LTS: Cuộc “Hành trình” liên tục 30 năm qua của Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã là minh chứng đầy tính thuyết phục về sự cần thiết cũng như tính hiệu quả của sự kiện này đối với các cơ quan báo chí và những người làm báo Đảng trong khu vực. Trong bối cảnh hội nhập với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông hiện nay, hẳn nhiên, nhu cầu kết nối, chia sẻ, hỗ trợ nhau về nghề nghiệp càng trở nên bức thiết...
Nhân hội thảo lần thứ 2 (vòng IV) và 30 năm Hội thảo báo Đảng Khu vực miền Trung - Tây Nguyên, một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan báo chí đã chia sẻ tâm tư, tình cảm cùng những nhận định, đánh giá về hội thảo.
Ngày đó chỉ trong một cuộc trà dư tửu hậu giữa các anh chị em làm báo Đảng ở các địa phương với nhau, tôi và các anh Nguyễn Văn Giá (Báo Thanh Hóa), Nguyễn Văn Nhị (Báo Đắc Lắc), Nguyễn Văn Ngọc (Báo Khánh Hòa), Hoàng Giác… chỉ nói về chuyện nghề, chia sẻ những cách làm báo thời kỳ đất nước vào giai đoạn đêm trước đổi mới. Lúc ấy, các anh em có cùng một ý nghĩ: làm sao đưa phóng viên ra khỏi “lũy tre làng”. Ở đây không chỉ có ý nghĩa về không gian hay mang tính địa lý địa phương mà phần nhiều về “nâng cấp” tư duy làm việc thông qua cách học hỏi lẫn nhau. Ông bà xưa nói “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, “học thầy không tày học bạn”. Mỗi người góp một lời, một ý bên chung rượu nhưng đều rất thành thật. Thế rồi, nói là làm, chúng tôi xin phép các cơ quan lãnh đạo lúc bấy giờ, xây dựng ý tưởng và hình thành Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Xuân Phúc (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ) phát biểu tại Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên tổ chức tại Quảng Nam năm 2003. Ảnh: B.M.P |
Ngay từ những lần tổ chức đầu tiên, hội thảo các báo Đảng địa phương đã được Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá rất cao. Tôi nhớ các anh như Quế Liêm - Vụ phó Vụ Báo chí, Lưu Văn Hân của Cục Báo chí xuất bản (Bộ Văn hóa thông tin cũ) đều ủng hộ mỗi lần hội thảo diễn ra. Từ Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Nghĩa Bình, Bình Trị Thiên cho đến Phú Khánh, rồi Tây Nguyên… mỗi lần đi là mỗi lần khó. Đổi lại chất lượng của những cuộc hội thảo luôn đem lại sự hài lòng. Mỗi kỳ hội thảo đều dựa trên tinh thần tập trung, dân chủ. Anh chủ tịch của kỳ hội thảo trước sẽ gợi ý cho kỳ sau, tìm ra vấn đề và nói trúng vấn đề. Một số ý kiến cũng cho rằng, hội thảo báo Đảng miền Trung - Tây Nguyên càng về sau “hội” là nhiều “thảo” thì ít. Nhưng với tôi không phải vậy, nhìn lại trong suốt 30 năm qua, bất kỳ hội thảo nào của báo Đảng miền Trung - Tây Nguyên đều được thực hiện trên tinh thần nghiêm túc, có đề dẫn, có lộ trình và dân chủ.
- PV: Cũng trên tinh thần “hội” và “thảo”, sự phát triển của báo Đảng địa phương qua 30 năm “nằm” ở phần nào là nhiều, thưa ông?
Nhà báo Ngô Quy Nhơn - nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) . |
“Hội” hay “thảo” theo tôi đều có phần quan trọng như nhau trong sự liên kết phát triển của báo Đảng miền Trung - Tây Nguyên cho đến ngày nay. Các tỉnh thành trong khu vực, luân phiên đăng cai tổ chức hội thảo mỗi năm 1 hay 2 lần, nhưng chủ đề của hội thảo luôn phong phú. Sự phát triển của hội thảo báo Đảng địa phương nằm ở chỗ “đoàn kết”. Đó là sự liên kết vùng, hoạt động trên tiêu chí cái chung trước, bỏ cái TÔI để chọn cái CHÚNG TA cho sự phát triển chung. Đây vừa là “hội”, vừa là “thảo”. Qua rất nhiều lần tổ chức, nhiều đơn vị đã chuẩn bị tham luận một cách rất nghiêm túc, mang tính xây dựng cao và cuối cùng đều quy về một trách nhiệm: làm sao để tìm thấy hướng đi đúng đắn. Không hề giống như các kỳ “Seagames”, quốc gia nào đăng cai sẽ chọn những môn thế mạnh để “gặt” nhiều huy chương vàng. Còn mỗi đơn vị đăng cai hội thảo đều phải lấy cái chung nhất, cái ở địa phương mình nổi trội nhưng cũng là vấn đề địa phương khác quan tâm. Sự phát triển sau 30 năm của Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên vẫn còn giữ nguyên giá trị đó.
Ví dụ báo Đảng bàn về tuyên truyền công tác xây dựng Đảng tưởng là điều đơn giản vì nhiệm vụ chính của báo Đảng là phải như thế. Nhưng, có rất nhiều vấn đề được đặt ra mà chỉ khi ngồi lại với nhau mới thấy. Để giữ được sự hấp dẫn của hội thảo cần phải có một đề dẫn không đi chệch, phải thực sự là khoa học nghiêm túc, là sáng tạo đổi mới, là thực tiễn của những người làm báo chứ không phải cuộc đi chơi. Một lần hội thảo với chủ đề tuyên truyền xây dựng Đảng, tôi nhớ một kết luận tâm đắc, và nó luôn đúng cho bất kỳ tờ báo nào: Chọn cách gần nhất để đến trái tim người đọc, dù vấn đề có khô khốc và “khó gặm” cỡ nào.
- PV:Chủ đề của Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần này là “Liên kết tuyên truyền phát triển du lịch”, ông có đóng góp thêm ý tưởng gì không?
Nên nhớ rằng, liên kết phát triển du lịch đã có rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị của các địa phương, ban ngành khác nhau nhưng vẫn loay hoay chưa tìm ra giải pháp cụ thể. Bây giờ chúng ta bàn đến vai trò của báo chí cho sự phát triển du lịch, tôi xin nhắc lại, nên chọn lấy cái CHÚNG TA mà hướng đến. Mỗi địa phương đều có một đặc sản du lịch, nhưng hãy tìm ra cái chung nhất để tôn vinh, giới thiệu chứ không phải cách so đo theo kiểu: ở đây có bãi biển bình chọn đẹp nhất nhì thế giới thì địa phương kia cũng có bãi biển sạch và hoang sơ. Hãy dùng công cụ tuyên truyền của báo chí vì một mục đích tốt đẹp hơn: đến miền Trung Tây - Nguyên du khách có sự lựa chọn hoàn hảo nào cho chuyến du lịch của họ, hoặc ít ra họ có thể du lịch qua báo chí.
Vai trò của báo chí, suy cho cùng vẫn là chọn con đường ngắn nhất để đến trái tim người đọc cho dù ở lĩnh vực nào, chủ đề nào. Trong sự phát triển du lịch miền Trung Tây Nguyên, báo chí tuyên truyền có sự quảng bá, cũng đừng quên đưa bạn đọc tìm hiểu những giá trị văn hóa, lịch sử, con người hay vùng đất đó. Ví như nói về Mỹ Sơn, không chỉ đến để thấy thành xiêu vách đổ mà phải gợi sự tò mò về giá trị tâm linh, về tác động của thời gian và cả câu chuyện lịch sử đáng tự hào về non sông, bờ cõi của dân tộc Việt.
- PV: Ông có những kỳ vọng gì về sự phát triển của hội thảo báo Đảng trong thời gian tới?
Giá trị cuối cùng của bất kỳ cuộc hội thảo báo Đảng địa phương là sự phát triển trên mặt báo, dành tặng cho người đọc. Việc duy trì tổ chức Hội thảo báo Đảng miền Trung - Tây Nguyên cho đến thời điểm này theo tôi đã là một thành công, và thực sự rất cần thiết cho sự phát triển chung cũng như phát triển riêng của mỗi tờ báo. Kỳ vọng “đưa phóng viên ra khỏi lũy tre làng” từ ban đầu có thể nói vượt qua sự mong đợi của những người làm báo thời kỳ đầu. Cái gọi là “giữ lửa” thì ai cũng nuôi dưỡng cả, nhưng vấn đề là chọn cách làm cho thuyết phục, giữ lại sự hấp dẫn của hội thảo. Để thấy rằng, trong phần “thảo” có cả phần “hội” và ngược lại; thậm chí cơ hội phát triển mình cho mỗi phóng viên ở địa phương còn nhiều hơn sau mỗi lần hội thảo.
- PV:Xin cám ơn ông!
Nhà báo Minh Tứ - Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Trị: “Ngày càng nâng cao chất lượng”
Hội thảo báo Đảng khu vực Miền Trung - Tây Nguyên lần 2 (vòng IV) tổ chức tại Quảng Nam lần này là một cái mốc quan trọng, tròn 30 năm. Trong 30 năm đó, tôi may mắn có hơn 20 năm được tham dự các kỳ hội thảo. Với chiều dài qua 3 thập kỷ nhìn lại, có nhiều ý kiến trái chiều về các kỳ hội thảo báo Đảng trong khu vực, suy cho cùng cũng là nhằm hướng tới nâng cao chất lượng nội dung chủ đề và hình thức tổ chức hội thảo.
Điều ai cũng nhận thấy, chủ đề các kỳ hội thảo gần đây ngày càng thiết thực, gắn với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tình hình thực tiễn của mỗi địa phương. Như, các kỳ hội thảo bàn việc tuyên truyền về giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa bản địa; về tuyên truyền chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; về báo Đảng địa phương góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. Cũng có một số hội thảo bàn về chủ đề có tính “bếp núc tòa soạn” nhưng rất thiết thực như bàn về việc nâng cao tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức báo Đảng địa phương... Ngoài ý nghĩa hội thảo là nơi trao đổi kinh nghiệm làm báo, kinh nghiệm quản trị nhân lực và tài chính báo địa phương, chia sẻ về những thành công cũng như khó khăn trong làm báo ở mỗi địa phương, hội thảo còn là dịp để cán bộ, phóng viên các báo trong khu vực giao lưu, thắt chặt tình đồng nghiệp, có cơ hội để tìm hiểu về đời sống kinh tế xã hội, đi thăm những di tích văn hóa, lịch sử, danh thắng của mỗi địa phương, điều mà trong điều kiện bình thường khó có thể thực hiện được.
Dĩ nhiên theo sự phát triển của báo chí trong thời kỳ bùng nổ thông tin đa phương tiện hiện nay, chất lượng các kỳ hội thảo báo Đảng trong khu vực cũng cần được nâng lên, từ việc lựa chọn chủ đề hội thảo đến cách thức tổ chức. Việc các báo trong khu vực đóng góp kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa, nhà cho người nghèo cũng là cách làm mới, có ý nghĩa. Hay như các chủ đề hội thảo đi sâu bàn thảo về kỹ năng làm báo cũng là cách làm đem lại giá trị hữu ích trong việc chia sẻ kinh nghiệm đối với những người làm báo trong khu vực để nâng cao tính chuyên nghiệp, một tiêu chí mà nền báo chí nào cũng phải hướng tới để phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của các đối tượng bạn đọc trong xã hội.
Cũng xin nói thêm một tâm sự có tính cá nhân. Mảnh đất và con người Quảng Nam đã gây cho tôi một ấn tượng đặc biệt. Mảnh đất thì thân thương, có chiều dày lịch sử với nhiều di sản của thế giới như Mỹ Sơn, phố cổ Hội An..., còn con người thì năng động, mến khách. Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên được Báo Quảng Nam đăng cai kỳ này diễn ra vào dịp Festival Di sản Quảng Nam sẽ là một trải nghiệm thú vị cho các đồng nghiệp trong chủ đề “Liên kết phát triển du lịch” của chúng ta
Nhà báo Trương Minh Thắng - Tổng Biên tập báo Đắc Lắc: “Mỗi lần hội thảo là một lần tích lũy thêm vốn sống”
Chặng đường 30 năm ấy, biết bao ân tình và trách nhiệm đã để lại trong lòng những người làm báo Đảng ở một vùng đất sâu đậm nghĩa tình, nhưng lắm thử thách và cũng đầy tiềm năng cần được khai phá.
Trong lòng mỗi chúng ta luôn in đậm tấm lòng son của các thế hệ làm báo đã đem tâm huyết và năng lực vun đắp cho những lần hội thảo đầu tiên của báo Đảng khu vực khi đất nước đang ở vào giai đoạn “đêm trước” đổi mới. Từ chỗ mỗi năm gặp nhau một lần rồi hai lần, những người làm nghề báo về với nhau như một đại gia đình, một sự liên kết trong hoạt động tuyên truyền để tìm ra việc khai thác thế mạnh của khu vực, tìm tiếng nói chung cho các cơ hội đầu tư - phát triển của dải đất miền Trung và Tây Nguyên. Mỗi cuộc hội thảo lại bàn về một chủ đề mà giới báo chí khu vực quan tâm gắn liền với những dấu ấn trên mỗi chặng đường đi lên của đất nước. Các nhà báo gặp nhau như một cuộc hội ngộ của những khát vọng: Làm cho miền Trung - Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ hơn, sôi động hơn. Các báo gặp nhau để cùng trao đổi thông tin, bàn bạc giải pháp cũng không ngoài khát vọng - cố gắng làm tăng tính hấp dẫn, thiết thực, sinh động của từng tờ báo qua mỗi chủ đề hội thảo. Cứ mỗi lần hội thảo ở từng vùng đất khác nhau, các nhà báo lại được tích lũy thêm vốn sống cho nghề báo khi có dịp khám phá dấu ấn của bề dày lịch sử với những di sản văn hóa đặc sắc. Sức hấp dẫn cũng như tiềm năng, lợi thế tự nhiên của từng địa phương lại được thông tin một cách sinh động trên các ấn phẩm của mỗi tờ báo Đảng. Sự gắn kết của hoạt động tuyên truyền đã và đang góp phần khơi dậy, tạo đà cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên cất cánh.
Ân tình và trách nhiệm cứ đầy hơn sau mỗi lần hội thảo. Những dấu ấn để lại giữa các đồng nghiệp thật ấm áp, tin cậy. Tất cả như một sự mắc nợ cứ neo giữ những người làm báo Đảng ở lại với dải đất miền Trung - Tây Nguyên mến yêu, và nỗ lực phấn đấu cho từng tờ báo ngày càng khởi sắc hơn.
Nhà báo Nguyễn Hồng Hạnh - Phó Tổng Biên tập báo Thừa Thiên Huế: “Cần hơn nữa những vấn đề mang tính sát sườn”
Thân thiện, hòa đồng và dễ chia sẻ. Đó là điều mà tôi cảm nhận được khi gặp gỡ đồng nghiệp tại các hội thảo báo Đảng các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
Có những thay đổi về mặt tổ chức, về cách viết, hình thức trình bày... đã được áp dụng và tạo nên những màu sắc khác - dù ở những mức độ khác nhau - ở các tòa soạn báo mà chúng ta đã có được thông qua các cuộc hội thảo và nhiều hơn, là từ các cuộc trao đổi bên lề. Nhiều nhà báo tham gia diễn đàn này đã nói với tôi rằng, điều quan trọng nhất chính là có thêm những người bạn và tất nhiên, câu chuyện đi “một ngày đàng...” vẫn còn nguyên giá trị của nó.
Có lẽ, một cái nhìn sâu hơn sẽ đến từ các đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm khác. Bản thân tôi chỉ muốn nói rằng, tôi sẽ không từ chối những cơ hội như thế này nếu không quá bận bịu vào những sự vụ nào đó, vì sự nối kết và xê dịch với tôi bao giờ cũng đầy cám dỗ.
Ở hội thảo lần trước tại Phú Yên, Báo Thừa Thiên Huế đã đề xuất ý tưởng thực hiện một công trình nho nhỏ nào đó như một món quà mà các báo trong khu vực để lại cho tỉnh đăng cai. Với sự đồng thuận của các báo trong khu vực, chúng ta sẽ có công trình đầu tiên là một ngôi nhà tình nghĩa. Ở Quảng Nam lần này chắc chắn sẽ có một công trình tiếp nối khác. Trong góc nhìn từ Báo Thừa Thiên Huế, chúng tôi nghĩ rằng, đó cũng là một trong những đề xuất để các cuộc hội thảo và gặp gỡ của chúng ta có dấu ấn cụ thể. Chúng tôi cũng mong muốn có thêm những chia sẻ, đề nghị... về một hình thức mới trong việc thực hiện này, cũng như thống nhất được tên gọi về nó.
Những chủ đề của hội thảo đã được xây dựng trên những tiêu chí chung nhất của báo chí trong khu vực, và nó thường ở tầm vĩ mô hơn cái xảy ra với chúng ta trong công việc hàng ngày. Tại sao không thể có những vấn đề sát sườn hơn, ví dụ cần liên kết để có sự đặt hàng và tổ chức có hiệu quả hơn cho các phóng viên ở các lĩnh vực chuyên sâu về thời sự, văn hóa vùng miền, giới thiệu tiềm năng và điểm đến ở các địa phương trong khu vực? Cách thức tổ chức và hướng đến một tòa soạn đa chức năng như thế nào? Liên kết thông tin giữa các cơ quan báo trên báo điện tử ra sao? Hay việc tổ chức Câu lạc bộ Phóng viên trẻ và tạo điều kiện, cơ hội kết nối từ phía các Ban Biên tập để họ tìm đến nhau trong mối quan tâm chung khi hướng về cộng đồng...
ANH TRÂM (thực hiện)