Vùng núi, vùng biên giới của tỉnh địa hình hiểm trở, dân cư thưa thớt, nên việc tuyên truyền cho nhân dân thay đổi nhận thức là cả một quá trình của những người làm công tác y tế nơi đây.
Nhiều năm qua, để người dân tin vào chính sách, tin vào việc trị bệnh bằng khoa học kỹ thuật hiện đại, là cả quá trình nỗ lực, phối hợp từ đội ngũ y bác sĩ, cán bộ xã, thôn, chiến sĩ biên phòng.
Tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân ở vùng núi, biên giới xa xôi, chỉ có cách bám bản làng để vận động, phổ biến chính sách. Khi các chính sách về y tế, cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí thực sự mang lại lợi ích thiết thân, người dân tin theo thì mọi sự sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Bám bản làng để tuyên truyền
Với bác sĩ Bờ Nước Ngân - Trưởng Phòng khám Đa khoa Chà Val (huyện Nam Giang), từ khi gắn với ngành y là gắn với việc bám bản làng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đại úy, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí - Phó Trưởng Phòng khám Đa khoa Quân - Dân y A Xan chia sẻ, bây giờ người dân vùng biên giới đã tin ở y bác sĩ nhiều hơn nhờ nhiều lần đội ngũ y bác sĩ của phòng khám đã cứu sống kịp thời các trường hợp vì mâu thuẫn gia đình mà tự tử, bị trâu húc, hay đẻ khó.
Thời gian gần đây dịch bệnh nhiều, người dân đã tìm đến phòng khám để được khám, cấp thuốc, hướng dẫn cách trị bệnh mau khỏi. Họ đã bỏ dần việc cúng bái, vừa tốn kém lại vừa không hết bệnh.
Cùng với tuần tra, đảm bảo an toàn vùng biên, chiến sĩ biên phòng cũng kết hợp giúp dân, tuyên truyền trong dân về chính sách cấp BHYT của Nhà nước.
Từ đó người dân tin vào chính sách, tin vào bác sĩ, được chăm sóc sức khỏe tốt hơn thì mới phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Từ năm 1994, bác sĩ Ngân đã lặn lội đến từng nóc nhà người dân ở các bản làng xa xôi nhất ở các xã La Dêê, La Êê, Đắc Tôi, Chà Val để tuyên truyền chính sách chăm sóc sức khỏe, những lợi ích mà thẻ BHYT mang lại cho nhân dân.
Bác sĩ Ngân cùng 21 y, bác sĩ tại phòng khám và đội ngũ y tế thôn bản, cán bộ xã đã kiên trì tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, tin tưởng vào chính sách của Nhà nước.
Bác sĩ Ngân nhớ lại: “Hồi ấy, cuộc sống còn nhiều khó khăn, người dân chỉ quan tâm cái ăn cho khỏi đói, chứ chưa quan tâm đến sức khỏe. Việc người dân cúng ma rừng khi bị bệnh là phổ biến, đẻ ở nhà, đau cũng tự chữa ở nhà. Trường hợp đẻ khó thì người nhà mới chạy lên trạm gọi y sĩ.
Bất kể ngày hay đêm, khi họ gọi nghĩa là họ có niềm tin vào y bác sĩ, mình phải đến tận nhà để đỡ đẻ hay khám bệnh, cấp thuốc. Đường đi khó khăn, toàn là đi bộ, mùa mưa phải băng rừng vượt suối, gấp gáp quá có lúc tới không kịp, nên trẻ bị chết ngạt do mẹ đẻ khó. Sau này y bác sĩ phải giải thích, động viên để người dân đến trạm y tế khám chữa bệnh”.
Những năm gần đây, theo lời bác sĩ Ngân, vẫn còn xảy ra việc người dân vừa khám chữa bệnh vừa tin thầy bói ở làng. Hay vẫn còn việc sản phụ khi có thai không đi khám, đến khi đau bụng thì mới vội tới phòng khám nên xảy ra việc đẻ rớt trên đường, khiến trẻ bị ngạt, đẻ thiếu tháng.
Những tình huống này xảy ra, y bác sĩ của phòng khám phải tiếp cứu, hỗ trợ xử lý ngay khi nhận được tin báo. Sau những sự việc như thế, người dân được giải thích, tuyên truyền cặn kẽ hơn về việc chăm sóc sức khỏe bản thân, sức khỏe mẹ và bé.
“Và cũng từ những sự vụ thực tế, việc tuyên truyền cho nhân dân trở nên hiệu quả hơn. Bởi họ sợ khi đi khám chữa bệnh sẽ tốn tiền, không có tiền nên không dám đến phòng khám. Chúng tôi phải giải thích, người dân đã có thẻ BHYT, nên đi khám chữa bệnh không tốn tiền, đã có Nhà nước lo” - bác sĩ Ngân cho hay.
Việc khám chữa bệnh cho người dân ở các xã vùng biên giới huyện Nam Giang vẫn còn nhiều khó khăn khi không có xe cấp cứu tại chỗ. Mỗi lần có bệnh nhân bệnh nặng, phải chuyển tuyến trên thì phải gọi xe cấp cứu ở huyện chạy lên, rất lâu.
Gặp tình trạng bệnh gấp quá, phòng khám đành phải gọi xe bên ngoài chở đi, chỉ hỗ trợ y sĩ đi kèm, còn tiền xe người dân phải trả. Nhiều lúc như thế người nhà bệnh nhân không chịu, gây khó dễ cho phòng khám, các bác sĩ lại phải giải thích để người dân hiểu mà thông cảm cho điều kiện cấp bách.
Quân - dân y kết hợp
Trên trục đường lên biên giới Tây Giang, Phòng khám Đa khoa Quân - Dân y A Xan được đầu tư mới khang trang. Ở vùng biên giới, vào mùa nắng việc đi lại còn dễ khi đã có đường bê tông từ trung tâm huyện đến 4 xã biên giới A Xan, Ga Ry, Ch’Ơm, Tr’Hy.
Nhưng vào mùa mưa, khi nước lớn băng qua những con suối cắt ngang đường, hay những quả núi có thể sạt xuống, vùi lấp đường đi bất kể khi nào, gây chia cắt cục bộ. Vì thế mà tất cả việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đều trông chờ vào phòng khám.
Đại úy, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí - Phó Trưởng Phòng khám Đa khoa Quân - Dân y A Xan cho hay, phòng khám hiện có 8 người, trong đó có 3 quân y và 5 dân y. Bằng tinh thần trách nhiệm với nhân dân, đội ngũ quân - dân y luôn cố gắng học hỏi để có thể xử lý được càng nhiều trường hợp bệnh nặng càng tốt, giúp người dân được chăm sóc tại chỗ, hạn chế việc phải chuyển viện vì điều kiện xa xôi, khó khăn. Phòng khám đã được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, có 1 xe cấp cứu.
Y bác sĩ đang trong quá trình học hỏi, nhận chuyển giao kỹ thuật để làm chủ trang thiết bị, điều trị bệnh cho người dân vùng biên giới hiệu quả hơn, không phải chuyển viện trong điều kiện xa xôi, đặc biệt mùa mưa bão xe cứu thương cũng không thể di chuyển được.
Trải qua nhiều biến cố trong việc tự chữa bệnh bằng việc cúng bái hay hái lá rừng, cùng với sự tuyên truyền kết hợp bởi y bác sĩ, bộ đội biên phòng, cán bộ xã, cán bộ bảo hiểm xã hội hay tuyên truyền viên ngành bảo hiểm xã hội, người dân đã nhận rõ quyền lợi mà họ được thụ hưởng.
Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để người dân không hoang mang, lo lắng, chính quyền xã A Xan đã cùng với đội ngũ y bác sĩ, bộ đội biên phòng ngày đêm giúp dân phòng chống dịch bệnh, tuyên truyền về chính sách chăm sóc sức khỏe nhân dân bằng thẻ BHYT để người dân hiểu và tin tưởng vào y bác sĩ để đi khai báo, chữa bệnh.
Ông Tơ Ngôl Thiếu - Chủ tịch UBND xã A Xan cho biết, người dân xã A Xan cũng như 3 xã ở vùng biên giới của huyện Tây Giang, khi có bệnh đều đến Phòng khám Đa khoa Quân - Dân y A Xan. Từ khi phòng khám còn chưa được đầu tư hiện đại như bây giờ, người dân đã được chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt rồi, giúp xã rất nhiều trong việc tuyên truyền thay đổi nhận thức của nhân dân. Bây giờ phòng khám được đầu tư hiện đại hơn, y bác sĩ cũng nhiều hơn thì hơn 2.000 người dân của xã cũng được thụ hưởng dịch vụ y tế tốt hơn.
“Người dân sẽ không phải chuyển tuyến khi bệnh nặng nếu được chữa trị tại chỗ, mùa mưa bão cũng yên tâm hơn nhiều. Sức khỏe người dân được chăm sóc, thể trạng được nâng cao sẽ giúp cho việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Không còn bệnh tật sẽ hạn chế được đói nghèo trong nhân dân” - ông Thiếu nói.
-------------------------------
Bài cuối: Quyết sách nhân văn