Vị võ sư Karate mang đai cao nhất

VĂN CHƯƠNG - TRI KIẾM 20/10/2018 04:26

Đó là một người đàn ông dáng cao, có nước da ngăm đen, mắt to và sáng, ánh nhìn trìu mến, miệng rộng luôn cười thân thiện. Võ sư Lê Văn Thạnh (sinh năm 1949, phường Phú Cát, Huế) - võ sư Karate mang đai cao nhất ở Việt Nam với những đóng góp lớn cho bộ môn này.

Võ sư Lê Văn Thạnh.
Võ sư Lê Văn Thạnh.

Đệ tử đắc truyền

Võ sư Lê Văn Thạnh có tư liệu hình ảnh một võ sư người Nhật Bản như một con đại bàng, tung cú đá bay rất mãnh liệt với cặp chân song phi phóng từ trên không trung xuống ngang đầu đối thủ. Đó là cố võ sư Suzuki Choji, người đã đi vào huyền thoại môn võ Karate ở Việt Nam. Chuyện đời ông vẫn được các đệ tử lưu giữ, truyền lại cho các thế hệ học trò. Sau tổng khởi nghĩa năm 1945, trong hàng ngũ quân đội Việt Minh ở Liên khu 4 và Liên khu 5 có một số người lính Nhật xin theo Việt Minh, tham gia các hoạt động cứu thương, huấn luyện quân sự. Người được lưu trong lịch sử đội du kích Ba Tơ huyền thoại ở tỉnh Quảng Ngãi, đó là Suzuki Choji, tên Việt Nam là Phan Văn Phúc, sinh năm 1919. Ông bắt đầu truyền thụ võ thuật từ năm 1956. Năm 1960 ông thành lập võ đường Suzucho Karatedo Ryu Dojo Noen trên đường Võ Tánh, TP.Huế (nay là số 58, đường Nguyễn Chí Thanh). Suốt 33 năm ở Việt Nam, ông đã đào tạo ra hàng ngàn võ sinh môn Karate. Lê Văn Thạnh là một trong những lứa học trò đầu tiên cùng với Ngô Đồng, Nguyễn Văn Dũng, Hạ Quốc Huy, Lê Bá Hòa, Trương Đình Hùng... của hệ phái Suzucho Karatedo do cố võ sư Karate người Nhật Suzuki Choji (Phan Văn Phúc) sáng lập.

Tháng 1.2012, võ sư Lê Văn Thạnh được Chưởng môn Suzuki Tokuo (con trai trưởng của cố võ sư  Suzuki Choji) phong huyền đai cửu đẳng, đẳng cấp cao nhất của hệ phái. Ông hiện là võ sư Karate mang đai cao nhất ở Việt Nam; ngoài ra còn mang đai ngũ đẳng huyền đai hệ phái Karatedo Shotokan Ryu và đệ nhị đẳng Judo (Nhu đạo).

Võ sư Lê Văn Thạnh kể, thầy Choji có thói quen ăn uống đạm bạc lắm. Thỉnh thoảng thầy gọi học trò Thạnh và một đệ tử khác là Chế Văn Nhẫn lên ăn xôi bắp với thầy. Thầy ngồi bên chiếc bàn thấp, gọi vợ bê thêm hai đĩa xôi, lấy chai xì dầu và bảo học trò cởi đai ra để nhẹ bụng và ăn chung bàn với thầy. Thầy có sức khỏe nên ăn một lúc hai đĩa xôi và bắt học trò phải cố gắng đánh chén ba đĩa để lấy sức tập luyện.

Những phút gần gũi bên thầy, ông được nghe chuyện đời tư mà thầy chia sẻ. Lúc còn nhỏ, thầy học môn Judo, đến năm 13 tuổi thì học Karate của sư phụ  Shigemoto Tadao và thọ giáo tiếp người thầy của sư phụ mình là đại sư Asano Zenkichi. Năm 19 tuổi, ông lên Tokyo làm công cho một hãng xe hơi và tiếp tục nghiên cứu võ thuật, thọ giáo sư phụ Kisaburo, thuộc hệ phái Takenouchi-ryu (Trúc Chi Nội Lưu), là môn phái kín tiếng, ít truyền dạy rộng rãi. Võ sư Lê Văn Thạnh nói: “Tôi luôn tâm niệm lời dạy của thầy: Người học võ trong ứng xử phải lấy đức làm trọng, khiêm tốn, biết nhẫn nhịn; sẵn lòng ra tay cứu giúp người khác hoạn nạn, chỉ ra tay khi rơi vào tình thế bắt buộc. Bởi võ là đạo, là con người”.

Năm 2017, tổ đường Suzucho Karatedo Ryu Dojo Noen được tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ phục dựng, trở thành điểm dừng chân của nhiều du khách Nhật Bản. Bước vào ngôi nhà sẽ hiểu được sự tôn kính hết lòng của những học trò dành cho thầy - giữa phòng đặt bức tượng bán thân màu vàng, kèm theo dòng chữ “tổ sư Suzuki Choji”. Trên tầng 2, chính giữa ngôi nhà đặt tấm ảnh thờ thầy Choji. Bên trái bàn thờ đặt tấm bảng ghi tiểu sử của Suzuki Choji, bên phải đặt tấm bảng ghi tên 14 người giữ chức Trưởng tràng từ năm 1965 đến nay. Chưởng môn điều hành hệ phái là người con trai lớn của ông - Tukuo Suzuki ở Nhật. Người điều hành hệ phái ở Việt Nam gọi là Trưởng tràng. Người đầu tiên trong danh sách này là ông Nguyễn Nhuận, thời gian từ năm 1965 đến năm 1966. Người giữ chức vụ Trưởng tràng nhiều nhất và hiện nay vẫn còn, đó là võ sư Lê Văn Thạnh. Ông giữ chức Trưởng tràng năm 1973 đến 1986; 1987 đến 1989 và từ năm 2006 đến nay. Tôi nêu cụ thể thời gian làm Trưởng tràng của võ sư Lê Văn Thạnh để chia sẻ một điều rằng, ông chính là người có thời gian nhiều năm bên thầy Choji, có nhiều kỷ niệm về tổ sư người Nhật Bản, một đệ tử đắc truyền của vị tổ sư, có kiến thức sâu rộng về môn Karate.

Người đóng góp lớn cho Karate Việt Nam

Võ sư Lê Văn Thạnh đón tôi trong ngôi nhà nhỏ nằm trong một con hẻm gần nhà lưu niệm thầy Choji. Phía ngoài sân tập là một bàn thờ nhỏ đặt ảnh hai vợ chồng thầy Choji bên cạnh bát hương. Chỉ cần xem qua những hình ảnh đó đã cảm nhận được rằng, tinh thần tôn sư trọng đạo, tình thầy trò, sợi dây kết nối môn phái từ Nhật Bản đến Việt Nam luôn được võ sư Lê Văn Thạnh đặt ở trong lồng ngực của mình. Võ sư Lê Văn Thạnh kể, sau nhiều năm dạy võ ở Huế, phát triển võ đường ở Đà Nẵng, năm 1973, võ sư Lê Văn Thạnh và các học trò bịn rịn chia tay thầy Choji. Vì điều kiện cuộc sống nên thầy phải vào Sài Gòn làm tại một nhà hàng ở địa chỉ số 2 Nguyễn Công Trứ. Năm 1978, thầy Choji và gia đình rời Việt Nam và quay về Nhật Bản sinh sống.  

Sau ngày giải phóng, cuộc đời của võ sư Thạnh cũng bắt đầu long đong, lo kế mưu sinh. Võ đường lúc đó bị cấm vì cho rằng những thanh niên học võ sẽ làm phức tạp thêm tình hình xã hội ở đất nước mới vừa giải phóng. Cả gia đình đều sống dựa vào quán phở nổi tiếng Bà Sớt - là tên mẹ của ông, nhưng việc kinh doanh vào thời kỳ này không còn thuận lợi.

Mỗi dịp tổ chức văn nghệ ở TP.Huế, các cơ quan thường mời võ sư Lê Văn Thạnh đến biểu diễn võ thuật và thu hút được rất nhiều người xem. Năm 1977, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, lúc đó là Bí thư Thành đoàn Thừa Thiên Huế đã xin chủ trương cho dạy võ trở lại, nhưng đặt dưới sự quản lý của Đoàn thanh niên. Đề xuất đó đã cứu môn Karate đang trên đà xuống dốc và võ sư Thạnh bắt đầu truyền dạy võ. Tỉnh Quảng Nam, TP.Đà Nẵng sau này có các võ sư Trần Như Hải, Nguyễn Thành Tự… cũng được đào tạo từ hệ phái Karate Suzucho.

Võ sư Lê Văn Thạnh bùi ngùi kể, thầy Choji mất năm 1995, đến năm 2000 trong chuyến đi đưa các võ sĩ Karate sang Nhật Bản thi đấu thì ông mới có dịp ghé thăm gia đình sư phụ để nói về sự báo đáp, tiếp tục đào tạo ra các thế hệ môn sinh Karate, trường phái Suzucho ở Việt Nam.

Song song với việc mở lớp dạy võ ngay tại nhà, võ sư Thạnh còn có những đóng góp rất lớn cho bộ môn Karate của thành phố Huế, của Việt Nam và của nước bạn Lào. Năm 1992, ông tham gia Ban huấn luyện Đội tuyển Quốc gia để chuẩn bị tham dự SEA Games 17 tại Singapore vào năm 1993 với tư cách là huấn luyện viên. Năm 1994, ông tiếp tục làm huấn luyện viên Đội tuyển Quốc gia chuẩn bị cho Asiad tại Hiroshima; năm 1996, huấn luyện viên kiêm Trưởng đoàn Karate Việt Nam tham dự Giải Vô địch Karate trẻ châu Á tại Đài Loan; năm 1997, tham gia ban huấn luyện môn Karate tham dự SEA Games 19 tại Indonesia; năm 2002, huấn luyện viên kiêm Trưởng đoàn karate Việt Nam tham dự giải Vô địch trẻ châu Á lần thứ 6 tại Nhật Bản… Năm 2007, ông được cử sang Lào làm chuyên gia cho Liên đoàn Karate, huấn luyện đội tuyển Lào tham gia SEA Games 24 tại Thái Lan. Năm 2008 - 2009 ông tiếp tục làm chuyên gia cho Liên đoàn Karate Lào, huấn luyện đội tuyển Lào tham gia SEA Games 25 tại Lào. Nhờ đó, ông đã được Chính phủ nước CHDCND Lào tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Với những đóng góp rất lớn cho bộ môn Karate, ông đã được trao rất nhiều bằng khen, kỷ niệm chương… của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ VH-TT&DL, của UBND tỉnh và Sở VH-TT&DL tỉnh Thừa Thiên Huế.

VĂN CHƯƠNG - TRI KIẾM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vị võ sư Karate mang đai cao nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO