Đến Hà Nội nhân sự kiện 60 năm những người con đất Quảng tập kết ra miền Bắc, chúng tôi có dịp gặp Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương. Tuổi đã 93 nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn, những câu chuyện của một thời trận mạc vẫn được ông lưu giữ như in trong ký ức.
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương. |
Tiếp chúng tôi trong căn hộ không lấy gì làm rộng rãi ở một khu tập thể giữa thủ đô đông đúc, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương mở đầu câu chuyện khá hài hước, rặt chất Quảng Nam: “Già rồi ở vậy là đủ, chứ nhà mình có ở... khắp ba miền Trung - Nam - Bắc, có ở khắp 3 nước Đông Dương”. Mở an-bum ảnh gia đình được giữ gìn khá cẩn thận, ông và TS. Huỳnh Nghĩa - người con trai nay cũng đã đến tuổi nghỉ hưu giới thiệu với chúng tôi từng tấm ảnh ghi dấu kỷ niệm sâu sắc và những câu chuyện không thể nào quên của cuộc đời một tướng đã gắn liền với vận mệnh của đất nước, vận mệnh của dân tộc. Ông không giấu được xúc động trước tấm ảnh mẹ tiễn con lên đường tập kết.
Đó là những năm tháng đất nước bị chia cắt. Trên cương vị Trưởng đoàn đại diện Liên hiệp đình chiến Liên khu 5, ông đã đi chuyến tàu cuối cùng của Ba Lan chở bộ đội, chiến sĩ tập kết ra Bắc. Ông bảo, dù hiểu rõ điều kiện, hoàn cảnh và tình hình cách mạng hai miền rất khác nhau, nhưng bằng tinh thần của “người lính Cụ Hồ”, ông thầm nhủ sẽ hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Chính phủ, Bác Hồ giao phó. Và đâu chỉ có ông, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết đã được Đảng, chính quyền, nhân dân miền Bắc tận tình chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục đào tạo, bố trí công tác… trong tình yêu thương ruột thịt Nam - Bắc một nhà. Đó chính là nguồn năng lượng vô biên, niềm động viên lớn lao để mọi người hăng say học tập, công tác, góp sức mình cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, xây dựng đất nước.
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương sinh năm 1922, quê Hội An. Cuộc đời binh nghiệp của ông đã kinh qua rất nhiều cương vị công tác. Ông từng đảm trách Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (năm 1958); Phó Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên (1965 - 1967), Phó Chính ủy Quân khu Tây Bắc (1968 - 1971); Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào (1972 - 1975); trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc ông được điều động làm Phó Chính ủy Quân khu 2, phụ trách địa bàn tác chiến gồm các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái… với mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang rất ác liệt. Ngoài ra ông còn 2 lần giữ chức Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH (1975 - 1978 và 1984 - 1990). Ông cũng từng là cố vấn cho các ông Khăm-tày Xi-phăn-đon, Cay-xỏn Phôn-vi-hẳn - 2 lãnh tụ của cách mạng Lào. |
Tôi hỏi sao ông viết hồi ký, ông tươi cười bảo “đời mình cần chi giấy mực”. TS. Huỳnh Nghĩa con trai ông góp chuyện: “Đời ba tôi đúng là toàn trên trận mạc... Ông chính là một cuộn phim lịch sử…”. TS. Huỳnh Nghĩa chỉ tôi tấm ảnh treo trên tường. Đó là bức ảnh người lãnh đạo cao nhất nước bạn Lào trang trọng nâng lên ngang mày thanh gươm dài cả thước trao cho Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, lúc ông hoàn thành nhiệm vụ Trưởng phái đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào trở về khi cách mạng Lào toàn thắng.
Trong những kỷ niệm của năm tháng sống trên đất Bắc, ông kể câu chuyện khá thú vị về một lần được gặp Bác Hồ. Đó là lúc anh em làm công tác tổ chức tham gia đoàn công tác của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đi động viên Sư đoàn 325 chuyển hướng sang làm kinh tế nông trường ở vùng Tây Bắc. Trong bữa tiệc chiêu đãi, khi thấy ông cho vài thìa đường vào cốc bia, Bác Hồ thấy vậy liền hỏi: “Quê chú ở đâu? Sao lại làm thế?”. Ông đang luống cuống chưa biết trả lời thế nào thì Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nói đỡ: “Quê đồng chí Hương ở Quảng Nam nhiều đường mía nên có thói quen dùng đường nhiều”. Bác Hồ nghe vui nhưng vẫn dặn dò rằng, uống bia không nên cho đường vừa làm mất vị ngon của bia vừa làm tăng nồng độ men dễ say hơn. Chỉ một sự quan tâm với chuyện nhỏ như vậy đã làm ông nhớ mãi về hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại và giản dị.
Tấm ảnh “Mẹ tiễn con lên đường tập kết” được lưu giữ trong album ảnh của gia đình Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương. |
Mới đây, khi vấn đề biển Đông nóng lên, nhiều nhà báo tìm đến ông phỏng vấn. Ông lại nói vui, chắc họ nghĩ mình từng chỉ huy chiến đấu hồi 1979 nên mới hỏi. Nhưng đây đâu chỉ có chuyện chiến trận mà là chuyện của lịch sử. Ông bảo, chúng ta rất nên đưa những vấn đề mang tính lịch sử vào chương trình sách giáo khoa. “Theo tôi, cần đưa vào sách giáo khoa những sự kiện mang tính lịch sử gần đây như việc năm 1974 Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của chúng ta, năm 1979 xảy ra chiến tranh biên giới do Trung Quốc chủ động tấn công và hải chiến Trường Sa năm 1988. Đó là những sự kiện lịch sử không thể chối cãi và thay đổi” - ông bảo. Ông cũng cho rằng, trong câu chuyện thời sự biển Đông hiện nay, chúng ta phải tin tưởng và nhìn vào lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam. Sự kiên cường và bất khuất là những yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh Việt Nam. Truyền thống đó hàng nghìn năm nay đã cho thấy ban đầu chúng ta có thể gặp những khó khăn nhưng cuối cùng chúng ta sẽ chiến thắng.
Là những người đồng hương, chúng tôi không khỏi tự hào về một người con ưu tú của đất Quảng Nam - Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương tham gia cầm súng đánh giặc ngay từ những ngày đầu Bác Hồ khai sinh Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và nay chặng đường ấy đã trải qua đúng 70 năm.
VÕ VĂN TRƯỜNG