Vị thế Quảng Nam trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Tiềm năng và khả năng bứt phá

LÊ QUÝ ĐẠT 23/04/2020 09:26

LTS: Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII (Báo Quảng Nam đã công bố toàn văn) đặt ra mục tiêu đưa Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.Báo Quảng Nam mở “Diễn đàn vì Quảng Nam phát triển”, với mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến, đề xuất tâm huyết, trách nhiệm của các nhà quản lý, chuyên gia, trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo và các tầng lớp nhân dân nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu nêu trên. Bài tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ “toasoan@baoquangnam.vn”, chuyên mục “Diễn đàn vì Quảng Nam phát triển”).

Quảng Nam đứng ở đâu trong trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung? Câu trả lời không chỉ bằng con số vị thứ mà còn ở kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Tất nhiên, không ai mong muốn dừng lại ở “cột mốc” vị thứ hiện có bởi nhu cầu phát triển luôn tăng cao, vì vậy Quảng Nam cần có giải pháp hiệu quả hơn để khai phá tiềm năng, tạo khả năng bứt phá trong giai đoạn tới.

Đồ họa: PHƯƠNG THẢO
Đồ họa: PHƯƠNG THẢO

Qua hơn 4 năm nhìn lại (2016 - 2019), thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã đạt được những kết quả quan trọng và cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật phát triển kinh tế nhanh đã tạo động lực thúc đẩy cải thiện các vấn đề xã hội, môi trường ngày càng bền vững.

Quảng Nam đứng ở đâu?

Quảng Nam những năm đầu nhiệm kỳ (2016 - 2019) với tốc lực tăng trưởng rất nhanh do nhiều yếu tố tác động thuận lợi, nhiều dự án lớn được thu hút đi vào hoạt động hiệu quả, đặc biệt lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất điện, dịch vụ du lịch… Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 2 năm (2015 - 2016) đạt mức rất cao trên 2 con số (+25%/năm), riêng khu vực công nghiệp tăng hơn 30% và tăng chủ yếu đối với công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô (chiếm hơn 60% tổng sản lượng kinh tế), nhờ đó đã đẩy nhanh quy mô nền kinh tế đạt mức gần 77 nghìn tỷ đồng (năm 2016), gấp 2,7 lần so với năm 2010. GRDP bình quân đầu người lần đầu tiên vượt mức bình quân chung của cả nước và khu vực (Quảng Nam: 2.323 USD; cả nước: 2.215 USD).

Những năm tiếp theo (2017 - 2018 - 2019) trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, các hiệp định thương mại mới được thực hiện (áp dụng giảm các khoản thuế xuất nhập khẩu), cạnh tranh diễn ra mạnh mẽ giữa hàng hóa nội - ngoại, tạo nên thế cân bằng mới giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Bên cạnh đó quy mô sản xuất đã đạt ngưỡng đặc biệt đối với những lĩnh vực có năng lực tăng mới và giá trị gia tăng lớn như công nghiệp ô tô, sản xuất điện, sản xuất đồ uống… Và thời điểm này quy mô nền kinh tế đã đạt ở mức cao, do đó những năm tiếp theo khi chưa có các dự án lớn đi vào hoạt động nên nền kinh tế tiếp tục tăng nhưng chậm lại, bình quân 2017 - 2019 GRDP tăng 5,7%.

Bình quân cả giai đoạn 2016 - 2019 tốc độ tăng trưởng kinh tế Quảng Nam đạt hơn 11%, đây là tốc độ tăng cao nhất so với khu vực 5 tỉnh, thành khu vực kinh tế trọng điểm và thứ nhì so với 14 tỉnh, thành Duyên hải miền Trung; trong khi đó tăng trưởng của cả nước chỉ đạt mức 6,8%; bình quân cả khu vực 5 tỉnh, thành chỉ đạt mức 6,9%, 14 tỉnh, thành tăng 7,1%...

Đến năm 2019 quy mô nền kinh tế Quảng Nam đạt hơn 99 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 3,9 tỷ USD, đứng thứ nhì sau Đà Nẵng trong khu vực 5 tỉnh, thành và đứng thứ 4/14 tỉnh, thành khu vực Duyên hải miền Trung (sau Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng). GRDP bình quân đầu người đạt mức 2.847 USD, cao hơn mức bình quân chung khu vực, chỉ thấp so với Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa.

Tăng trưởng kinh tế nhanh trong giai đoạn 2010 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2019 đã nâng cao vị thế và tiềm lực KTXH của Quảng Nam so với khu vực và cả nước. Đóng góp ngân sách của tỉnh liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước và trở thành một trong 16 tỉnh, thành phố tự cân đối và điều tiết ngân sách về trung ương...

Tăng trưởng kinh tế Quảng Nam những năm qua có sự đóng góp quan trọng của các thành phần kinh tế, trong đó đặc biệt đối với khu vực doanh nghiệp; số lượng doanh nghiệp tăng nhanh bình quân trên 15%/năm; tăng trưởng hằng năm 12%, cao hơn tốc độ tăng của GRDP, chiếm 60% quy mô nền kinh tế và trên 83% thu ngân sách giai đoạn 2016 - 2019. Tuy nhiên hiện nay số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ (chiếm 94%), 3% doanh nghiệp vừa và 3,1% doanh nghiệp lớn.

Tăng trưởng kinh tế nhanh, quy mô kinh tế mở rộng đã tạo cơ hội việc làm và tăng nhanh thu nhập của người dân; thu nhập đầu người bình quân giai đoạn 2016 - 2019 tăng 13%/năm, nhanh hơn tốc độ tăng của GRDP bình quân đầu người (+12%/năm). Đến năm 2019 thu nhập bình quân của người dân Quảng Nam khoảng 40 triệu đồng/năm, gấp hơn 1,6 lần so với năm 2015 và 3,6 lần so với 2010, tương đương với mức bình quân chung khu vực 14 tỉnh, thành nhưng thấp hơn so với khu vực 5 tỉnh, thành trọng điểm miền Trung (46 triệu đồng).

Bứt phá, tìm vị thế mới

Sau hơn 4 năm thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra, Quảng Nam đã đạt được những kết quả KT-XH rất quan trọng, đã khẳng định được vị thế đối với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước. Từ một tỉnh có quy mô kinh tế trung bình (năm 2015) đến nay đã vươn lên tốp đầu khu vực, tốc độ tăng trưởng bình quân duy trì ở mức cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một trong số ít tỉnh, thành của khu vực cân đối được ngân sách và điều tiết về trung ương; môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện (PCI luôn giữ ở vị trí cao), tạo điều kiện thu hút một số dự án có quy mô lớn; nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng được giai đoạn phát triển vừa qua; diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, văn minh...

Bước sang một giai đoạn phát triển mới, năm 2020 bắt đầu xuất hiện những khó khăn với nhiều yếu tố bất lợi trên diện rộng, tác động không mong muốn và nền kinh tế khó có khả năng phục hồi sớm.

Kinh tế Quảng Nam có dấu hiệu chững lại sau thời gian dài tăng tốc; năng lực sản xuất của nền kinh tế đã đạt ngưỡng về quy mô, bên cạnh đó còn có các yếu tố cả thuận lợi và bất lợi tác động như: cam kết thực hiện các chính sách thuế bởi các hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA); cạnh tranh quyết liệt một số lĩnh vực chủ lực sản xuất và tiêu thụ; biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh rõ rệt và thường xuyên hơn; thị trường nhập khẩu, xuất khẩu đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; năng lực canh tranh của nền kinh tế và năng suất lao động xã hội còn thấp, chưa thu hút và đi vào đầu tư các dự án động lực mới; mặt bằng thu nhập của người dân còn thấp và chênh lệch, tỷ lệ hộ nghèo còn cao…

Tuy nhiên, hiện nay đối với Quảng Nam, lợi thế so sánh vẫn còn nhiều tiềm năng, nhất là thế mạnh nguồn nhân lực, môi trường đầu tư, vị trí địa lý kinh tế thuận lợi, đã có sẵn những tập đoàn lớn đầu tư đi vào hoạt động, hạ tầng cơ bản đảm bảo… Do đó để kinh tế tiếp tục phát triển và tạo bức phá mới trong giai đoạn tiếp theo, cần tập trung ưu tiên một số vấn đề.

Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược: xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện môi trường đầu tư gắn với bảo vệ môi trường và khởi nghiệp sáng tạo. Cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp phân bổ nguồn lực và thu hút đầu tư những dự án lớn đối với những lĩnh vực được ưu tiên như: công nghiệp chế biến chế tạo có hàm lượng giá trị gia tăng cao, đóng góp ngân sách lớn, lợi thế về xuất khẩu (cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, hóa dầu, sản xuất đồ uống, may mặc, giày da); dịch vụ du lịch, logistic (cảng hàng không, cảng biển)...

Ngoài ra, thời gian tới cần tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, chú trọng nâng cao năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần có cơ chế khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ tăng chế biến sâu. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ. Tái cơ cấu thị trường, xây dựng chiến lược đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc vào một thị trường nhất định (hàng hóa, nguyên vật liệu xuất nhập khẩu, du lịch; thị trường nội địa đối với những mặt hàng chiếm ưu thế). Khai thác tiềm năng, lợi thế liên kết Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Kết nối với các tỉnh trong phát triển du lịch, sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Phát huy lợi thế (hạ tầng, kinh tế) giáp ranh với TP.Đà Nẵng được tập trung đầu tư trở thành trung tâm vùng, tạo ra sức lan tỏa cho các tỉnh lân cận. Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; phát triển vùng chuyên canh hàng hóa, vùng nguyên liệu, gắn sản xuất, tiêu thụ với đầu tư chế biến, xuất khẩu; ưu tiên phát triển sản xuất quy mô lớn…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vị thế Quảng Nam trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Tiềm năng và khả năng bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO