hàng thương mại có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn vốn cho vay. Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần lãi suất, ngư dân có trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích và hoàn trả gốc, lãi đúng hạn cho ngân hàng theo hợp đồng tín dụng. Như vậy, rõ ràng đây là nguồn vốn của các ngân hàng thương mại, chứ không phải của nhà nước, vay phải hoàn trả nợ và gốc đầy đủ. Ngân hàng đưa ra lượng vốn lớn để đầu tư dự án nên thận trọng, cần phải có thời gian để thẩm định các yếu tố cần thiết và thực hiện các bước theo đúng quy trình của ngành trước khi ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân cho khách hàng. Các ngân hàng thương mại cũng đang cân nhắc, bởi khi quyết định cho vay, hợp đồng tín dụng phải được ký kết trên nguyên tắc sản xuất hợp lý, phù hợp với khả năng trả nợ của ngư dân. Nhưng hiện tại, việc xác định khả năng trả nợ của ngư dân rất khó vì doanh thu từ nguồn thu hải sản phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết, sản lượng, tiêu thụ sản phẩm… Trong khi đó, việc vay vốn đóng mới tàu kéo dài nhiều năm; ngân hàng phải phân kỳ hạn trả nợ phù hợp...
Ngoài ra, đa số ngư dân đều yêu cầu vay vốn ở mức tối đa theo nghị định (70% giá trị tàu vỏ gỗ, 90 - 95% tàu vỏ thép). Như vậy, tài sản đảm bảo cho món vay khá thấp, chỉ chiếm 5 - 30% giá trị món vay. Đây cũng là yếu tố mà ngư dân dễ có tâm lý chủ quan trong việc trả nợ ngân hàng. Một số chủ tàu mặc dù đã có tên trong danh sách được phê duyệt, nhưng lịch sử quan hệ vay vốn ngân hàng có hiện tượng chây ì trong việc trả nợ trước đây nên một số ngân hàng cũng rất dè dặt khi ký hợp đồng tín dụng mới…
NHẬT PHONG