(Xuân Quý Mão) - Một chiều cuối năm, gió se se thổi tung nón lá của bà Ba Liên đang cuốc bộ trên đường thôn. “Cho bác quá giang sang nhà bà Bảy cái”. Bà sấp ngửa đi mượn cái khuôn bánh thuẫn đúc bằng gang. Cái khuôn ấy bây giờ đã trở thành hàng hiếm, vào những ngày giáp tết được lôi ra cọ rửa rồi chuyền hết nhà nọ đến nhà kia trong cái xóm Quảng này.
Xóm trước đây là nông trường mía thuộc TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Về sau, đất được phân chia cho công nhân nông trường, hầu hết là người Quảng Nam đi lập nghiệp. Những gia đình đã ổn định lại dắt díu anh em, chòm xóm từ quê vào cùng sinh sống. Đôi lúc cảm tưởng họ “bứng” nguyên xóm cũ vào đặt ở đây, bứng luôn cả những điều thân thuộc như hương vị quê nhà.
Xóm Quảng xa quê lo tết
Xóm vui hơn vào những ngày rộn ràng chuẩn bị tết. Chừng đầu tháng Chạp, tôi đã thấy bà Ba Liên, ông Lộc phơi bột bình tinh. Bột bình tinh làm công phu, chẳng mấy ai còn đủ kiên nhẫn để tuân thủ từng công đoạn, từ đào củ, lột vỏ lụa, rửa rồi xay, lắng, lọc lấy bột, phơi nắng… Nhưng bột thành phẩm thì nguyên chất, trắng ngà, thơm ngây ngất, không loại nào khác có thể sánh bằng cho món bánh thuẫn đúng vị miền Trung.
Tầm 20 tháng Chạp, ngang qua xóm Quảng, trước sân nhà ai cũng phơi vài nong hành kiệu, củ quả làm dưa món..., thấy nôn nao là tết. Năm nào bà Ba Liên cũng mang sang cho nhà tôi một hai hũ dưa món. Khác với dưa hành, dưa món người Quảng giòn sần sật, đủ vị chua cay mặn ngọt. Dưa để càng lâu càng ngấm nước mắm, vị trở đậm đà, để ăn cả năm không lo nổi váng.
Rộn ràng nhất là những ngày 28 - 29 tháng Chạp - khi xóm bắt đầu mổ heo và gói bánh tét. Cứ vài nhà gần nhau tụm lại ăn đậu một con heo. Heo mổ lúc sáng sớm, chia thịt đều cho từng gia đình. Phần nội tạng thì đem nấu nồi cháo to, trẻ con người lớn cùng ngồi lại xì xụp cho ấm.
Cũng ngày hôm ấy, thể nào vườn chuối sứ nhà ông Nguyện cũng trở nên nhộn nhịp. Hết nhà này đến nhà khác sang lấy lá chuối về gói bánh tét. Ở xứ nắng gió này, lá của những cây chuối đứng đơn độc thường bị gió quật rách te tua, không thể dùng gói bánh. Chỉ có vườn chuối nào khuất gió, cây lá chen vào nhau mới giữ được sự lành lặn. Nó cũng giống như những con người xa xứ ở xóm Quảng, đoàn kết bao bọc nhau, cùng sống an ổn mấy mươi năm.
Trưa chiều, khi nếp, đậu xanh, thịt mỡ, lá chuối, lạt tre đã bày ra đầy đủ, các ông bà vừa gói bánh tét vừa ôn lại những ngày Điện Bàn, Đại Lộc… bom đạn trút xuống như mưa rào. Đám con cháu ở xa cũng đã trở về, ngồi túm tụm vừa nghe người lớn kể chuyện, vừa phụ buộc lạt. Chiếc nồi to cả năm không đụng đến giờ mới được dịp đem ra để luộc bánh suốt một ngày đêm. Vớt bánh tét xong, than vẫn còn đỏ rực, tha hồ đổ bánh thuẫn.
Tất thảy là người thân
Bánh thuẫn là loại bánh làm công phu và dùng toàn những dụng cụ từ thời “Napoleon”: cái khuôn bằng gang bị móp méo, cả xóm còn sót đúng một cái, cái lò xo đánh trứng ngày thường vốn nằm im lìm trong kho, thố nhôm xỉn màu to gần bằng cái thau. Những dụng cụ cũ kỹ, từng được các bà lỉnh kỉnh mang từ quê vào giờ thành quý hiếm, nhà này làm xong lại chuyền sang nhà khác.
Các bà dùng lò xo đánh ba bốn chục cái trứng gà ta với đường cát. Đường, trứng tan đều rồi mới rây bột bình tinh vào, thêm nước cốt gừng sẻ - loại củ nhỏ mà thơm cay mới “đủ đô”. Các nguyên liệu hòa quyện, đổ vào khuôn gang, gặp than đủ độ nóng sẽ bung xòe như hoa nở. Đó cũng là lúc mùi bánh nướng lan tỏa, thơm lừng cả một buổi chiều xóm Quảng.
Hai chín, ba mươi tết, trong nhà đã đầy đủ bánh tét, dưa món, thịt heo ngâm nước mắm, bàn bày thêm bánh tổ, mứt dừa, mứt gừng, bánh thuẫn… Mọi người thảnh thơi tay chân thì lại “bận” đi ăn tất niên nhà bà con, chòm xóm, bận chào hỏi, bận rôm rả nói cười. Cả năm ai cũng xoay vần với cơm áo, bữa cơm tất niên là dịp cho tình thân, dẫu không hẳn là bà con họ hàng.
Giọt máu đào đôi khi không da diết bằng chung tiếng mẹ đẻ, bằng thuở cùng khai khẩn xóm ấp, an ủi nhau đi qua bao mùa mưa nắng. Ở xóm Quảng này, tất thảy là người thân...