Việc học ở phủ Tam Kỳ xưa

LƯƠNG QUẾ (*) 03/09/2016 09:02

Năm 1906, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định sửa đổi phép học, phép thi Nho học ở Trung kỳ. Từ đây, trong các kỳ thi Hương, cùng với các bài thi chữ Nho phải có bài thi chữ quốc ngữ.

Học sinh Trường THPT Trần Cao Vân - Tam Kỳ giờ tan học.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Học sinh Trường THPT Trần Cao Vân - Tam Kỳ giờ tan học.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Cùng với cả tỉnh cả nước, việc học ở phủ Tam Kỳ xưa dần thay đổi. Lớp học sinh lúc ấy, bên cạnh việc học chữ Nho đã đồng thời học thêm chữ quốc ngữ tại nhà các thầy đồ để sau đó được sát hạch vào học trường Huấn (trường dạy học thuộc đơn vị tổng).

Trường trong làng

Ở phủ Tam Kỳ, trường Huấn đặt tại làng Chiên Đàn, lỵ sở đầu tiên của phủ. Tại đây, học sinh được học cấp Vỡ lòng để thi lấy bằng Tuyển sanh. Có bằng Tuyển sanh rồi mới được vào học trường Đốc (tức trường tỉnh) để lấy bằng Học sanh; sau đó mới được dự kỳ thi Hương. Các thầy đồ dạy chữ quốc ngữ vào thời kỳ này gồm 3 thành phần: một là các thầy đang dạy chữ Nho ở các trường Huấn có biết chữ quốc ngữ; hai là lớp thầy giáo xuất thân từ các trường do Phong trào Duy tân ở địa phương mở ra như trường Tân học ở Phú Lâm hoặc trường Giáo ở Thăng Bình; ba là các thầy ở các huyện khác, tỉnh khác đến - các thầy này thường có trình độ cao hơn vì một số được học chữ quốc ngữ bài bản ở các trường Pháp - Việt do người Pháp mở sớm ở Đà Nẵng, Huế; số khác xuất thân từ các trường Thông ngôn chuyên đào tạo các người phiên dịch Pháp - Việt.

Đến năm 1918, khi thi cử chữ Nho hoàn toàn bị bãi bỏ, người Pháp đã thiết lập ở khắp Trung kỳ hệ thống trường Pháp - Việt bao gồm các bậc Sơ học, Tiểu học và Trung học. Ở phủ Tam Kỳ lúc ấy, bậc Sơ học có các trường tổng và trường làng. Theo quy định, mỗi tổng chỉ được mở một trường gọi là “trường tổng” - trường tổng mở sớm nhất và cũng là duy nhất ở phủ Tam Kỳ là trường Chiên Đàn (kế tục trường Huấn dạy chữ Nho trước đó) gồm ba lớp: Đồng ấu hay lớp Năm, Dự bị hay lớp Tư, Sơ đẳng hay lớp Ba tương đương các lớp 1, 2, 3 bây giờ; mỗi lớp do một thầy phụ trách.

Do nhu cầu học quốc ngữ của con em tăng nhanh, lại không có điều kiện mở trường tổng, nên các xã ở vùng phủ Tam Kỳ xưa đã lần lượt xin phép mở các trường làng. Khác với trường tổng, do thiếu thầy nên ở trường làng thường một thầy dạy kiêm hai ba lớp từ Đồng ấu đến Sơ đẳng. Một số phụ huynh ở các xã ít dân, nghèo khó, điều kiện đi lại khó khăn không thể mở trường công đã họp nhau xin phép mở trường tư; mời thầy đến dạy. Các thầy này thường được phụ huynh chia nhau luân phiên phục vụ việc ăn ở, mỗi nhà phụ trách một thời gian; công xá và quà biếu vào các dịp lễ, tết thường không khác cách đối xử của phụ huynh với các thầy đồ nho trước đó là mấy. Học sinh tại các tư thục kiểu này có một số lớn tuổi, họ đi học mong kiếm mảnh bằng Yếu lược để được miễn đi canh gác, làm tạp dịch và các công việc phu phen khác -  theo như quy định của làng xã đương thời. Lớp học tại các trường kiểu này thường đặt ở một nhà dân rộng rãi hoặc đặt ở đình làng.

Học trò cấp này lớn nhỏ khá chênh lệch: lớn thì khai nhỏ tuổi lại; tất cả ngồi chung một phòng, lớp này lớp kia phân biệt theo cụm chỗ ngồi. Ít học sinh có sách giáo khoa, một phần do phụ huynh nghèo và tiệm bán sách lại ở xa. Nội dung sách, nhất là sách tập đọc, có nhiều bài hay, học sinh dễ thuộc lòng. Thời khóa biểu thì xếp để một thầy tiện chăm cả mấy lớp một lúc; trong khi lớp này làm bài thì lớp kia xem bài thầy trả; còn thầy thì giảng bài cho lớp khác.

Học sinh Sơ học ở các trường làng xã nói trên thường yếu về môn tiếng Pháp so với các học sinh Sơ học tại vùng phủ lỵ vốn được học môn này đầy đủ hơn. Vì thế, khi vào bậc Tiểu học, thường phải học lại lớp Ba một năm nữa để hoàn bị vốn tiếng Pháp theo yêu cầu.

Trường ngoài phủ

Qua bậc Sơ học, học sinh các trường làng, xã phải vào phủ lỵ để học tiếp bậc Tiểu học tại trường Pháp - Việt do phủ Tam Kỳ thành lập. Loại trường này, sau năm 1936 người Việt ta quen gọi là “trường Kiêm bị”. Bậc tiểu học gồm 3 lớp: Nhì nhất niên, Nhì nhị niên và lớp Nhất - tương đương với học trình của hai lớp 4 và lớp 5 bây giờ. Ở trường Pháp - Việt Tam Kỳ, mỗi lớp được học với một thầy; ngoài các môn bắt buộc theo chương trình, học sinh còn phải học môn “Hán tự” mỗi tuần hai giờ và một giờ học môn thể dục vào mỗi thứ Năm. Cuối năm lớp Nhất, học sinh phải ra đến tỉnh lỵ Hội An để thi lấy bằng Tiểu học Pháp - Việt. Văn bằng này do Bộ Giáo dục của Nam triều (Nguyễn) đương thời cấp có Cố vấn Pháp đại diện cho Khâm sứ Trung kỳ ký tên và đóng dấu bên cạnh. Từ năm 1941, học sinh khỏi ra Hội An vì có tổ chức thêm một điểm thi ngay tại Tam Kỳ.

Các thầy giáo dạy trường Tiểu học Pháp - Việt ở Tam Kỳ xuất thân từ ngạch Trợ giáo (có bằng Tiểu học và tốt nghiệp trường Sư phạm) hoặc Giáo học (có bằng Cao đẳng Tiểu học và tốt nghiệp trường Sư phạm). Các thầy dạy Sơ học ở các xã thường xuất thân từ ngạch Hương sư (có bằng Tiểu học và qua một khóa tu nghiệp sư phạm ngắn). Đặc biệt, đã có một số phụ nữ vùng Tam Kỳ tốt nghiệp ngạch Trợ giáo và dạy ở một trường nữ duy nhất trong cả phủ - đó là trường Nữ Tiểu học đặt ở gần khu vực Quỳnh phủ hội quán (nay có trường Dục Trí, ở ngả tư Tôn Đức Thắng - Phan Châu Trinh).

Thanh tra việc học giao cho một giáo thọ. Ông này đi “khám trường” không báo trước. Sau khi xem xét trường lớp, sổ sách, dự giờ… ông giáo thọ thanh tra này ghi vào “Sổ thanh tra” (do thầy giáo từng lớp giữ) những điều phê phán (viết bằng chữ Pháp). Ý kiến thanh tra là tiếng nói khá mạnh, nên các thầy dạy học - dù là rất có lương tâm, trách nhiệm - vẫn lo. Trường tiểu học Pháp - Việt Tam Kỳ, trường Nữ Tiểu học Tam Kỳ thỉnh thoảng có thanh tra Pháp ở Đà Nẵng đến khám. Khổ nhất đối với các thầy là bị dòm ngó về chính trị. Chính quyền sở tại thời Pháp thuộc rất mẫn cán theo dõi các thầy sít sao - đặc biệt đối với các thầy cô có tư tưởng tiến bộ, yêu nước.

Đỗ tiểu học xong, học sinh nào muốn học nghề thì thi vào trường Bách công ở Huế hoặc xin việc ở các ngành chuyên môn hoặc các Sở tư. Người nào muốn học tiếp bậc Trung học phải thi vào trường Trung học (collège) Quy Nhơn hoặc Đồng Khánh (nữ), Lycée Khải Định (nam) ở Huế; ít người Tam Kỳ ra học trung học ở trường Vinh (Nghệ An) vì quá xa. Không chen vào được các trường công nói trên thì vào các trường tư thục vốn có ở Huế, Đà Nẵng hoặc ở Hội An (mở từ sau năm 1939).

Sau 4 năm học ở collège hoặc lycée, học sinh đi thi lấy bằng thành chung, tức cao đẳng tiểu học, mà ta quen gọi là diplôme. Học sinh Quy Nhơn thi viết ở trường mình; đủ điểm đậu thi viết thì mới ra Huế thi vấn đáp. Loại bằng này do Nha học chánh Đông Pháp cấp và có ấn ký của Toàn quyền Đông Pháp ở Hà Nội. Có văn bằng này mới được học tiếp chương trình tú tài bản xứ hay tú tài Pháp. Đỗ diplôme xong học thêm hai năm thi lấy bằng tú tài bán phần; nếu đỗ, học một năm nữa lấy bằng tú tài toàn phần để vào Đại học Hà Nội mở khoảng năm 1936 đào tạo bác sĩ, kỹ sư, cử nhân.

Ít người đỗ đạt

Ở Tam Kỳ, số người đỗ diplôme thời Pháp thuộc rất ít. Khai khoa có lẽ là ông Nguyễn Quý Hương, người làng Mỹ Thạch (nay thuộc phường Tân Thạnh, Tam Kỳ), cư ngụ ở Quán Rường (nay thuộc xã Tam An, huyện Phú Ninh) về sau làm thư ký cho cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Tòa soạn báo Tiếng Dân. Kế tiếp, sớm nhất là ông Võ Di (Chiên Đàn), sau Hiệp định Genève, công tác ở miền Bắc; rồi đến ông Nguyễn Lương Duyên (Kỳ Lý, Tam An) hồi kháng chiến chống Pháp làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chánh kháng chiến Tam Kỳ một thời gian. Lớp tiếp sau có khoảng hơn 10 người trong đó có anh em ông Đống Lương, Đống Ngạc. Hai ông này tập kết ra Bắc; ông Lương là Nhà giáo Nhân dân, ông Ngạc từng là thư ký riêng của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Đỗ tú tài bán phần và toàn phần, tốt nghiệp bậc đại học thì rất ít ỏi.

Thời cựu học, huyện Hà Đông đã sản sinh nhiều bậc khoa bảng. Thời tân học, số người có bằng cấp thấp đã ít mà số có bằng cấp khá hơn lại càng hiếm, nói chi đến trình độ đại học. Thực dân Pháp và triều đình Huế không chối cãi vào đâu được về chính sách ngu dân của họ. Sự khó khăn trong việc cho phép mở trường hoặc không chịu mở trường đã là rào cản trên đường học vấn của nhân dân thời Pháp thuộc. Tam Kỳ là phủ nghèo, mấy ai có đủ điều kiện (nhất là dân nông) để đi học trường phủ hay là trường ở xa hơn? Chương trình lại dạy toàn tiếng Pháp từ lớp Nhì là rào chắn thứ hai hết sức ngặt nghèo; sự sàng lọc vì thế trở nên gắt gao, làm rơi rụng khá nhiều những mầm non chưa kịp phát triển.

LƯƠNG QUẾ (*)

_______
(*) Thầy giáo hưu trí Lương Quế qua đời vào tháng 6.2016. Bài viết này do người thân của ông - tác giả Phú Bình gửi đến tòa soạn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Việc học ở phủ Tam Kỳ xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO