Hôm nay 18.10, Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Quảng Nam lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2016 - 2021) chính thức khai mạc. Trước thềm Đại hội, phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với bà Trương Thị Lộc - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh về những kết quả nổi bật trong hoạt động hội 5 năm qua cũng như những định hướng lớn thời gian đến.
Nhiều hoạt động ý nghĩa Vì sự tiến bộ phụ nữ đã được Hội LHPN Quảng Nam triển khai sôi nổi trong nhiệm kỳ qua. TRONG ẢNH: Tặng quà cho Mẹ VNAH. Ảnh: VINH ANH |
PV: Thưa bà, hoạt động của phụ nữ Quảng Nam có những dấu ấn nổi bật nào trong 5 năm qua?
- Bà Trương Thị Lộc: Có 3 dấu ấn lớn mang tính đột phá trong hoạt động của phụ nữ Quảng Nam 5 năm qua đó là: phong trào thi đua yêu nước gắn với các cuộc vận động và phong trào hiện có tại địa phương, nhất là gắn kết rất chặt chẽ với việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; hoạt động hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo bền vững; việc triển khai cuộc vận động gia đình “5 không 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Trong đó, phong trào thi đua yêu nước gắn với các cuộc vận động, nhất là việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã tạo sức lan tỏa, tác động đến các tầng lớp hội viên phụ nữ, qua đó thay đổi cách nghĩ, cách làm, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo bền vững cũng là nội dung trọng tâm được các cấp hội ưu tiên hàng đầu, thông qua các hoạt động: tập huấn nâng cao kiến thức, chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, buôn bán; trao phương tiện sinh kế phụ nữ nghèo… Qua đó, không chỉ huy động được nguồn lực rất lớn từ phía hội viên phụ nữ và bản thân phụ nữ nghèo mà nó còn tác động đến toàn xã hội. Từ đó, đời sống của hội viên phụ nữ được nâng lên rõ nét; đồng thời khẳng định vai trò của tổ chức hội trong thu hút hội viên đến với hội, nhất là hội viên nghèo, hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
PV: Những khó khăn, tồn tại nào trong hoạt động phụ nữ cần phải khắc phục, thưa bà?
- Bà Trương Thị Lộc: Đó là phong trào hội phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, tình trạng bạo lực gia đình đối với phụ nữ trẻ em vẫn còn xảy ra, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống có chiều hướng gia tăng. Đời sống của hội viên phụ nữ miền núi còn gặp khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, điều kiện để chị em tiếp cận, cải thiện mức sống còn nan giải. Trong khi đó, việc tập hợp hội viên, sinh hoạt thường xuyên còn thấp, một bộ phận phụ nữ chưa mặn mà với tổ chức hội. Công tác nắm bắt tình hình tư tưởng hội viên có lúc chưa kịp thời; một bộ phận phụ nữ còn tự ti an phận, trông chờ ỷ lại, nhất là phụ nữ vùng cao. Công tác bình đẳng giới tuy đạt nhiều kết quả nhưng bình đẳng giới trong tham chính còn hạn chế, phụ nữ yếu trong khả năng thương thuyết, diễn thuyết; tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, HĐND so với các tỉnh, thành phố trong khu vực của cụm thi đua còn thấp. Đặc biệt là việc tập hợp hội viên phụ nữ trong khu - cụm công nghiệp chưa được quan tâm, chú ý…
PV: Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, bà có thể cho biết những định hướng lớn trong hoạt động phụ nữ nhiệm kỳ đến?
- Bà Trương Thị Lộc: Hoạt động Hội LHPN Quảng Nam 5 năm đến tập trung trong khâu đột phá về hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và công tác cán bộ. Cụ thể, hội sẽ tập trung nguồn lực cho miền núi, kể cả công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, các chương trình mục tiêu, nhằm thay đổi cách suy nghĩ và hành vi của phụ nữ. Với khâu đột phá về công tác cán bộ tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp về kỹ năng hoạt động, trình độ, năng lực, khả năng tổng hợp thực tiễn, nắm bắt dư luận, xử lý tình huống phát sinh từ cộng đồng. Bên cạnh đó, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh sẽ bám vào những nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND tỉnh cũng như định hướng trung ương để tập trung khai thác các nguồn lực, đẩy mạnh các hoạt động cho phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, trao phương tiện sinh kế…
PV: Bà có đề xuất, kiến nghị gì để hoạt động hội ngày càng hiệu quả?
- Bà Trương Thị Lộc: Quảng Nam là tỉnh có địa giới hành chính nhiều, địa bàn rộng, tỷ lệ hộ nghèo cao, nên mong muốn Trung ương Hội LHPN Việt Nam tăng cường những chương trình, dự án về nâng cao kiến thức, hỗ trợ phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số về bình đẳng giới, ứng phó biến đổi khí hậu, những mô hình đào tạo chuyên sâu... Tôi cũng mong các cấp ủy đảng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cần đặc biệt quan tâm hoạt động hội phụ nữ; kịp thời định hướng chỉ đạo để hội có hướng đi sát, phù hợp với thực tiễn, nhất là ở cơ sở. Đồng thời các cấp ủy đảng cần quan tâm, tạo điều kiện ban hành đề án về đào tạo cán bộ nữ nói chung và đội ngũ cán bộ hội nói riêng để chị em nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Ngoài ra cũng cần quan tâm đến vấn đề bổ nhiệm đội ngũ cán bộ nữ nhằm tăng cường tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào bộ máy lãnh đạo, quản lý các cấp…
VINH ANH (thực hiện)