Thị thành dạo này trời đổ mưa dầm dề, lòng hay thắt thẻo về miệt thứ đồng bưng, vùng châu thổ Cửu Long phù sa bồi lở đôi bờ sóng nước. Mùa này, xứ chín nhánh sông hễ trời đổ vài cơn mưa, thì sớm mơi chưa hửng nắng ngoại hay tẩn mẩn quanh mấy ụ mối tìm nấm. Từng búp non tơ lum lúp ẩn mình trong gốc, phải tinh ý và hữu duyên lắm mới có thể thấy được.
Nấm mối ngọt giòn, đem chiên xào nấu nướng món gì cũng ngon. Nấm mối đem nấu canh với rau răm, nấm mối xào lá cách, nấm muối nướng muối ớt, nấm mối làm nhân bánh xèo, nấm mối kho tộ... Nhiều năm trôi qua bôn ba phố thị Sài thành, cái thèm thuồng vị nấm mối mỗi bận mưa dầm vẫn rào rạo trên đầu lưỡi.
Có lần ngoại lên Sài Gòn thăm cháu con, mấy đứa bày đặt dẫn ngoại vào một cái khách sạn lấp lánh ánh đèn, sáng choang biển hiệu. Mấy đứa cháu kể ngoại nghe chuyện bây giờ Sài Gòn cũng đâu thiếu mấy món quê kiểng.
Món dân dã nay được trưng trổ trong những nhà hàng sang trọng, như một chút hương sắc thắm nồng miệt chín rồng phù sa, khiến người sành ăn lòng cứ miên man mỗi lần thưởng thức.
Ngoại gắp đồ ăn, cũng gật gù, cũng chắc lưỡi hít hà. Chừng về bên hiên nhà ngồi nghe thành phố trở mình theo đêm, ngoại vẫn nói thiếu vị. Đêm đó mười sáu chẳng có trăng. Ở thị thành trăng trốn sau những cao ốc hết trơn.
Hẻm nhỏ, nhà nhỏ, khoảng sân cũng nhỏ nên tiếng thở dài của ngoại nghe rõ mồn một. Ngoại nói vài hôm nữa ngoại về, mưa tới rồi, vườn nhà nhiều nấm mối. Chừng có ngoại gởi lên bây ăn để nhớ quê.
Nấm mối cũng chỉ theo mùa, đâu tầm một tháng là đã không còn. Vậy nên, với những lưu dân thị thành có nguồn cội từ bưng biền Nam Bộ, luôn mong mỏi những tai nấm theo các chành xe về Sài Gòn, len lỏi vào các bữa cơm gia đình hay các nhà hàng. Thời này tiện bề thưởng thức.
Chẳng cần xuôi ngược về lại miền Tây mới thỏa nỗi thèm. Cả một trời thương tưởng quê hương dậy sóng trong lòng, khi gắp từng tai nấm ngọt giòn. Nghe đâu đó tuổi thơ với ký ức mỗi bận mưa hè miệt thứ như âm ba theo từng dòng chảy thị thành.
Nhưng, nấm mối bán đắt. Có bận ngoài chợ bán cả tám trăm hay một triệu đồng cho một ký nấm. Thế nhưng, vẫn cứ lên ký nào hết ký đó. Thậm chí dân tứ chiếng quá giang phận đời mình ở thị thành hoa lệ này, trăm người có gốc miền Tây thì trăm người như một, mỗi mùa nấm mối là chạy tìm cho bằng được.
Vị xứ hồn quê quyện vào mình từ hồi xưa xa nên dù bôn ba nơi nào cũng trông mưa mà nhớ vị xưa. Chẳng có mắc hay rẻ để cân đo đong đếm nỗi thèm quê. Chỉ là mình còn bao lâu nữa để thưởng thức cái thương nhớ đồng bưng này, khi mà hạn mặn xâm lấn, thượng nguồn ngăn đập, đồng trơ gốc rạ, đất nức toạc in hằn lên những phận đời hiu hắt xứ quê.
Thì thôi, cứ nuôi nấng những yêu thương khi còn có thể. Khi mà đâu đó cái hào sảng chịu chơi đậm chất người miền Tây vẫn ung dung mang vị quê lên thị thành, chỉ để tìm những tâm hồn đồng điệu…