Vì sức khỏe ngư dân

Nguyễn Quang Việt 03/05/2013 08:16

Sản xuất trên các vùng biển xa, ngư dân luôn phải đối mặt với các nguy nan về sức khoẻ. Giúp ngư dân trang bị các kỹ năng y tế cơ bản là điều cần thiết hiện nay.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và đại diện Báo Tuổi trẻ trao tủ thuốc cho ngư dân qua chương trình “Chung tay vì sức khỏe ngư dân”.  Ảnh: Q.VIỆT
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và đại diện Báo Tuổi trẻ trao tủ thuốc cho ngư dân qua chương trình “Chung tay vì sức khỏe ngư dân”. Ảnh: Q.VIỆT

Nhiều mối nguy

Chuẩn bị xuất cảng khai thác xa bờ bằng nghề câu mực khơi ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa), ông Lê Văn Thúy (thôn Thuận An, Tam Giang, Núi Thành), chủ tàu cá QNa 91379 có công suất 600CV, dặn dò các thuyền viên trên tàu kiểm tra lại tủ thuốc và phân loại rõ ràng các ngăn chứa thuốc đau đầu, sốt, cảm… để tiện dùng khi cần. Ông Thúy cho biết, khai thác hải sản cả mấy tháng trời trên vùng biển xa nên anh em lúc nào cũng đề phòng các bệnh có thể xảy đến trong quá trình sản xuất. “Ai cũng biết rằng, hễ bị bệnh thì không thể sản xuất được; đã thất thu mà lại ảnh hưởng đến người khác nên mọi sinh hoạt, ăn uống của anh em trên tàu đều hết sức kỹ lưỡng. Tuy nhiên, có điều bất khả kháng là do đặc thù của nghề câu mực khơi, chỉ sản xuất vào ban đêm mà ban ngày phải canh chừng phơi mực nên từ nhiều năm nay, các lao động của nghề thường phải đối mặt với những cơn đau đầu kéo dài do thiếu ngủ. Mỗi lần như vậy, chúng tôi chỉ biết uống thuốc, cố gắng nghỉ ngơi rồi lại làm việc tiếp chứ không thể làm gì hơn”.

Nghề câu mực khơi bắt buộc mỗi lao động phải làm việc trong những điều kiện hết sức khắc nghiệt. Anh Trần Văn Lý, một người đi “bạn” ở thôn Thuận An, xã Tam Hải (Núi Thành) kể rằng, mỗi lao động phải một mình một thúng trên biển. Mặc sóng, mặc gió, mặc mưa, người đi câu chỉ chăm chắm nhìn vào điểm thả rường câu để canh mồi. “Suốt đêm không nghỉ, người đi câu luôn ở trong trạng thái lâng lâng, lơ ngơ như bị mộng du. Đã bao lần tôi suýt chết vì đang ngồi trên thúng nhưng lại có cảm giác như đang ngủ ở trên giường. Lúc đó định bước chân xuống mới giật mình rụt lại... Có nhiều trường hợp vì quá buồn ngủ, một số người đã tự rớt xuống biển mà chết” - anh Lý nói.

Khai thác hải sản dài ngày tại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, các lao động của nghề lưới vây cũng luôn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy. Ông Huỳnh Tèo (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành), tài công tàu QNa 90398 có công suất 450 CV cho biết, lao động nặng cách rất xa đất liền nên những khi bị bệnh, hay gãy tay, gãy chân nên ngư dân rất lo sợ. Do không biết phải xử lý thế nào, nên lái tàu chọn cách cho tàu chạy nhanh vào đảo gần nhất nhờ sơ cứu hoặc chạy thẳng về đất liền để chữa trị. Khi được hỏi về các kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản như hô hấp nhân tạo khi không may bị ngạt nước hoặc băng bó cho các trường hợp gãy tay, chân… các ngư dân đều trả lời là không biết.

Hỗ trợ cần thiết

Với mục tiêu bảo đảm cho người dân ở vùng biển, đảo được tiếp cận các dịch vụ y tế, nâng cao sức khỏe, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020”. Đề án khái quát nhiều nội dung quan trọng: nâng cao nhận thức và năng lực quản lý nhà nước về y tế biển; củng cố và phát triển cơ sở y tế dự phòng; phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh. Cùng với đó, công tác tổ chức mạng lưới vận chuyển, cấp cứu; phát triển nguồn nhân lực cho y tế biển, đảo; xây dựng chính sách về tài chính, đầu tư cho y tế phù hợp với đặc thù của vùng biển, đảo; tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân vùng biển đảo cũng được chú trọng.

Theo ông Nguyễn Tin - Chủ tịch UBND xã Tam Quang, do tận dụng từng khoảng thời gian có được để bám biển nên rất ít khi ngư dân trên địa bàn xã có điều kiện đọc sách, báo, tìm hiểu cách sơ cứu cho các trường hợp không may bị bệnh, tai nạn lao động trong quá trình sản xuất trên biển. Trong khi đó, ngư dân trên địa bàn xã lại chưa hề được tuyên truyền, tập huấn hay giúp đỡ gì về các kiến thức y tế phổ thông. “Cách đây không lâu, có trường hợp ngư dân trên địa bàn xã chết do nhiễm bệnh trong quá trình sản xuất trên biển mà không được cứu chữa kịp thời. Để tránh các trường hợp đáng tiếc như vậy, rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của ngành y tế tỉnh, huyện” - ông Tin nói.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam kiêm Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh cho biết, trong thời gian đến, tàu cá của ngư dân Quảng Nam sẽ được trang bị tủ thuốc và các trang thiết bị y tế theo các quy định quốc gia và quốc tế. Ngư dân trong các tổ, đội đoàn kết khai thác hải sản trên biển cũng sẽ được tập huấn để biết cách sơ cấp cứu trên biển. Ông Tấn nói: “Trong thời gian đến, sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, truyền thông, trang bị kiến thức cho người dân vùng biển, đảo để họ có thể tự bảo vệ sức khỏe cho mình. Ngoài ra, với các kiến thức về y tế phổ thông qua các buổi tập huấn, ngư dân cũng sẽ biết sơ cấp cứu và đưa người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển, đảo khi gặp rủi ro”.

Nguyễn Quang Việt

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vì sức khỏe ngư dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO