Vì sự phát triển của Quảng Nam

HÀN GIANG 11/05/2020 11:17

Tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 19 diễn ra cuối tuần qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có báo cáo kết quả tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để hoàn chỉnh dự thảo lần 4 trước khi gửi lấy ý kiến góp ý tại Đại hội đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy và các cơ quan Trung ương.   

Đại biểu thảo luận tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 19 diễn ra cuối tuần qua. Ảnh: N.Đ
Đại biểu thảo luận tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 19 diễn ra cuối tuần qua. Ảnh: N.Đ

Nhiều ý kiến tâm huyết

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho biết, đã có 287 lượt ý kiến tham gia góp ý của các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, văn nghệ sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo và các tầng lớp nhân dân vào dự thảo lần 3 Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII.

Trong đó, Văn phòng Tỉnh ủy trực tiếp lấy ý kiến và nhận được góp ý của 29/37 đồng chí nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy từ năm 1997 đến nay; thông qua kênh MTTQ Việt Nam tỉnh, đã có 68/87 vị chức sắc tôn giáo tham gia góp ý vào dự thảo; Tiểu ban Văn kiện tiếp nhận 175 lượt ý kiến tham gia góp ý của cán bộ, hội viên và văn nghệ sĩ, trí thức tiêu biểu của tỉnh.

Đáng chú ý, đầu tháng 4.2020, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Báo Quảng Nam đã công bố toàn văn dự thảo Báo cáo chính trị trên các ấn phẩm báo in và báo điện tử. Đồng thời mở Diễn đàn “Vì Quảng Nam phát triển” trên các số báo in và Báo Quảng Nam điện tử để lấy ý kiến đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, cán bộ quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu, trí thức, văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân vào dự thảo Báo cáo chính trị. Qua đó, đã tiếp nhận được hơn 15 bản góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, các nhà quản lý, nghiên cứu, nhà báo, văn nghệ sĩ, trí thức và hàng trăm lượt ý kiến của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng - Tổ trưởng Tổ biên tập dự thảo Báo cáo chính trị đánh giá, các ý kiến tham gia góp ý rất tâm huyết, trách nhiệm vì sự phát triển của Quảng Nam. Hầu hết ý kiến đánh giá cao việc chuẩn bị nội dung dự thảo lần 3, cho rằng dự thảo lần này được viết khá công phu, có kết cấu bố cục hợp lý, lối trình bày chặt chẽ, logic. Các mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị... được phân tích đánh giá khá bao quát làm rõ được những thành tựu cũng như hạn chế, khuyết điểm nhiệm kỳ qua; phần mục tiêu, giải pháp rõ ràng, có tính khả thi cao, qua đó, phản ảnh cụ thể và làm nổi bật chủ đề của dự thảo Báo cáo chính trị.

“Tổ biên tập đã tiếp thu tối đa ý kiến, trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho ý kiến để hoàn chỉnh trước khi tiếp tục gửi lấy ý kiến góp ý tại Đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương, các cơ quan Trung ương” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nêu rõ.

Tiếp tục góp ý

Tham gia góp ý xây dựng hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị lần 4, các ý kiến đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét lại một số nội dung liên quan đến những nhóm chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, nhất là mối tương quan giữa tốc độ tăng trưởng GRDP 6,5% và thu nhập bình quân đầu người tính theo thu nhập thực tế đến năm 2025, hay những chỉ tiêu về xã hội.

Ông Nguyễn Phi Thạnh - Bí thư Huyện ủy Phú Ninh băn khoăn và đặt vấn đề chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người tính theo thu nhập thực tế đến năm 2025 của tỉnh đạt khoảng 79 triệu đồng, nhưng đề ra tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh 6,5% liệu có khả thi.

“Trong dự thảo Báo cáo chính trị lần này cũng đề cập định hướng phát triển du lịch tây nam của tỉnh. Vậy nên trong chương trình hành động cụ thể hóa nghị quyết cần đưa định hướng phát triển du lịch hồ Phú Ninh vào, để trên cơ sở đó, địa phương huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch hồ Phú Ninh” - ông Thạnh nói.

Bà Huỳnh Thị Thùy Dung - Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My nói, các nhóm chỉ tiêu xã hội luôn khó thực hiện, lại thiếu tính bền vững. Vì vậy, tỉnh cần có sự đánh giá đầy đủ, cụ thể về kết quả giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đào tạo lao động, giải quyết việc làm, từ đó đưa ra được chỉ tiêu sát đúng và có những giải pháp mới, hiệu quả để triển khai thực hiện hoàn thành.

Quyết tâm xóa nhà tạm

Về các ý kiến khác nhau của đại diện lãnh đạo ngành, địa phương liên quan chỉ tiêu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh không còn nhà tạm bợ, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường chia sẻ, đến năm 2025 là tròn nửa thế kỷ đất nước được giải phóng, nhưng nếu để cho người dân vẫn còn ở nhà tạm bợ thì chúng ta có lỗi với nhân dân. Việc đưa ra chỉ tiêu này thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của tỉnh, nhằm tập trung mọi nguồn lực để thực hiện.

Sau khi nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh được ban hành, chương trình hành động của Tỉnh ủy sẽ giao cho HĐND tỉnh xây dựng nghị quyết về vấn đề xóa nhà tạm. Các tổ chức mặt trận, đoàn thể vào cuộc vận động xã hội hóa cùng với vốn ngân sách và đóng góp của gia đình để thực hiện, quyết tâm đến năm 2025 cơ bản xóa nhà tạm trên địa bàn tỉnh. Các địa phương thành phố hưởng ứng làm trước, rồi lan tỏa ra các địa phương đồng bằng, sau đó đến các huyện miền núi thực hiện.

“Đến nay nhà ở cho gia đình chính sách có công cách mạng đã được giải quyết cơ bản, bây giờ còn lại các gia đình khó khăn, đây phải là trách nhiệm đặt lên vai 53 đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Quyết tâm này phải đi vào thực tiễn cuộc sống. Khi công tác tại cơ sở tôi vẫn day dứt với nhiều căn nhà của người dân còn sơ sài quá, thiếu vững chãi, ngó phía trước thấy phía sau. Căn nhà có ý nghĩa với mỗi hộ gia đình, có an cư mới lạc nghiệp được. Các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới, các ngành, địa phương cùng hạ quyết tâm, phân kỳ ra để làm cho tốt” - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vì sự phát triển của Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO