Vì sự phát triển chung

28/01/2017 09:47

(Xuân Đinh Dậu) - Tuy điều kiện công tác, nhiệm vụ chính trị khác nhau, nhưng chúng tôi bắt gặp ở họ tinh thần trách nhiệm, nêu gương trong công việc, cùng vì sự phát triển của quê hương.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường: Thước đo là sự hài lòng của nhân dân

Có thể khẳng định, 5 năm qua, việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong các cấp ủy, cán bộ, đảng viên toàn tỉnh đã trở thành nhiệm vụ tự giác, thường xuyên, với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả. Đã có những mô hình hay, điển hình tiêu biểu được các cấp tuyên dương, khen thưởng, góp phần tạo động lực trong các phong trào thi đua yêu nước và tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Kết quả đạt được thể hiện bằng sự chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Ông Phan Việt Cường  - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại diễn đàn Quốc hội. Ảnh: Q.H
Ông Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại diễn đàn Quốc hội. Ảnh: Q.H

Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Ở một số cấp ủy, nhiều lúc chưa thật sự quan tâm sâu sát, chỉ đạo quyết liệt đối với việc “học tập và làm theo”, chưa xem đây là nhiệm vụ thường xuyên; chỉ khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhắc nhở mới tập trung thực hiện. Một số cấp ủy, chính quyền có đảng viên, cán bộ nói trên diễn đàn thì rất hay, nhưng thực hiện nhiệm vụ thì không đến nơi đến chốn, nói không đi đôi với làm; đặc biệt chưa thể hiện được vai trò nêu gương của người đứng đầu. Một bộ phận cán bộ, đảng viên còn thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị nên không khắc phục được khó khăn, rơi vào cám dỗ, bị dao động về tư tưởng, có hành vi nhũng nhiễu, vụ lợi, gây phiền hà cho nhân dân. Trong năm qua, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã xem xét, xử lý kỷ luật 14 tổ chức đảng, 330 đảng viên với các hình thức khác nhau. Điều này cũng phần nào cho thấy việc đăng ký thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW vẫn còn hình thức, qua loa, đối phó, nói và làm không đi đôi với nhau...

Một số cấp ủy, chính quyền có đảng viên, cán bộ nói trên diễn đàn thì rất hay, nhưng thực hiện nhiệm vụ thì không đến nơi đến chốn, nói không đi đôi với làm; đặc biệt chưa thể hiện được vai trò nêu gương của người đứng đầu.

Những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra cần phải nghiêm túc chấn chỉnh, khắc phục trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thời gian tới. Trong thực hiện Chỉ thị 05 phải tiếp tục khơi dậy đạo đức, trách nhiệm của tập thể cấp ủy, người đứng đầu; đặc biệt là ý thức đạo đức lành mạnh, vô tư, trong sáng ở mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân. Ở đây, việc nêu gương về đạo đức có ý nghĩa quyết định và phải thực hiện theo đúng nguyên tắc “nói đi đôi với làm”. Người lãnh đạo nêu gương cho cán bộ, nhân viên cấp dưới. Đảng viên gương mẫu trước quần chúng nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự rèn luyện, thấm nhuần các giá trị tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Lãnh đạo các cấp cần nêu gương trong việc chống lại các biểu hiện tiêu cực, lạc hậu, bảo thủ, trì trệ, kìm hãm sự phát triển chung của tỉnh. Làm được như vậy tổ chức đảng mới trong sạch, vững mạnh.

Trong điều kiện hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên cũng cần có sự đổi mới về cách nghĩ, cách làm, chịu khó tìm tòi, nghiên cứu tài liệu nhằm rèn luyện kỹ năng, lĩnh hội tri thức, làm tốt công tác tham mưu, giải quyết công việc chuyên môn được giao. Cùng với đó là quyết tâm xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên giàu tâm huyết, tận tụy, luôn lấy hiệu quả công việc, sự hài lòng của nhân dân làm thước đo đánh giá, là mục tiêu phấn đấu... HÀN GIANG (ghi)

Sống cùng Pêtapoóc

Hơn 5 năm trước, 8 hộ dân của ngôi làng “mồ côi” Pêtapoóc, xã Đắc Pring (Nam Giang) sống trong những túp lều dựng tạm bằng tre lá. Dù được chính quyền và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắc Pring giúp đỡ nhưng cuộc sống của họ vẫn gặp rất nhiều khó khăn, cái nghèo quanh năm đeo bám. Trăn trở với cuộc sống bế tắc của người dân làng Pêtapoóc khi ấy, cán bộ Phòng Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắc Pring vượt hơn 20km đường rừng, trực tiếp vào khảo sát thực tế đời sống, nắm bắt tâm tư của bà con.

Lực lượng cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tỉnh xây dựng hệ thống điện thủy luân cho dân làng Pêtapoóc.
Lực lượng cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tỉnh xây dựng hệ thống điện thủy luân cho dân làng Pêtapoóc.

Thượng tá Quách Thiện Dư - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh nhớ lại: “Khi chúng tôi lên đến làng được bà con đón tiếp như người thân đi xa về. Anh em cán bộ, chiến sĩ rất xúc động. Ai cũng nhận thức rằng cuộc sống của bà con vùng biên giới còn khó, còn khổ thì trách nhiệm đặt trên vai của người lính biên phòng còn nặng. Phải làm gì đó thật thiết thực để giúp đỡ bà con nơi đây vươn lên, cải thiện cuộc sống và xóa dần khoảng cách với các xóm làng vùng miền núi. Tâm tư ấy đã thôi thúc chúng tôi trong suốt hành trình trở về”. Sau chuyến khảo sát thực tế đó, Phòng Chính trị tham mưu lãnh đạo cử 3 cán bộ Đồn Biên phòng Đắc Pring xuống trụ bám cùng sống, cùng làm với bà con làng Pêtapoóc. Cán bộ biên phòng thành giáo viên khi dạy cho người làng con chữ; thành thầy thuốc khi khám chữa bệnh cho bà con; thành cán bộ kỹ thuật nông nghiệp khi hướng dẫn người làng trồng lúa nước để chủ động nguồn lương thực tại chỗ. Phòng Chính trị cũng đề xuất với chính quyền các cấp, phối hợp với các ngành liên quan vận động hỗ trợ bà con thông qua nhiều kênh khác nhau. Cũng từ đây, các mạnh thường quân biết đến làng “mồ côi” Pêtapoóc và chung tay hỗ trợ, giúp đỡ cho bà con.

Nay, Pêtapoóc đã khoác trên mình diện mạo mới. Làng có 10 hộ dân với 35 nhân khẩu đều được cất nhà gỗ vững chãi, khang trang. Nguồn điện thủy luân đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của người dân, chất lượng cuộc sống đã được cải thiện rõ rệt. Ngôi nhà lớn nằm giữa cụm dân cư được dùng mở lớp học xóa mù chữ. Có con chữ, giấc mơ của người làng được chắp cánh vượt qua sự cách trở của đại ngàn. Đã có những đứa con của làng đang theo học tại Tam Kỳ, Đà Nẵng với ước mơ làm cô giáo về làng dạy chữ, làm bác sĩ để chữa bệnh cho bà con. Thượng tá Quách Thiện Dư tâm sự: “Với tình cảm, trách nhiệm của mình, người lính mang quân hàm xanh đã góp sức vào sự khởi sắc của làng Pêtapoóc hay nhiều vùng đất nơi biên cương xứ Quảng. Phòng Chính trị được giao nhiều nhiệm vụ, song trọng tâm là xây dựng thế trận lòng dân, tận tâm, tận tụy chung tay vì cuộc sống của đồng bào. Chính vì vậy, cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn xác định rõ trách nhiệm, gương mẫu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao”. (HÀN GIANG)

Sức mạnh của đồng thuận

Cuối năm, chúng tôi có dịp về Gò Nổi (Điện Bàn). Từ trục đường chính xẻ dọc 3 xã Gò Nổi đến hệ thống giao thông bao bọc thôn xóm, đâu đâu cũng thấy đường sá khang trang sạch đẹp. Tại xã Điện Quang, chúng tôi khá ấn tượng khi đi trên con đường mang tên “Số 2” ở thôn Bến Đền Tây. Hai bên đường cây cối vươn cao giữ dáng vẻ không gian xanh của làng quê… Để có con đường xanh dài hơn 200m như bây giờ, với sự vào cuộc tuyên truyền vận động của cán bộ, đảng viên, người dân dọc tuyến đã tự nguyện hiến đất đai, tháo dỡ vật kiến trúc tường rào cổng ngõ mà chẳng toan tính để được bồi thường. Ngày chúng tôi đến cũng là thời điểm người dân các thôn dọc theo tuyến đường ĐT610B đoạn qua địa bàn xã Điện Quang hối hả đào hố trồng cây xanh do xã hỗ trợ, quyết tâm phủ thêm màu xanh cho nông thôn, làm “mềm” sự khô cứng của những bức tường rào xây.

Đường Số 2, tuyến đường xanh - sạch - đẹp ở thôn Bến Đền Tây, xã Điện Quang (Điện Bàn).
Đường Số 2, tuyến đường xanh - sạch - đẹp ở thôn Bến Đền Tây, xã Điện Quang (Điện Bàn).

Theo bà Trần Kim Thoa - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Điện Quang, chủ trương xây dựng không gian làng quê nông thôn mới xanh - sạch - đẹp của xã đang nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của nhân dân. Trong 5 năm qua, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân của xã đã tự nguyện hiến 21.000m2 đất vườn. Hơn 1.000 hộ tự nguyện tháo dỡ, di dời công trình tường rào cổng ngõ với tổng giá trị gần 15 tỷ đồng để mở rộng các tuyến giao thông theo quy hoạch chung của xã. Từ sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân nên cuối năm 2014 xã Điện Quang đã cán đích xã nông thôn mới sớm hơn một năm so với kế hoạch. Đồng thời cũng là một trong 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh. “Sự đồng thuận giữa ý Đảng - lòng dân đã giúp cho Điện Quang luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao. Đảng ủy xã luôn quán triệt, bất kỳ công việc chung nào dù lớn hay nhỏ, sau khi đưa ra lấy ý kiến được nhân dân thống nhất thì người cán bộ, đảng viên được giao nhiệm vụ phải nêu gương làm tốt, làm tận tụy. Đồng thời phải chịu trách nhiệm trước Đảng ủy xã nếu không hoàn thành công việc theo đúng kế hoạch” - bà Trần Kim Thoa nói.
Bà Trần Kim Thoa cũng khẳng định, có được kết quả đó là nhờ Đảng ủy xã luôn chú trọng quán triệt, triển khai sâu rộng việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong việc rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm đối với công việc được giao của từng bộ phận, tổ chức, từng cán bộ, đảng viên. Được nhân dân tin tưởng, đánh giá cao. “Nhờ vậy, Điện Quang luôn là xã nằm trong tốp đầu phong trào thi đua yêu nước của thị xã Điện Bàn. Nhiều năm liền Đảng bộ xã được công nhận trong sạch vững mạnh và trong sạch vững mạnh tiêu biểu” - bà Trần Kim Thoa chia sẻ. (NGUYÊN ĐOAN)

"Lửa" từ người trẻ

Những ngày của tháng 11.2015, chúng tôi về các xã vùng cát Duy Nghĩa, Duy Hải (huyện Duy Xuyên) khi dự án Nam Hội An tái khởi động, mở ra vận hội mới cho cả vùng đông. Nhưng, kèm theo đó cũng là bộn bề toan lo cho chính quyền với hàng loạt áp lực về bồi thường giải tỏa, tái định cư; người dân ồ ạt cơi nới, xây dựng công trình trái phép. Thông tin về dự án, chính sách bồi thường giải tỏa lan khắp từng nhà, từng ngõ. Lãnh đạo cao nhất của tỉnh thường xuyên trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo để tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh. Vùng cát vẫn nóng bỏng bao câu chuyện đầy tính thời sự. Có mặt ở xã Duy Nghĩa những ngày ấy, chúng tôi đặc biệt chú ý đến nữ Phó Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa - Nguyễn Thị Hưng, khi chị hiện diện thường trực ở điểm nóng. Trẻ, nhưng những phát biểu của chị rất quyết đoán, gây ấn tượng mạnh với chúng tôi.

Bí thư Đảng ủy xã Duy Nghĩa - Nguyễn Thị Hưng.
Bí thư Đảng ủy xã Duy Nghĩa - Nguyễn Thị Hưng.

Nữ Phó Chủ tịch UBND xã mà chúng tôi gặp vào cuối năm 2015 nay đã là Bí thư Đảng ủy xã Duy Nghĩa. Tháng 7.2016, chị được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã, sau một thời gian dài trải qua nhiều vị trí công tác. “Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, nhưng tôi lại không có duyên với bục giảng. Sau khi ra trường, loay hoay suốt vài năm đầu, tôi xin vào làm… công an viên ở xã. Ban ngày công tác, ban đêm chạy xe máy hàng chục cây số để học thêm chương trình đại học hệ vừa học vừa làm. Tròn 15 năm, từ công an viên chuyển qua  công tác văn thư, rồi Chủ tịch Hội phụ nữ xã, Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách kinh tế, đến bây giờ là Bí thư Đảng ủy xã” - chị Hưng tâm sự.

Ba mươi sáu tuổi, cương vị của một Bí thư Đảng ủy xã đặt ra không ít áp lực cho chị Hưng trong những ngày đầu. Chị kể, bản thân đã rất đắn đo khi được đưa vào diện quy hoạch cán bộ chủ chốt của địa phương. Đến khi được tín nhiệm bầu giữ chức vụ, là những đêm liền trăn trở với vô vàn câu hỏi. Rồi chính những đêm dài loay hoay tìm câu trả lời ấy, chị tự tin giải quyết tốt công việc mà vẫn chăm lo vẹn toàn cho gia đình. Kinh nghiệm của chị, là vừa gặp gỡ, xin ý kiến của các chú, các anh đi trước, nhưng cũng vừa quyết đoán, mạnh dạn chịu trách nhiệm trước tập thể. “Khi dự án Nam Hội An tái khởi động tôi phải đối mặt với hàng loạt tình huống căng thẳng ở cương vị Phó Chủ tịch UBND xã. Ngay cả bây giờ, khi đã là Bí thư Đảng ủy, cũng còn vô vàn việc có tên và không tên. Có lần, liên quan đến chuyện xây dựng, cơi nới công trình trong đất quy hoạch, tôi đã phải đau đầu suốt mấy ngày vì trường hợp vi phạm lại là người trong họ hàng. Đã nhiều lần tôi xuống khuyên nhủ, nói chuyện, rồi nhờ các ban ngành của xã nhưng vẫn không được. Sau cùng, tôi phải lên gặp người đứng đầu trong dòng họ vận động, và đã thành công” - chị Hưng chia sẻ.

Như một đóa xương rồng bung nở từ nắng gió, những thử thách dần trui rèn bản lĩnh, sự tự tin để Nguyễn Thị Hưng tiếp tục gắn bó, cống hiến cho quê hương.  (THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vì sự phát triển chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO