Việc làm ở châu Á - Thái Bình Dương phục hồi chậm

NAM VIỆT 28/11/2022 16:53

(QNO) - Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), thị trường việc làm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương phục hồi chậm trong khi triển vọng tăng trưởng trong tương lai vẫn còn nhiều thách thức.

Người lao động tại châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters
Người lao động tại châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters

Thị trường lao động của khu vực vẫn chưa quay trở lại quỹ đạo trước khủng hoảng đại dịch COVID-19 trong khi vẫn có nhu cầu rõ ràng để thúc đẩy việc làm bền vững trong các lĩnh vực sử dụng phần nhiều lao động.

Theo ILO, tổng số thanh niên thất nghiệp trên toàn thế giới dự kiến sẽ còn 73 triệu người vào năm 2022, giảm 2 triệu người so với năm trước, cải thiện một ít so với năm 2021 (75 triệu người), nhưng vẫn cao hơn 6 triệu so với mức của năm 2019 - trước đại dịch COVID-19.

Riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương có khoảng 22 triệu người thất nghiệp, dự đoán sẽ tăng lên 26 triệu người vào năm 2023 do những trở ngại đối với tăng trưởng trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu và khu vực hiện nay.

Tổng số giờ làm việc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2022 vẫn thấp hơn so với năm 2019 trong khi tỷ lệ thất nghiệp của khu vực năm nay là 5,2%, tăng 0,5 điểm phần trăm so với năm 2019.

Bà Chihoko Asada Miyakawa - Giám đốc ILO khu vực châu Á -  Thái Bình Dương nói: “Mặc dù xu hướng việc làm ở châu Á - Thái Bình Dương có vẻ tích cực, nhưng thị trường lao động của khu vực vẫn chưa quay trở lại con đường trước khủng hoảng với nhiều thách thức khác đang phủ bóng đen lên triển vọng tăng trưởng trong tương lai”.

Vì thế, bà Chihoko Asada Miyakawa cho rằng, điều quan trọng là chúng ta phải mang lại sự tăng trưởng toàn diện và lấy con người làm trung tâm trong khu vực, chứ không phải bằng lòng với sự phục hồi mà gần như dựa trên việc làm phi chính thức và chất lượng kém.

Báo cáo của ILO tiết lộ, công nghệ thông tin và dịch vụ thông tin là lĩnh vực phát triển nhanh nhất của khu vực về tăng trưởng việc làm, nhưng chỉ có 9,4 triệu người làm việc trong lĩnh vực này vào năm 2021, tương ứng 0,5% tổng số việc làm.

Ngược lại, 3 lĩnh vực tạo việc làm lớn nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nông nghiệp, lâm nghiệp và đánh bắt cá; chế tạo; thương mại bán buôn và bán lẻ. Những lĩnh vực này tổng cộng chiếm 1,1 tỷ lao động vào năm 2021, tương đương 60% trong tổng số 1,9 tỷ lực lượng lao động của khu vực.

Cạnh đó, báo cáo phân tích của Công ty Phân tích Moody’s (thuộc Tập đoàn Tài chính Moody’s tại Mỹ) mới đây nhận định, kinh tế châu Á - Thái Bình Dương có thể không rơi vào suy thoái nhưng tăng trưởng kinh tế của khu vực vào năm 2023 tăng trưởng chậm hơn so với năm 2022.

Bà Sara Elder - chuyên gia kinh tế cấp cao của ILO và là tác giả chính của báo cáo trên cho biết, thách thức trong tương lai là tăng cường và duy trì sự quan tâm của chính sách cũng như đầu tư công để đạt được việc làm bền vững và hòa nhập trong tất cả lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực mà phần lớn mọi người làm việc.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Việc làm ở châu Á - Thái Bình Dương phục hồi chậm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO