Vị tướng trong “Dấu chân trên cát bỏng”

HỒNG VÂN 27/07/2020 14:01

Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ra mắt cuốn truyện ký “Dấu chân trên cát bỏng” của tác giả Nguyễn Thị Kim Hoa về Trung tướng Nguyễn Trung Thu - nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cuốn sách với chữ in nhỏ, tưởng chừng như quá dày, vậy mà người đọc bị lôi cuốn kỳ lạ về vị tướng trưởng thành từ Quảng Nam và được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2012) với bao chiến công trong những năm tháng chiến đấu ở mảnh đất này.

Bìa cuốn truyện ký “Dấu chân trên cát bỏng”. Ảnh: H.V
Bìa cuốn truyện ký “Dấu chân trên cát bỏng”. Ảnh: H.V

Truyền thống cách mạng

Trung tướng Nguyễn Trung Thu, sinh năm 1953, quê gốc xã Hòa Hải, Hòa Vang (nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Cha là Nguyễn Văn Hề, trước đó làm cán bộ Huyện đội Hòa Vang; mẹ là Lê Thị Tưởng tham gia du kích, lăn lộn với phong trào ở địa phương. Khi ở Hòa Hải có dấu hiệu bị lộ, cả hai chuyển về hoạt động ở xã Bình Dương, Thăng Bình và sinh con trai đầu lòng Nguyễn Trung Thu, nhà ông bà trở thành nơi đi về của cán bộ, bộ đội, du kích địa phương. Năm 1970, Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Hề bị địch phát hiện nằm hầm bí mật. Không để rơi vào tay giặc, ông cùng đồng đội xông lên, nổ súng tiêu diệt địch rồi hy sinh anh dũng.

Được nuôi dưỡng trong gia đình cộng sản “nòi”, chứng kiến hàng ngày tội ác của đế quốc Mỹ và tay sai, nhất là những hành động vô nhân tính của quân xâm lược, cậu bé Nguyễn Trung Thu đã ôm ấp trong lòng tinh thần yêu nước, ý chí căm thù giặc sâu sắc. Nhỏ thì biết giúp cha mẹ làm lụng, nấu cơm, nuôi các chú chỉ huy trong nhà, hay đưa thư, nắm tin tức địch báo cho đằng mình. Lớn lên chút nữa vừa đi học vừa lân la vào hàng ngũ địch lấy lựu đạn hay gom trái lép để cải tiến, chế thành các loại vũ khí đánh địch. Hai năm được kết nạp vào Đội Thiếu niên tiền phong của xã (1965 - 1966), “cây xương rồng trên cát” Nguyễn Trung Thu đã được tặng 4 danh hiệu diệt Mỹ cấp ưu tú và dũng sĩ diệt xe cơ giới cấp ưu tú.

Thông minh, táo bạo, đã quyết tâm là làm cho bằng được, dùng hành động cụ thể để thuyết phục người khác, Nguyễn Trung Thu có tố chất của một người chỉ huy từ lúc còn thiếu niên, nhiều lần cứu đồng đội và mình khỏi vòng vây kẻ thù trong tình huống nghìn cân treo sợi tóc. Những lúc ấy, dũng cảm thôi chưa đủ mà phải có trí tuệ, soi được điểm yếu và quy luật của địch để nắm thắt lưng địch mà đánh. Chiến công đặc biệt của Nguyễn Trung Thu là cứu cán bộ trong hầm ở Bình Dương khi địch bao vây đến ngày thứ 3. Ông cùng đồng đội gài mìn và lựu đạn ở những địa điểm mà địch sẽ rút lui. Đêm đó, các du kích nhỏ khua đám lính Mỹ dậy rồi phóng mìn, nổ súng. Bị đánh từ trong, từ ngoài, chúng bắn trả loạn xạ. Nắm cơ hội, cán bộ trong hầm xông lên tấn công địch rồi chạy thoát. Năm 1969, Nguyễn Trung Thu đi bộ đội chủ lực Sư đoàn 2, rồi ghi dấu ấn theo năm tháng, trở thành vị tướng bôn ba khắp mọi miền đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thấm đẫm tinh thần nhân văn

Nhà sử học Nguyễn Thị Kim Hoa là người Phú Yên. Chị nói rằng, chị chưa biết nhiều về Bình Dương ngoài những thông tin ít ỏi trên báo đài. Để viết cuốn sách “Dấu chân trên cát bỏng”, chị đã có nhiều chuyến đi về xứ sở của Cây Dương Thần và các địa danh, chứng tích ngỡ như huyền thoại; trò chuyện thân tình với người dân và bạn chiến đấu thời đánh Mỹ với du kích “nhí” Hai Thu. Nhờ vậy, chị đã tái hiện được những lát cắt chiến tranh ở vùng đất nổi tiếng trong đánh Mỹ, cứu nước. Nhiều người đã đi từ niềm xúc động này đến niềm xúc động khác về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong một gia đình bình thường mà cũng rất phi thường như gia đình Hai Thu ngày ấy. Vẫn lối viết trần thuật, khách quan, mềm mại qua cách tiếp cận những đồng đội của nhân vật, bằng dồn dập các chuyến đi và gặp gỡ từ người lính bình thường đến các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp; cộng với dày công tham khảo hàng chục đầu sách, tài liệu liên quan thời điểm công tác của vị tướng trận mạc Nguyễn Trung Thu, tác giả đem đến nhiều bất ngờ cho người đọc. Sáu chương của cuốn sách đã khắc họa trọn vẹn chân dung vị tướng Nguyễn Trung Thu cả trong sự nghiệp chung và đời sống riêng tư. Dù làm gì, ở đâu, ông vẫn luôn giữ phẩm chất, cốt cách “trung với Đảng, hiếu với Dân”, ấm áp, yêu thương gia đình và đồng đội; tận tâm, nhiệt huyết với công việc được giao.

Những năm tháng làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường K, Đoàn chuyên gia 5503, Quân khu 5 đâu chỉ có truy quét Pol Pot mà còn kết nối thế trận lòng dân. Từng chứng kiến tội ác của quân xâm lược trên quê hương Bình Dương, ông luôn căn dặn cán bộ, chiến sĩ của mình khi ở nước bạn phải sống xứng đáng với tên gọi “Đội quân nhà Phật” mà nhân dân Campuchia đã yêu mến tặng. Người cựu tham mưu trưởng của đoàn chuyên gia đã “bắc cầu” hữu nghị giữa hai nước bằng cách riêng thấm đẫm nhân văn. Đó là tặng bức tượng đá Non Nước khắc họa bà má Campuchia Phiu-ma-ly, người đã chăm sóc cho quân tình nguyện Việt Nam ở tỉnh Strung-treng. Sau này khi làm Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông là người quyết liệt chỉ đạo xây dựng đường tuần tra biên giới, hình thành vành đai biên giới hòa bình, vững chắc làm tấm lá chắn bảo vệ đất nước...

Đọc “Dấu chân trên cát bỏng” càng hiểu thêm, tự hào thêm vị tướng anh hùng, càng biết ơn tác giả Nguyễn Thị Kim Hoa đã dành nhiều năm nghiên cứu, thâm nhập, khai thác, khắc họa chân thực, hàm súc về vị tướng đánh giặc từ thuở lên mười - Nguyễn Trung Thu.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vị tướng trong “Dấu chân trên cát bỏng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO