Với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em”, Tháng hành động vì trẻ em (từ ngày 1 - 30.6) năm nay được các cấp, ngành, địa phương hưởng ứng, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong cộng đồng.
Những tín hiệu tích cực
Ông Trần Văn Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, trong 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất nhiều sự phát triển của trẻ em. Nhưng bằng sự nỗ lực vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn huyện Đại Lộc đạt nhiều kết quả tích cực.
Tất cả trẻ em đến tuổi được đi học mẫu giáo, có 100% trẻ em trong độ tuổi hoàn thành bậc THCS, có 95% số trẻ em được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng dịch…
TP.Tam Kỳ cũng đã tổ chức phát động triển khai Tháng hành động vì trẻ em với những hoạt động ý nghĩa.
Ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, trong những năm qua, Tam Kỳ luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em trên địa bàn thành phố thực hiện có hiệu quả thông qua các hình thức diễn đàn, hội thi, tập huấn, truyền thông và hoạt động của câu lạc bộ, nhóm của trẻ em tại cộng đồng, trường học…
“Từ đó nhận thức của trẻ em từng bước được nâng cao; quyền của trẻ em ngày càng được khẳng định và bảo vệ. Các em được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị xâm hại, để tự chăm sóc bản thân.
Đặc biệt, các em có nhiều cơ hội và tham gia nhiều hoạt động có sự tham gia của trẻ em. Các em ngày càng có điều kiện bày tỏ ý kiến, khẳng định bản thân qua các hoạt động liên quan dưới nhiều hình thức” - ông Nguyễn Hồng Lai nói.
Hiện nay, Quảng Nam đã hình thành mạng lưới và hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại các địa phương cấp xã. Chính vì vậy, các vụ việc vi phạm quyền trẻ em được giải quyết kịp thời cũng như giảm tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại trong thời gian qua.
“Công tác thông tin tuyên truyền về trẻ em được đẩy mạnh. Công tác huy động nguồn lực xây dựng các điểm vui chơi, công trình nước sạch, nhà vệ sinh, phẫu thuật tim, tặng xe đạp, tặng quà, trao học bổng… cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số được cấp ngành, địa phương quan tâm” - bà Lưu Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết.
Chung tay bảo vệ
Với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em”, Tháng hành động vì trẻ em năm nay đưa ra 8 thông điệp cụ thể để các địa phương tổ chức truyền thông.
Từ “trẻ em phải được an toàn trong ngôi nhà của mình”; “roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng”, “hãy lên tiếng để ngăn chặn mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em”... thông qua các hình thức sinh hoạt, chuyển tải tinh thần này đến với người chăm sóc trẻ cũng như tạo kỹ năng để trẻ em tự bảo vệ mình.
Tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 tổ chức tại Đại Lộc vào hôm qua 31.5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu thời gian tới, các ngành chức năng, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em cũng như tập trung hoạt động giáo dục cho trẻ về kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình, phòng chống đuối nước, định hướng cho trẻ em sử dụng internet vào các hoạt động có ích, thiết thực.
“Tiếp tục duy trì và phát huy tốt vai trò, chức năng của các Văn phòng tư vấn trẻ em, điểm tư vấn cộng đồng và điểm tư vấn trường học; phát triển mô hình ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn nhằm cải tạo môi trường sống bảo đảm an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em trong dịp hè.
Ngoài sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương, công tác chung tay của ngành, đoàn thể thì phải tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nói.
Tạo môi trường lành mạnh, an toàn để trẻ phát triển là mục đích cuối cùng trong mọi hoạt động dành cho trẻ em. Do đó, Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh đã yêu cầu mỗi địa phương cần xây dựng kế hoạch chăm sóc, bảo vệ trẻ phù hợp, sát điều kiện thực tiễn, giải quyết những vấn đề tồn đọng tại địa phương.
Phát huy hiệu quả các nguồn lực nhà nước và xã hội hóa đầu tư cho trẻ, nhất là trẻ em khó khăn cần được đỡ đầu, nuôi dưỡng... Bảo vệ trẻ em ở mọi hoàn cảnh, mọi cấp độ, vì sự phát triển của mỗi đứa trẻ, là trách nhiệm của những người lớn hôm nay...