Lâm Nhĩ (1865 - 1916) được các đồng chí tin tưởng bầu làm Tổng chỉ huy cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục hội với chức Thống soái. Điều này được ghi trong tờ chiếu của vua Duy Tân ngày 29.4.1916 và Báo cáo của Khâm sứ Trung kỳ Le Marchant de Trigon ngày 10.7.1916.
Làng Cẩm Toại
Làng Cẩm Toại (nay là thôn Cẩm Toại, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) là một làng cổ của Quảng Nam. Đây là một trong 66 làng của huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong được ghi trong “Ô châu cận lục” của Dương Văn An (1553), lúc này làng có tên là Kim Toại. Làng đổi tên từ Kim Toại sang Cẩm Toại (do kỵ húy tên thân phụ của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Kim) vào thời điểm cụ thể nào thì không rõ nhưng có lẽ sau năm 1558 hoặc sau 1570 khi Nguyễn Hoàng vào làm trấn thủ Thuận Hóa rồi sau đó (năm 1570) kiêm quản luôn Quảng Nam.
Sách “Phủ biên Tạp lục” của Lê Quý Đôn viết năm 1776 thì làng Cẩm Toại đã được xác định, là một trong 21 làng thuộc tổng Lệ Sơn của huyện Hòa Vang.
Sang thời Gia Long, sách Địa bạ Gia Long (1812 - 1818) cho biết Cẩm Toại thuộc tổng An Châu Thượng, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn. Thời Đồng Khánh, theo Đồng Khánh địa dư chí (1887 - 1890), Cẩm Toại cũng thuộc tổng An Châu Thượng, huyện Hòa Vang như thời Gia Long. Nhưng dưới thời Khải Định, theo Tạp chí BAVH vào năm 1919, Cẩm Toại thuộc tổng An Phước, huyện Hòa Vang.
Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), Cẩm Toại thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Từ năm 1958 đến năm 1975, Cẩm Toại lại thuộc xã Hòa Hưng của quận Hiếu Đức. Sau năm 1975 Cẩm Toại trở lại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang cho đến ngày nay.
Ở làng Cẩm Toại, họ Lâm là một tộc họ lớn dù không phải là tộc tiền hiền của làng. Tộc Lâm chỉ mới di cư vào đây từ giữa thế kỷ 17 (theo gia phả tộc Lâm, thì cụ Lâm Hữu Chánh, sinh năm 1818 và thuộc đời thứ 7). Đây là tộc có truyền thống khoa bảng và cách mạng của làng với nhiều nhân vật nổi tiếng: Lâm Hữu Chánh (1818 - 1870) đỗ 7 khoa tú tài, từng theo Nguyễn Tri Phương chống Pháp năm 1858 tại Đà Nẵng, từng được Phạm Phú Thứ tiến cử lên Tự Đức và được bổ nhiệm chức Tri huyện Kim Thành (Hải Dương). Lâm Văn Tín đỗ cử nhân võ, làm Hành tẩu vệ Kim Ngô dưới trướng Nguyễn Tri Phương. Lâm Hữu Mẫn đỗ hai khoa tú tài, làm Bang tá Nghĩa hội Quảng Nam. Lâm Hữu Đôn làm Bang biện huyện vụ Nghĩa hội Hòa Vang. Lâm Nhĩ (1865-1916), Thống soái cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục hội. Lâm Quang Tự, đỗ hai khoa tú tài, người thành lập trường ấu học Cẩm Toại. Lâm Quang Thự, nhà “Quảng Nam học”. Tộc Lâm cũng đã đóng góp 28 liệt sĩ và 4 Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho hai cuộc kháng chiến của dân tộc.
Cẩm Toại cũng là nơi có trường tiểu học An Phước, một trong những ngôi trường đầu tiên dạy chữ Quốc ngữ của Quảng Nam, theo tinh thần của phong trào Duy tân, đến ngày nay vẫn còn tồn tại.
Vị Thống soái cuộc khởi nghĩa năm 1916
Lâm Nhĩ, còn có tên là Lâm Mễ, hiệu Ninh Võ, sinh năm 1865 tại làng Cẩm Toại, huyện Hòa Vang trong một gia đình khoa bảng và giàu truyền thống cách mạng.
Năm 1885, ông hưởng ứng hịch Cần vương, tham gia Nghĩa hội Quảng Nam. Ông cùng Ông Ích Thiện mộ dân binh kéo vào tham gia đánh chiếm tỉnh thành Quảng Nam (ở La Qua). Khi thủ lãnh Trần Văn Dư bị giết, ông về quê mộ thêm dân binh tham gia trận chiến ở An Ngãi (Hòa Vang) rồi kéo về Trung Lộc đầu quân dưới trướng Nguyễn Duy Hiệu.
Khi Nghĩa hội tan rã ông về quê ẩn trốn chờ thời cơ mới. Năm 1904, ông hưởng ứng phong trào Duy tân, cùng người anh mở trường dạy chữ Quốc ngữ. Năm 1908, ông lãnh đạo dân chúng tham gia phong trào cự sưu kháng thuế. Phong trào bị Pháp đàn áp dã man. Ông bị bắt kêu án 8 năm và đày ra Lao Bảo. Mãn hạn tù ông về quê và liên lạc với Thái Phiên, Trần Cao Vân, tham gia cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục hội. Ông tham dự hai cuộc họp quan trọng trước ngày khởi nghĩa. Ông là người tổ chức cuộc họp ngày 21.4 tại Cẩm Toại trên một chiếc thuyền neo giữa sông Yên và cuộc họp ngày 27.4 tại nhà Đỗ Tự ở làng Miếu Bông (nay là xã Hòa Châu). Trong đêm khởi nghĩa ông được phân công chỉ huy đánh chiếm Đà Nẵng, cụ thể là cảng Đà Nẵng để đón vũ khí viện trợ của Đức từ Thái Lan về.
Cuộc khởi nghĩa thất bại ông bị bắt và kêu án 9 năm đày ra Lao Bảo. Do sự tra tấn dã man và chế độ lao tù khắc nghiệt, ông trút hơi thở cuối cùng tại đây vào ngày 18.9.1916. Năm 1918, tộc Lâm ở Cẩm Toại đã đưa hài cốt ông về quê và sau năm 1975 di dời vào chôn ở Nghĩa trang tộc Lâm ở Cẩm Toại.
Hồ sơ số 4199, hiện lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Hải ngoại Aix-en-Provence, Pháp, mang tên “Bản báo cáo về tình hình chính trị của Annam” do Khâm sứ Trung Kỳ là Le Marchant de Trigon viết, ngày 10.7.1916: “Vào đêm 27.4.1916 ở làng Miếu Bông, Quảng Nam đã diễn ra một cuộc họp lớn của những người mưu phản. Tại đây đã thông báo chiếu chỉ của nhà vua ra lệnh cho tất cả quan lại trên 3 kỳ nổi dậy, bắt đầu cuộc đấu tranh gọi là “Nghĩa” - của những người trung thành - vào đêm mùng 2 rạng ngày mùng 3 tháng Tư - tức mùng 3 rạng sáng 4 tháng Năm. Chiếu chỉ này cũng kèm theo thông báo việc bổ nhiệm bốn quan chức cao cấp:
- Trần Cao Vân, Cố vấn cao cấp, người bảo vệ đức Vua, phụ trách công tác quân sự.
- Thái Phiên, Phụ tá Cố vấn cao cấp, phụ trách công tác tài chính và kinh tế.
- Lâm Nhĩ, Thống soái…
- Nguyễn Siêu, Tổng đốc Thành nội và Kinh đô…”.
Trong bản khai của Phan Thành Tài sau khi bị bắt (Tài liệu số 42, Hồ sơ 65530) cũng xác nhận rằng trong cuộc họp ngày 27.4 tại Miếu Bông “mọi thành viên tham gia cuộc họp đã nhất trí cử Lâm Mễ (tức Lâm Nhĩ), làng Cẩm Toại, huyện Hòa Vang giữ chức Thống soái - đúng như chức vụ ghi trong Chiếu chỉ của vua Duy Tân là Thống chế” (dẫn lại Nguyễn Trương Đàn trong “Chí sĩ yêu nước Thái Phiên qua các tư liệu mới”, Nxb Đà Nẵng, 2017, trang 210).
Như vậy, Lâm Nhĩ là một trong 4 yếu nhân của cuộc khởi nghĩa được giao nhiệm vụ Tổng chỉ huy cho toàn cuộc khởi nghĩa với chức danh Thống soái.
Trong 4 lãnh tụ tối cao, không hiểu vì sao người Pháp chỉ kêu án ông có 9 năm tù đày Lao Bảo, chứ không bị xử trảm như 3 người kia (Trần Cao Vân, Thái Phiên và Nguyễn Quang Siêu). Lẽ nào vì vậy mà “Lâm Nhĩ là nhân vật quan trọng của cuộc khởi nghĩa nhưng là người ít được lịch sử đấu tranh cách mạng nhắc đến…” (Nguyễn Phước Tương, “Xứ Quảng - Vùng đất & Con người”, Nxb Hồng Đức, 2012, trang 543).