Dù đã qua tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn bám trường, bám lớp; những người thầy từ đất liền gắn bó với học trò tại Cù Lao Chàm hơn hai mươi năm qua; hay sự nhiệt tâm chỉ dạy, truyền cảm hứng cho học trò với bài học không cần bục giảng... đó là những hình ảnh đẹp trong sự nghiệp trồng người.
Nhà giáo ưu tú Hà Thị Thu Sương nhận hoa từ bà Huỳnh Thị Hường - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh nhiệm kỳ 2017-2022 tại đại hội Hội Cựu giáo chức tỉnh lần thứ III. |
MỘT ĐỜI TẬN HIẾN
Ở tuổi 78, Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Hà Thị Thu Sương mới chính thức “nghỉ hưu” sau đại hội Hội Cựu giáo chức tỉnh nhiệm kỳ 2017 - 2022 vừa qua. Bởi dù không trực tiếp đứng lớp, bà vẫn gắn bó với giáo dục đất Quảng trong suốt gần 20 năm qua với nhiều cách thức khác nhau, tận hiến cả đời cho sự nghiệp trồng người.
“Trường cô Sương”
Gắn bó với giáo dục đất Quảng từ năm 1975 (trước đó dạy ở Hà Nội), NGƯT Hà Thị Thu Sương từng giữ cương vị Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) từ năm 1985 cho đến năm 1992 trước khi chuyển sang làm Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng rồi Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam. Song, có lẽ điều mà người ta biết và nói nhiều đến bà với tư cách là người sáng lập Trường THPT Hà Huy Tập (Tam Kỳ) - ngôi trường dân lập đầu tiên của tỉnh mà sau này nhiều người quen gọi với cái tên trìu mến: “Trường cô Sương”.
Học sinh Trường THPT Hà Huy Tập tặng hoa cho Nhà giáo ưu tú Hà Thị Thu Sương nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: XUÂN PHÚ |
Còn nhớ ở thời điểm những năm 1998 - 1999, trường lớp THPT trên địa bàn Tam Kỳ và các vùng phụ cận không đáp ứng đủ nhu cầu học tập khiến nhiều học sinh tốt nghiệp THCS phải dang dở việc học (thời điểm đó Tam Kỳ chưa có Trường THPT Duy Tân, huyện Phú Ninh chưa có Trường THPT Trần Văn Dư và Nguyễn Dục, huyện Thăng Bình cũng chưa có Trường THPT Hùng Vương). Trong hoàn cảnh đó, việc NGƯT Hà Thị Thu Sương cùng các cộng sự là những nhà giáo nghỉ hưu đang sinh sống tại Quảng Nam và Đà Nẵng cùng nhau vay tiền, góp vốn để xây dựng một ngôi trường dân lập đã thể hiện tâm huyết, tấm lòng với học trò nghèo. Vì vậy, việc ra đời của Trường THPT Hà Huy Tập đã nhận được sự quan tâm và tình cảm khá đặc biệt của người dân trong tỉnh. Bà chia sẻ, khi còn công tác đã có ý tưởng sẽ mở một ngôi trường để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp mà mình lựa chọn và gắn bó. Vì vậy, dù nhà cửa, gia đình, con cháu, tất cả đều ở Đà Nẵng, bà vẫn quyết định chọn ở lại Tam Kỳ để chăm lo xây dựng Trường THPT Hà Huy Tập. “Ban đầu con cái tôi không ủng hộ, bảo mẹ lớn tuổi rồi, thôi về hưu nghỉ ở nhà cho khỏe. Nhưng ông nhà tôi (ông Lê Chuẩn - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) ủng hộ hoàn toàn. Tại trường có 1 phòng nhỏ, tôi ngủ ở đó và ăn cơm tập thể với anh em giáo viên. Công việc ở trường bận rộn nên vài tuần mới về Đà Nẵng thăm nhà, con cháu” - bà nhớ lại.
Sau gần 20 năm thành lập với không ít thăng trầm, đến nay Trường THPT Hà Huy Tập đã tiếp sức cho hơn 10.000 học sinh trên địa bàn TP.Tam Kỳ và các vùng phụ cận, trong đó hàng trăm em tiếp tục bước vào giảng đường đại học. Bởi vậy mà nhiều bậc phụ huynh vẫn thích gọi ngôi trường này với cái tên thật thân thương “Trường cô Sương” như là một cách tri ân NGƯT Hà Thị Thu Sương đã giúp cho con em họ có cơ hội được học tập và trưởng thành.
Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc
Nhà giáo ưu tú Hà Thị Thu Sương tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1963, đi dạy và có thời gian làm công tác quản lý trường học ở Hà Nội; Năm 1975 - 1985 làm Hiệu trưởng, rồi Trưởng phòng GD-ĐT quận Hải Châu, Phó phòng GD-ĐT TP.Đà Nẵng; Năm 1985 - 1992 làm Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ); Năm 1992-1997 làm Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; sau khi chia tách tỉnh (năm 1997) làm Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam. Bà là đại biểu Quốc hội 3 khóa 7, 8 và 9 (1981 - 1997); Năm 2000 bà nghỉ hưu. Từ năm 2007 - 2017 làm Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh Quảng Nam. |
Nghỉ hưu năm 2000, NGƯT Hà Thị Thu Sương dồn hết thời gian và tâm huyết cho công việc ở ngôi trường mình dày công xây dựng. Lấy trường làm nhà, bà gần như ở hẳn tại trường để sát cánh cùng ban giám hiệu, đội ngũ giáo viên tìm tòi các giải pháp nâng cao chất lượng nhằm tạo dựng uy tín cho trường. Sau đó, bà nhận được đề nghị đứng ra tổ chức huy động các nhà giáo nghỉ hưu trên địa bàn tỉnh để thành lập Hội Cựu giáo chức tỉnh. Tuổi đã cao, song với trách nhiệm và tấm lòng của một nhà giáo đã lăn lộn cùng đồng nghiệp gần 30 năm qua, bà nhận lời. Năm 2007, đại hội Hội Cựu giáo chức tỉnh Quảng Nam lần thứ I nhiệm kỳ 2007 - 2012 được tổ chức và NGƯT Hà Thị Thu Sương được bầu làm Chủ tịch hội. Dưới sự lèo lái của bà, dấu ấn lớn nhất trong nhiệm kỳ đầu tiên của hội là đã tập hợp được đông đảo cựu giáo chức về dưới “mái nhà chung” và tạo ra nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực không chỉ đối với hội viên mà còn tham gia hỗ trợ đắc lực cho sự nghiệp giáo dục địa phương.
Có lần bà tâm sự, bây giờ tuổi đã cao, gia đình lại ở xa. Có lẽ đã đến lúc phải dừng lại, nhường cho anh chị em trẻ hơn làm. Thế nhưng, công việc cứ kéo bà đi mãi. Hết nhiệm kỳ đầu tiên, Hội Cựu giáo chức tỉnh lại neo người. Vậy là, khi đã 73 tuổi bà phải nhận nhiệm vụ làm Chủ tịch hội thêm một nhiệm kỳ nữa. Vẫn là điệp khúc quen thuộc: sáng dậy sớm đi xe buýt vào Tam Kỳ làm việc, cuối buổi đón xe về lại Đà Nẵng. Vòng quay ấy cuốn bà trong suốt 5 năm qua. Hỏi có vất vả, bà bảo: “Có gì đâu! Sáng sớm lên xe buýt, ngồi đọc chưa hết tờ báo là đã đến Tam Kỳ rồi”.
Sau 2 nhiệm kỳ với 10 năm trên cương vị đứng mũi chịu sào, NGƯT Hà Thị Thu Sương chia tay Hội Cựu giáo chức tỉnh sau đại hội lần thứ III nhiệm kỳ 2017 - 2022 vừa qua. “Đã chính thức nghỉ hưu chưa cô?”, tôi đùa và nhận được câu trả lời với nụ cười rất tươi từ bà: “Chưa đâu em! Bây giờ là lúc cô có thêm thời gian để lo cho Trường Hà Huy Tập, phải tìm giải pháp để cho ngôi trường này phát triển”. Ở tuổi 78, tâm huyết với nghiệp trồng người trong bà khiến mọi người nể phục.
XUÂN PHÚ
NHỮNG NGƯỜI THẦY KHÔNG BỤC GIẢNG
Những nét vẽ trẻ thơ trên khung tranh; một giai điệu đôi chỗ chưa đạt hay thậm chí cả bài học về gia vị đã được những người thầy chỉ dạy tận tình, bền bỉ để truyền cảm hứng...
Dạy vẽ ở góc phố. Ảnh: L.Q |
Khơi tình yêu nghệ thuật
Bắt đầu bằng tinh thần tạo sân chơi cho trẻ, những nghệ sĩ ở đủ mọi loại hình nghệ thuật, từ âm nhạc, mỹ thuật... ở Hội An bắt tay cùng nhau làm. Những mảng ghép đầy sắc màu từ các lớp học đặc biệt mang đến ấn tượng mạnh cho người tìm đến Hội An. Chỉ cần một nhóm trẻ con ngồi xoay quần với nhau, trao đổi về một hình ảnh mới, cất chung lên một giai điệu dân ca, hay đồng thanh vọng lại một phiên âm tiếng Nhật cho người giáo già, đủ làm xôn xao phố nhỏ... Các không gian nhóm giữa cộng đồng như vậy, ban đầu chỉ khởi lên vì một sản phẩm du lịch cần sự phong phú, bây giờ, đã vượt thoát ra khỏi giới hạn đó, để làm nên một câu chuyện ý nghĩa. Đó là gieo vào lòng trẻ thơ phố Hội một tình yêu nghệ thuật truyền thống, khơi gợi nếp sống đẹp trong tâm hồn các em. Và chính những người tâm huyết chọn cách chuyển tải tình yêu nghệ thuật đến các em thông qua lớp học nhỏ trên các con phố.
Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP.Hội An dành sự cảm phục với những nghệ sĩ - người đứng lớp truyền dạy về dân ca trên các con phố như vậy. Bởi nếu không có sự nhiệt tâm của diễn viên ca kịch bài chòi này, thì làm sao để mạch nguồn dân ca còn mạnh mẽ đến vậy. Ngọc Huệ, Thu Hương, Thu Ly, Dương Quý... cứ vậy thay nhau tạo cho đêm phố cổ sống động hơn từ giọng ca trong vắt của lớp tuổi thiếu niên. Nghệ sĩ Dương Quý nói, ngày bắt đầu “đứng lớp” - ở ngay độ tuổi của con trai mình, đã tự nhủ rằng làm sao để có một thế hệ nhỏ của Hội An biết hát và thậm chí hát dân ca hay. Chỉ cần nghĩ vậy thôi mà cố gắng duy trì không gian đầy ắp tiếng hát trẻ thơ này. Tâm ý này đồng điệu với người đã hơn 2 năm nay chỉn chu cho một lớp tuồng đồng ấu của Hội An - nghệ nhân Lê Phú Hải. Ông nói mình vẫn cứ đau đáu một lớp trò học hát tuồng, để giữ lại một loại hình nghệ thuật truyền thống của cha ông.
Và chưa kể, trong những sắc màu làm nên ấn tượng Hội An, còn có một lớp dạy vẽ miễn phí của họa sĩ Trương Bách Tường vào mỗi dịp hè. “Việc tạo cơ hội cho trẻ con được tiếp xúc với nghệ thuật ngay từ nhỏ đang ngày càng trở thành phương cách nuôi dạy trẻ ở các quốc gia phát triển. Thêm một cuộc chơi, nghĩa là thêm vào hành trình trưởng thành của tuổi thơ một mảng ghép đầy sắc màu. Nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật trong mỗi em nhỏ là việc không của riêng ai” - hoạ sĩ Trương Bách Tường nói.
Ai cũng có khả năng
Đào Thị Tiên - chủ nhà hàng Đào Tiên (Hội An) vẫn chưa quên những ngày mình chỉ bày cho các em từng cách cúi đầu chào khách, cách bày biện một đĩa thức ăn sao cho bắt mắt, cách chọn nguyên liệu và nâng niu chế biến chúng ra sao. “Tiên vẫn nhớ hơn năm trước, có em học trò về tìm lại mình, giờ em là đầu bếp cho một resort lớn ở Đà Nẵng, nói hồi trước không hiểu sao ai em cũng không sợ, lại sợ nhất chị Tiên” - Đào Thị Tiên hóm hỉnh. Và chính sự nghiêm khắc của cô gái Huế bén duyên với ngành ẩm thực Hội An này mà bây giờ rất nhiều em thành danh đi ra từ “bếp của Tiên”. Chị Tiên nói, ai cũng có khả năng, vấn đề là nhìn thấy, nắm bắt và phát huy khả năng để các em có cơ hội phát triển. Một cô gái tự thân lập nghiệp, chị Tiên nói mình đủ hiểu những lo lắng cũng như sự chán chường của các thanh niên khó khăn. Từ điều này, chị không ngại ngần chia sẻ về ngành hàng ẩm thực cho những bạn trẻ tìm đến với mình. Và từ nhiều năm trước, Đào Thị Tiên đã chỉ dạy miễn phí về nghề bếp và phục vụ nhà hàng cho rất nhiều người trẻ còn khốn khó.
Cũng với tinh thần này, Nguyễn Tuấn Liên - một chàng trai trẻ của xứ dừa nước Cẩm Thanh, đã truyền dạy kinh nghiệm làm du lịch từ bản thân cho rất nhiều thanh niên trẻ khác. Không phải cứ bằng cấp mới làm nên chuyện, Tuấn Liên truyền nguồn cảm hứng tích cực về sự cố gắng không ngừng nghỉ để đạt được ước mơ. Hơn 20 em đi ra từ Khu du lịch sinh thái Tuấn Liên bây giờ đều đã làm việc ở nhiều nhà hàng khách sạn lớn tại Hội An, hay ít ra, là những người thợ cắt tóc lành nghề từ Đà Nẵng đến Tam Kỳ. Bởi chính “cây kéo vàng” Tuấn Liên là người đã kéo họ nỗ lực để tìm kiếm khả năng ẩn sau khốn khó của hoàn cảnh. Có thể nói, họ là những người thầy không bục giảng, có chăng bục giảng của họ là đường phố, góc bếp... nhưng mỗi bài học đều gắn với thực tế. Để rồi các lớp học trò ra đi đều được trang bị hành trang để đứng vững với con đường đã chọn.
LÊ QUÂN
ĐỂ SÓNG THÔI XÔ CON CHỮ…
Giữa những bộn bề khó khăn ở Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An), các thầy cô nơi đây vẫn lặng lẽ, miệt mài vun đắp chồi xanh…
Đi qua bao khó khăn, thầy cô ở Cù Lao Chàm vẫn luôn miệt mài dạy dỗ cho học sinh. Ảnh: XUÂN THỌ |
1. Bão tan, lũ rút, biển êm. Nhưng chiếc tàu chở khách bằng gỗ không thể ra vào Cù Lao Chàm được, vì luồng cửa biển Cửa Đại lại bị bồi lấp. Ngồi trên ca nô du lịch ra đảo, bắt chuyện một người đàn ông trung niên, chợt nhận ra nhiều ư tư của những nhà giáo nơi đầu sóng, vì học sinh ra lớp ngày càng ít. Sau khi đến đảo, trò chuyện với thầy cô ở đây đều cho rằng, đó là điều đôi khi khiến họ chạnh lòng. “Nhưng chán không?” - tôi hỏi, và họ đều chung tâm tư “không chán nhưng buồn”. Cũng vì học sinh ít, nên năm học vừa rồi, ngành giáo dục TP.Hội An đã sáp nhập hai trường tiểu học và THCS ở Cù Lao Chàm thành Trường TH & THCS Quang Trung. Trường chính nằm ở thôn Bãi Làng, phòng ốc đã kiên cố, khang trang và đang được xây dựng thêm một vài hạng mục. Còn một điểm trường nữa, nằm ở Bãi Hương, là thôn xa xôi nhất ở xã đảo. Điểm trường này chỉ có 13 học sinh, ghép lại thành 3 lớp học do 3 giáo viên phụ trách giảng dạy. Lớp ghép đầu tiên, là lớp 1 với lớp 2, có 5 em; lớp ghép thứ hai, là lớp 3 và lớp 4, có 5 em; và lớp còn lại, là lớp 5, có 3 em. Ba phòng học như một, đập vào mắt là hình ảnh bàn ghế nhiều hơn học sinh. Đứng trước phòng học lớp ghép 1 và 2 của cô Lê Thị Hồng Thu, nhìn lên mép trái trên cùng của bảng, dễ dàng đọc được sĩ số học sinh của lớp 1 và 4 em; nhìn sang mép phải trên cùng của bảng, sĩ số chỉ là con số 1 tròn trĩnh. Cô Thu kể, năm ngoái lớp 1 có 3 em, nhưng ở năm học này, khi các em lên lớp 2, thì có 2 em chuyển vào đất liền. “Mình thì đã quen rồi, chỉ là thương cho các em, nhất là những em của lớp có rất ít học sinh, như một em lớp 2 này chẳng hạn, gặp khó khăn trong việc thảo luận…” - cô Thu trầm tư.
Xách xe chạy ngược về Bãi Làng, vào điểm trường chính, tình hình dù sao cũng được cải thiện ít nhiều khi số lượng bàn ghế trống ở mỗi lớp học ít hơn nhiều so với bên điểm trường ở thôn Bãi Hương. Thầy Nguyễn Văn Thanh - Hiệu trưởng Trường TH & THCS Quang Trung cho hay, ở điểm trường chính này, lớp nhiều học sinh nhất là lớp 6, với 30 em; còn ít nhất là lớp 9, với 18 em. Cộng với 13 em bên Bãi Hương, thì tổng học sinh của trường là 211 em. Giáo dục ở Cù Lao Chàm những ngày đầu, cũng gộp chung như bây giờ. Nhưng đến tháng 10.2003, khi đời sống của người dân ngày càng được nâng cao cũng như số lượng học sinh nhiều, hệ thống trường lớp được tách ra thành hai trường tiểu học và THCS riêng. “Đến những năm gần đây, việc suy giảm số lượng học sinh ngày càng diễn ra liên tục, nên từ năm học này, Phòng GD-ĐT thành phố đã sáp nhập hai trường lại với nhau như trước đây” - thầy Thanh cho biết.
“Với đặc thù xã đảo, nên những năm qua, Cù Lao Chàm là một trong điểm sáng của ngành giáo dục Hội An. Không chỉ bám đảo dạy học cho các em, các thầy cô ở đó còn chịu khó vận động đưa học sinh bỏ học quay trở lại trường. Và đặc biệt, dù điều kiện không được thuận lợi, nhưng các giáo viên ở đây đã không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng để truyền đạt lại cho học sinh” - ông Nguyễn Văn Dung - Trưởng phòng GD-ĐT TP.Hội An đánh giá. |
2. “Học sinh ít, sẽ không đáp ứng được các nhu cầu hoạt động của giáo dục, nhất là lứa THCS. Trước khi sáp nhập, thì THCS chỉ có 80 em với 4 lớp học mà thôi. Sáp nhập trường như hiện tại, giúp cho việc đầu tư cơ sở vật chất được tập trung hơn và tất nhiên, chắc chắn là sẽ phát huy hiệu quả hơn. Chẳng hạn như việc tiếp cận tin học của các em là một ví dụ. Trước sáp nhập, trường chỉ có 10 máy tính nhưng chỉ có 3 máy là sử dụng được. Sáp nhập xong, Phòng GD-ĐT hỗ trợ 10 máy tính, xã hỗ trợ 2 máy tính, cộng với 3 chiếc máy tính cũ khi trước, là có tổng cộng 15 máy tính nên đảm bảo ổn định việc học tin học của các em” - thầy Thanh nói. “Vậy thì, thưa thầy, điều gì đang khiến số lượng học sinh ở Cù Lao Chàm đang giảm dần qua mỗi năm?”. “Có ít nhất 3 nguyên nhân. Thứ nhất, là đời sống kinh tế của người dân bây giờ được nâng lên rất nhiều, họ có điều kiện để đưa con vào đất liền học; thứ 2, những em học sinh thế hệ trước, sau khi hoàn thành chương trình học ở đây, thì vào đất liền để tiếp tục học, rồi ở trong đấy lập nghiệp, lập gia đình; sau cùng, là vì người dân thực hiện tốt chủ trương kế hoạch hóa gia đình”.
Những khó khăn khi công tác tại Cù lao Chàm là điều thầy cô nào cũng hiểu. Nhưng hơn tất cả, chính tình yêu thương dành cho học trò đã níu chân họ gắn bó lâu dài. Thầy Thanh kể, năm 2003, việc đi xin dàn máy vi tính cho học trò là điều... không tưởng. Bởi ngoài rào cản kinh phí thì trường không có ai phụ trách môn này. Thế nhưng quyết là làm, thầy Thanh đã vào đất liền học Tin học rồi về dạy lại cho các thầy cô khác. “Thời buổi công nghệ thông tin mà các em không được tiếp cận sớm thì tội lắm. Có thể trong điều kiện hạn chế, các em không được học nhiều và đầy đủ, nhưng ít ra cũng xóa được tâm lý bỡ ngỡ, thậm chí là tự ti khi vào đất liền học cấp tiếp theo” - thầy Thanh nói.
Gắn bó với Cù Lao Chàm từ năm 1987 đến nay, thầy Thanh cũng như nhiều thế hệ thầy cô giáo khác trải qua rất nhiều khó khăn. Khi thì trường lớp tạm bợ, lúc cách trở đò giang để vào đất liền tìm kiếm tài liệu phục vụ giảng dạy... “Như vào đất liền để đi in, photo đề thi chẳng hạn. Hôm nay vô, bữa sau mới kịp in, rồi hôm sau nữa mới ra lại Cù Lao Chàm. Có hôm mưa to gió lớn mà lúc tôi vào đất liền không thể ra đảo, phụ huynh học sinh ra bến cảng chờ đón, thương lắm. Những tình cảm giản dị ấy, đã tạo nên động lực để cho bao thế hệ thầy cô giáo miệt mài gieo chữ ở Cù Lao Chàm” - thầy Thanh nhớ lại. Thế nhưng, ưu tư trường lớp ấy vẫn không thể bằng bàn trống, lớp ghép khi học sinh thưa vắng dần...
XUÂN THỌ