“Cách đây 25 năm, tỉnh Quảng Nam khi tái lập ví như một bà mẹ nghèo phải nuôi nấng nhiều đứa con. Ngành phát thanh - truyền hình cũng là một trong những đứa con của bà mẹ nghèo ấy. Dẫu biết mình nhà nghèo nhưng không cam phận, Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam (QRT) quyết tâm tìm những bước đi cho riêng mình để bứt phá đi lên…”.
Đây là cách ví von của nhà báo Lê Hoàng Linh - Giám đốc QRT giai đoạn 1997 - 2010. Ông là người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát thanh - truyền hình của tỉnh, đặc biệt ngay trong những ngày đầu gian khó và tiếp đó là 14 năm với cương vị Giám đốc QRT cho đến tuổi về hưu.
Cũng đã thật lâu, chúng tôi, những người làm báo lớp hậu bối mới được ngồi lại trò chuyện với nhà báo Lê Hoàng Linh một cách cởi mở, chân tình của những người vốn chung một mái nhà QRT và còn thêm tư cách nhân viên với nguyên thủ trưởng.
Biết ý định của chúng tôi, nhà báo Lê Hoàng Linh nói ngay, một người làm báo giỏi không chỉ có tinh nghề mà còn phải có tâm sáng, nhân văn, đôi khi biết cảnh giác với chính mình để không đi lệch hướng.
“Vạn sự khởi đầu nan”, nhắc lại những ngày đầu không phải để kể khó kể khổ mà qua đó để thấy rõ hơn bản lĩnh, trí tuệ và tư chất của người Quảng Nam từ trong chiến tranh đến hòa bình xây dựng, qua thử thách gian khó lại vững vàng tiến bước. Và với người làm công tác phát thanh - truyền hình ở QRT cũng vậy.
- Là một trong những nhà báo gắn bó lâu năm với các hoạt động báo chí xứ Quảng ngay từ những ngày đầu, ông có thể chia sẻ, điều cốt lõi gì đã giúp QRT vượt khó, đi lên vững vàng như hôm nay?
Nhà báo Lê Hoàng Linh: Từ Đà Nẵng vào Quảng Nam, QRT chỉ có 10 cán bộ, phóng viên và 13 nhân viên hợp đồng. Cơ sở vật chất từ trụ sở làm việc đến trang thiết bị kỹ thuật hầu như không có gì.
Camera quay phim chỉ có 4 - 5 cái VHF. Bàn dựng hình có 1 cái rất thô sơ. Phòng ghi hình thời sự rộng khoảng 10m2, làm cách âm bằng bao tải gai, bên ngoài gắn các tấm xốp. Hệ thống ánh sáng là 4 cái bóng đèn tự chế. Máy phát hình 1kW, hiệu Haric của Mỹ, ăng-ten trụ dây néo cao 30m.
Thế mà anh em vẫn quyết tâm làm truyền hình và làm truyền hình cho bằng được. Đó chính là ý chí và nghị lực của một tập thể đang khao khát phải xây dựng bằng được ngành phát thanh - truyền hình Quảng Nam vươn lên theo kịp các đài truyền hình trong khu vực và cả nước. Đó cũng là sự phấn đấu để vượt lên chính mình.
- Câu chuyện phát huy tinh thần đoàn kết và học để làm có ý nghĩa như thế nào ở thời điểm đó, thưa nhà báo Lê Hoàng Linh?
Nhà báo Lê Hoàng Linh: Trong gian khó thì sự đoàn kết rất quan trọng. Không chỉ có sự đoàn kết, nhất trí trong công việc mà còn thương yêu đùm bọc để cùng sống và cùng làm việc. Còn việc học tập, bước đầu tiên phải kể đó là sự tuyển chọn con người, điều động những cán bộ, phóng viên tiêu biểu ở các đài huyện về thành lập bộ khung quản lý đài.
Việc tuyển chọn phóng viên, kỹ sư, kỹ thuật viên, được tổ chức thi tuyển chuyên môn chặt chẽ. Người được tuyển dụng hầu hết được đào tạo chính quy ở các trường đại học trong cả nước, và hầu hết tuổi đời còn rất trẻ.
Những năm đầu, QRT chọn hướng đào tạo theo hai cách, thứ nhất là tập trung đào tạo tại chỗ, bằng cách mời các chuyên gia giỏi của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hãng phim tài liệu Trung ương, các đài khu vực đến hướng dẫn về nghiệp vụ phát thanh - truyền hình.
Cách thứ hai là đài cử một số cán bộ trẻ, có năng lực tiếp tục theo học đại học bằng 2 về chuyên ngành quay phim, đạo diễn điện ảnh - truyền hình của các trường ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Đài tiếp tục cử kỹ sư, kỹ thuật viên vào TP.Hồ Chí Minh học tập phương thức dựng hình bằng vi tính phi tuyến. Tất cả bởi một lẽ đơn giản: Con người là nhân tố quyết định cho sự phát triển.
- Thưa nhà báo Lê Hoàng Linh, ông nhìn nhận như thế nào về bước tiến hiện nay của QRT?
Nhà báo Lê Hoàng Linh: Khi Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách thành hai đơn vị hành chính, tôi được phân công về làm Giám đốc QRT, sau đó anh Nguyễn Chín (nay là Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy) và hiện là anh Mai Văn Tư.
Mỗi người có một cách quản lý, lãnh đạo khác nhau, song tựu trung đó là tinh thần hết mình vì công việc, nhiệt huyết, tận tâm tất cả vì sự nghiệp phát thanh - truyền hình của tỉnh, đặc biệt là việc phát huy tinh thần đoàn kết của cả một tập thể.
Cùng với việc từng bước QRT được trang bị các thiết bị kỹ thuật hiện đại thay thế những thiết bị thô sơ thì nội dung chương trình phát thanh - truyền hình cũng có những bước tiến khá xa.
Những ngày đầu, anh chị em chỉ làm tin, làm phóng sự ngắn thì nay đã sản xuất được những chương trình lớn, nhiều chuyên mục thiết thực thu hút người xem đài, rồi mảng sản xuất các phim tài liệu về danh nhân, đất và người xứ Quảng được bạn bè các đài trong khu vực đánh giá rất cao. Mảng phát thanh cũng đã có bước đột phá từ phát sóng một vài giờ trong ngày nay lên đến 18 giờ mỗi ngày.
Rồi cùng với sự thành công của chương trình tiếng Cơ Tu, đầu năm 2015, QRT ra mắt chương trình truyền hình tiếng Ca Dong. Hệ thống phát thanh truyền hình từ cơ sở 18 huyện, thị, thành phố cũng có bước tiến đáng kể. Mảng thời sự thông tin nhanh chóng, kịp thời, nhiều thông tin, sự kiện sắc sảo, có dấu ấn.
Và một điều không thể không nói đến, đó là những người lính phát thanh - truyền hình Quảng Nam đến đâu cũng được cán bộ, nhân dân địa phương yêu thương, quý mến, bởi sự khiêm nhường và lòng nhiệt huyết. Điều này đáng quý lắm!
- So với trước đây, làm báo bây giờ có thuận lợi khó khăn gì, đâu là những gửi gắm của ông với những người làm báo nói chung và với QRT?
Nhà báo Lê Hoàng Linh: Trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay, người làm báo có nhiều điều kiện để thu thập, nắm bắt thông tin và sử dụng thông tin một cách nhanh nhạy, về mặt tích cực này thì ai cũng thấy.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có rất nhiều mặt tiêu cực; nếu người làm báo không đủ kiến thức, không vững vàng về chính trị, không nhạy bén về thông tin, không làm chủ cảm xúc của mình rất dễ lạc hướng.
Do đó, người làm báo hiện nay trước hết phải có sự hiểu biết, phải có kinh nghiệm, bản lĩnh và sự từng trải. Ở đây tôi muốn nói đến chữ TÂM và chữ TẦM. Người làm báo cũng là người lính trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng, bởi vậy phải luôn xây dựng trong mình động cơ trong sáng, cái nào có lợi cho Đảng, cho dân, cho nước thì làm.
Mặc trái dễ thấy hiện nay, có những sự kiện xảy ra một số nhà báo chỉ đi lượm thông tin, nghe thông tin, không cần xác minh, mục đích chỉ tạo nên hiệu ứng nóng để câu like, câu view, thậm chí để hù dọa kiếm tiền… Với một người làm báo chân chính, như vậy là không nên. Người làm báo bây giờ phải hết sức cảnh giác với tin giả, đồng thời cũng cảnh giác với cả bản thân mình.
Một khó khăn nữa theo tôi, hiện nay các cơ quan báo chí vừa lo kinh tế, tức nguồn thu, nhưng cũng vừa phải hoàn thành sứ mạng chính của mình là làm báo - làm báo chân chính.
Thực tế cho thấy, nhiều cơ quan báo chí khoán doanh thu cho phóng viên, từ đó sao nhãng về chuyên môn nghiệp vụ, phóng viên chuyên tâm nhiều vào tìm kiếm nguồn thu, trong đó có cả bằng các cách thức không đúng mực, không trong sáng, dẫn đến sai phạm trong hoạt động báo chí.
Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, báo chí nước ta nói chung và QRT nói riêng đã và đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và cả những khó khăn, thách thức không nhỏ.
Vì vậy, việc nhận thức đúng về những thuận lợi, cũng như những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý và hoạt động báo chí hiện nay sẽ góp phần giúp báo chí phát triển đúng quy luật, hoàn thành trách nhiệm, sứ mệnh đối với đất nước, nhân dân.
Khó khăn, thách thức phía trước còn nhiều, song với những gì đã đạt được, tôi luôn tin tưởng và hy vọng QRT sẽ tiếp tục bứt phá, vươn lên thu nhiều kết quả hơn nữa, tiếp tục đóng góp xứng đáng, có ý nghĩa vào sự nghiệp xây dựng quê hương đất Quảng, sự nghiệp phát thanh - truyền hình của cả nước.
- Xin trân trọng cảm ơn nhà báo Lê Hoàng Linh!