Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân khu 5 (16.10.1945 – 16.10.2020), nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ lại nhớ đến các vị tướng trận mạc, giàu lòng nhân ái. Một trong những vị chỉ huy đó là Trung tướng Nguyễn Huy Chương.
Trung tướng Nguyễn Huy Chương (1926 - 2004), quê xã Quế Phú (Quế Sơn), nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh về chính trị Quân khu 5, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (khóa VI). Thời phong kiến, cha mẹ ông khá giả, có nhiều ruộng đất nhưng sống giản dị, phúc hậu. Tiếp thu bầu không khí ấm áp ấy, cậu út Nguyễn Huy Chương có lòng yêu nước thương dân, rất mực hiếu lễ, gắn bó với cha mẹ, anh em, đồng cảm với người nghèo. Gia nhập Tổ thanh niên phản đế, ông bị thực dân Pháp bắt giam lúc 16 tuổi. Dù bị đánh đập, ông kiên quyết không khai báo tổ chức, buộc địch phải thả tự do. Chỉ vài tháng sau, qua cơ sở, ông bắt liên lạc với các đồng chí Võ Chí Công, Nguyễn Sắc Kim, tiếp tục hoạt động.
Tham gia khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945, ông được bầu là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời làng Hương Quế (Quế Phú) khi tuổi đời còn rất trẻ. Đi bộ đội năm 1947, đánh Pháp từ Quảng Nam đến chiến trường Tây Nguyên, rồi trong đội hình Trung đoàn 120 tập kết ra Bắc, ông được gặp Bác Hồ. Những lời Bác dạy, trong những ngày ông và đồng đội chuẩn bị vào lại miền Nam chiến đấu thấm sâu và tạo động lực cho ông vượt qua mọi gian khổ, đi đến thắng lợi cuối cùng.
Được học hành kỹ lưỡng cả chữ Nho, Quốc ngữ từ bé, ham đọc sách, lại đa cảm nên Trung tướng Nguyễn Huy Chương có tầm hiểu biết sâu rộng, lời nói dễ thuyết phục, đi vào lòng người, cứ như ông sinh ra là để làm công tác chính trị, là chỗ dựa tinh thần vững chắc của cán bộ, chiến sĩ. Sáu năm trong đội hình Sư đoàn 2, được mệnh danh là "Sư đoàn thép" thì hai lần ông làm chính ủy trong thời điểm khó khăn nhất. Đặc biệt sau Mậu Thân (1968), địch đánh phá gay gắt, nguồn lương thực cạn kiệt. Cán bộ các cấp lăn mình trong mưa bom, bão đạn, thiếu thốn mọi bề nhưng vẫn lạc quan, chiến đấu quên mình trên các chiến trường. Sát cánh cùng chiến sĩ, ông thường đến tận nơi, hỏi thăm anh em làm việc và có cách động viên độc đáo.
Cựu chiến binh Lê Hồng Mai (hiện ở 159 Nguyễn Chí Thanh, TP.Đà Nẵng) kể: “Khi đơn vị chuyển vị trí đóng quân, bộ phận cơ yếu chúng tôi phải chong đèn đào hầm xuyên đêm bảo đảm liên lạc cho các hướng. Một lần đã khuya, chúng tôi vẫn đang hối hả đào núi thì Chính ủy Sư đoàn đến. Ông đưa 500 đồng cho anh em mua thuốc hút và nói rằng, tiền này Tư lệnh cho. Sau này chúng tôi mới biết, Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn thèm thuốc đã lâu, nhân Chính ủy Chương đi họp trên Quân khu, bèn nhờ ông xin Tư lệnh Hai Mạnh (Chu Huy Mân) vài trăm đồng mua thuốc hút cho đỡ ghiền. Tối đó, ông lấy tiền xin được bồi dưỡng hết cho bộ phận cơ yếu. Thủ trưởng Chơn nghe kể lại, chỉ biết cười xòa”. Ông Lê Hồng Mai xúc động nói thêm: “Anh Nguyễn Huy Chương không câu kệ cấp trên - dưới. Khi làm Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, biết vợ tôi vừa sinh con đầu lòng ở trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, ông vẫn vào tận nơi thăm hai mẹ con”.
Theo cựu chiến binh Trần Thanh Hạ, Trưởng ban Liên lạc cựu quân y Sư đoàn 2, người từng làm quân y cho Chính ủy Chương nhiều năm: “Thủ trưởng có sức ảnh hưởng kỳ lạ với chiến sĩ. Nếu Sư đoàn trưởng nói trực diện, đôi lúc làm anh em hoang mang thì ông sẽ có cách nói nhẹ nhàng, động viên, làm ai nấy đều tin tưởng vào thắng lợi trận đánh. Trong những thời khắc sinh tử, lời nói của ông có sức mạnh ngàn cân. Có lần ở trận Cấm Dơi, Quế Sơn (lúc này thủ trưởng là Chính ủy Sư đoàn 711), khi loạt bom B52 rải thảm, tôi cùng các chiến sĩ bảo vệ Đàm Văn Hưng (Cao Bằng) và Quách Văn Thành (Thanh Hóa) kịp lấy thân mình nằm trùm lên người chỉ huy. Thành sau đó bị thương. Tất cả làm vậy vì thực lòng yêu quý ông, sẵn sàng hy sinh để thủ trưởng sống. Sau này Trung tướng làm rất nhiều bài thơ xúc động: Tấm choàng che mưa chôn xong đồng đội/ Hẹn thắng giặc rồi lặn lội tìm anh/ Hai mươi lăm năm chấm dứt chiến tranh/ Mà anh còn ở rừng xanh chưa về”. Thi thoảng, ông ngồi lặng đi, thương nhớ đồng đội một thời.
Trung tướng Nguyễn Trung Thu - nguyên Tư lệnh Quân khu 5, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn giữ kỷ vật là bức thư của thủ trưởng Chương gửi năm 1984. Lúc này ông Nguyễn Trung Thu là Tham mưu trưởng Đoàn 5503 đang làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường K. Thư của Phó Tư lệnh về chính trị Quân khu 5 Nguyễn Huy Chương từ Tổ quốc gửi sang mang tính dự báo: “Tôi hy vọng 15 năm nữa, anh sẽ thay cho tôi và những đồng chí khác, đó mới là tự hào. Lúc ấy tôi mong còn sống và đang nghỉ hưu để xem sự điều hành Quân đội…”. Tướng Thu cho rằng, thủ trưởng Chương dự báo chính xác vì ông luôn nhìn thế hệ trẻ bằng cặp mắt yêu thương và rất mực bao dung.
Ai gặp Trung tướng Nguyễn Huy Chương đều không thể nào quên giọng nói sang sảng, khúc chiết, cuốn hút. Giọng nói ấy từng thuyết phục các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng khi ông ra báo cáo chiến thắng của Sư đoàn 2 sau chiến dịch đường 9 Nam Lào (1971). Vì thế sau khi rời binh nghiệp năm 1995, ông liên tục được mời đi nói chuyện cho các cơ quan, đơn vị. Ông giữ nhiều chức vụ “không lương”, dành nhiều thời gian cho khuyến học ở thành phố, tâm huyết như ngày nào chỉ huy các trận đánh. Vị tướng làng Hương Quế từ trần đột ngột sau cơn đau tim, để lại bao tiếc thương cho người còn sống. Tên ông được đặt cho hai con đường ở quận Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) và TP.Tam Kỳ. Một cuộc đời cao đẹp đã khép lại nhưng vẫn còn lưu mãi danh thơm đến nhiều thế hệ sau này!