Việc cho phép Nhà máy Sản xuất cồn Ethanol Đại Tân (Đại Lộc) hoạt động trở lại: Dân vẫn phản đối

TRIÊU NHAN 24/02/2020 09:07

Sau gần 6 tháng ngừng hoạt động do sự cố tràn dầu fusel, Nhà máy Sản xuất cồn ethanol Đại Tân (Đại Lộc) được tỉnh cho phép hoạt động trở lại sau khi khắc phục xong sự cố. Tuy nhiên, những lo ngại về việc nhà máy sẽ gặp sự phản đối từ phía người dân xã Đại Tân khi hoạt động trở lại là có căn cứ, khi buổi đối thoại giữa UBND huyện Đại Lộc, Sở Tài nguyên & môi trường và nhà máy với người dân rơi vào bế tắc.

Khung cảnh xung quanh Nhà máy Sản xuất cồn ethanol Đại Tân. Ảnh: TRIÊU NHAN
Khung cảnh xung quanh Nhà máy Sản xuất cồn ethanol Đại Tân. Ảnh: TRIÊU NHAN

Nhà máy sẽ hoạt động lại

Ngày 7.2, Sở Tài nguyên & môi trường tỉnh Quảng Nam có Báo cáo số 76/BC-STNMT về kết quả khắc phục sự cố rò rỉ dầu fusel tại Nhà máy Sản xuất cồn ethanol Đại Tân (thuộc Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm).

Theo đó, bắt đầu từ 29.10.2019 đến nay, Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm đã tạm dừng các hoạt động sản xuất tại nhà máy cồn ethanol và tiến hành duy tu, bảo dưỡng máy móc, thiết bị và thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố tràn dầu fusel.

Đến nay, theo Sở Tài nguyên & môi trường, phía công ty đã chấp hành các chỉ đạo của UBND tỉnh như: hoàn chỉnh báo cáo khắc phục sự cố tràn dầu, nêu rõ nguyên nhân sự cố, biện pháp khắc phục cụ thể, rõ ràng; lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường của nhà máy; lập các đường ống thu gom nước và các bồn chứa dầu, bồn chứa cồn.

Phía công ty cũng đã lập bản cam kết với UBND tỉnh, UBND huyện Đại Lộc, UBND xã Đại Tân và toàn thể nhân dân xã Đại Tân không để xảy ra sự cố, không để xảy ra ô nhiễm môi trường. Nhà máy duy trì cấp nước sạch cho 41 hộ dân đã được nhà máy lắp đặt ống nước sạch; chi tiền hỗ trợ nước uống hằng tháng cho người dân (300.000 đồng/người/tháng). Nhà máy cam kết chỉ sử dụng đường ống bằng kim loại, cố định qua các trạm cấp phát dầu fusel vào xe bồn, không chiết xuất lẻ qua can nhựa; thường xuyên kiểm tra rò rỉ các đường ống cấp phát dầu fusel và cồn…

Khung cảnh xung quanh Nhà máy Sản xuất cồn ethanol Đại Tân. Ảnh: TRIÊU NHAN
Khung cảnh xung quanh Nhà máy Sản xuất cồn ethanol Đại Tân. Ảnh: TRIÊU NHAN

Ngày 17.2, UBND tỉnh có Công văn số 704/UBND-KTN cho phép nhà máy được hoạt động trở lại, đồng thời yêu cầu Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm có trách nhiệm phối hợp với UBND huyện Đại Lộc, UBND xã Đại Tân tiến hành mở van xả nước tại hồ sinh học, khơi thông cống thoát nước mưa phía ngoài nhà máy để thoát nước, tránh chảy ra môi trường gây mất mỹ quan khu vực theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 505 (sau khi lấy mẫu quan trắc nước thải đảm bảo Quy chuẩn Việt Nam theo quy định).

Công văn cũng giao trách nhiệm cho UBND huyện Đại Lộc trong việc tập trung chỉ đạo thực hiện các văn bản của UBND tỉnh về khẩn trương khắc phục sự cố rò rỉ dầu fusel tại nhà máy. Sở Tài nguyên & môi trường chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả khắc phục, phương án đảm bảo môi trường an toàn của công ty theo báo cáo đề xuất. Phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Đại Lộc, Sở Công Thương hướng dẫn công ty thực hiện đúng các quy định pháp luật về môi trường...

Người dân yêu cầu được di dời

Ông Trương Hùng (ở thôn Nam Phước, xã Đại Tân) - hộ dân sống sát nhà máy cho biết, thời gian qua, phía nhà máy cũng đã khắc phục sự cố môi trường, tuy nhiên chỉ khắc phục khu vực bên trong nhà máy, còn trên thực tế, khu vực bã thải, khu vực hầm biogas vẫn chưa có cách khắc phục, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng và ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân.

“Ruồi nhặng, dòi bọ sinh sôi từ bãi bã sấy. Còn hầm biogas chỉ cách nhà tôi chừng mấy trăm mét, suốt thời gian qua, hầm này đã thẩm thấu xuống lòng đất, xâm nhập giếng nước, mạch nước ngầm của khu vực lân cận khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Chừ hoạt động trở lại ai nấy lo sợ liệu còn sự cố nào khác? Vì vậy chúng tôi yêu cầu tỉnh, huyện di dời nhà dân ra khỏi khu vực nhà máy trước khi cho phép nhà máy này hoạt động trở lại” - ông Hùng nói.

Tại cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Sở Tài nguyên & môi trường, UBND huyện Đại Lộc, Nhà máy Sản xuất cồn ethanol Đại Tân với người dân Đại Tân diễn ra vào ngày 20.2, hầu hết người dân Đại Tân không thống nhất phương án cho phép nhà máy hoạt động trở lại.

Theo người dân, phương án di dời nhà dân vẫn chưa sáng tỏ, chỉ mới có chủ trương xây dựng và vẫn chưa khảo sát kỹ có bao nhiêu hộ dân phải dời đi khỏi khu vực xung quanh nhà máy. Các chế độ đi kèm như khu tái định cư, hỗ trợ di dời, xây dựng nhà cửa đảm bảo đời sống người dân vẫn chưa rõ. Thời gian qua, công ty đã có hỗ trợ nước sạch cho người dân nhưng thực tế người có, người không, điều này không đồng đều, không được người dân đồng thuận. “Chúng tôi mong Nhà nước sớm di dời dân đi khỏi hoặc là di dời nhà máy đi khỏi” - ông Nguyễn Ngọc Chín (xã Đại Tân) nói.

Theo bà Tào Thị Kiều Phương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đại Tân, sau khi có văn bản chỉ đạo của tỉnh về việc cho phép nhà máy hoạt động trở lại, qua thăm dò, trao đổi với nhân dân, phần lớn không đồng tình, nhiều hộ phản đối kịch liệt việc nhà máy hoạt động trở lại. Nhiều tháng qua, chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể xã Đại Tân đã tích cực vận động nhân dân tuyệt đối không vi phạm pháp luật, Mặt trận tích cực bám trụ, vận động đối với những người dân quá khích nên bình tĩnh chờ cấp trên giải quyết.

Trước đó, UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 505 về việc khẩn trương khắc phục sự cố rò rỉ dầu fusel tại Nhà máy Sản xuất cồn ethanol Đại Tân. Công văn yêu cầu UBND huyện Đại Lộc khẩn trương chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu phương án di dời dân, công trình nước sạch cho khu tái định cư di dời dân khu vực ảnh hưởng của nhà máy. Tuy nhiên, đến nay, sở dĩ người dân Đại Tân chưa đồng tình với việc cho nhà máy hoạt động trở lại bởi công tác thống kê, di dời dân, các chế độ hỗ trợ di dời, hỗ trợ người dân ổn định nơi ở mới vẫn chưa được quan tâm kịp thời. Nhiều người dân Đại Tân yêu cầu phải được hỗ trợ di dời trước khi nhà máy hoạt động trở lại để chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường sống khu dân cư kéo dài nhiều năm qua.

Theo ông Hồ Thanh Phương - Trưởng phòng Tài nguyên & môi trường huyện Đại Lộc, sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên & môi trường, Phòng Tài nguyên & môi trường huyện cũng đã tích cực tham mưu UBND phương án di dời đối với những hộ dân nằm trong diện bị ảnh hưởng. Theo đó, có khoảng 10 hộ dân thuộc diện phải di dời. Hiện, phía xã Đại Tân đang khảo sát lại số hộ bị ảnh hưởng để đề xuất di dời. 

Trao đổi với báo giới, ngày 20.2, ông Phạm Văn Tĩnh - Phó Giám đốc Nhà máy Sản xuất cồn ethanol Đại Tân cho rằng, nhà máy đã khắc phục xong sự cố tràn dầu fusel và cam kết cung cấp nước sinh hoạt, nước uống cho 41 hộ dân xung quanh. “Khi vận hành trở lại, chúng tôi cam kết sẽ tuân thủ các quy định về môi trường, nếu để xảy ra sự cố như vừa qua, hoặc nếu người dân phát hiện công ty có xả thải ra môi trường chưa qua xử lý thì nhà máy sẽ tự đóng cửa” - ông Phạm Văn Tĩnh nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Việc cho phép Nhà máy Sản xuất cồn Ethanol Đại Tân (Đại Lộc) hoạt động trở lại: Dân vẫn phản đối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO