Những ngày tác nghiệp tại ổ dịch bạch hầu thôn 8A và 8B xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tôi không khỏi rùng mình. Tôi không sợ thứ dịch bệnh kia sẽ lây vào mình, mà khiếp sợ trước việc người dân nơi đây đang xem thường tính mạng của mình và người thân. Dịch bệnh làm 3 người chết, 10 người khác mắc bệnh nhưng họ chỉ biết sợ mà chẳng biết lo.
|
Đời sống thôn 8B, xã Phước Lộc - Phước Sơn còn nhiều khó khăn, lạc hậu.Ảnh: VĂN HÀO |
Nặng hủ tục
Bất đắc dĩ, các y - bác sĩ, cán bộ phải tiến hành thúc ép, có phần “cưỡng chế” người dân vùng ổ dịch uống thuốc phòng ngừa và chữa trị bạch hầu. Ấy nhưng câu hỏi làm sao “cưỡng chế” được những tập tục mê tín, cúng bái của người dân thì vẫn chưa có lời giải. Bởi với người dân vùng dịch, viên thuốc và cây kim tiêm cũng đang làm họ sợ như ma quỷ, thần linh đã ăn sâu vào tiềm thức.
Cháu bé Hồ Thị Đẩy (2 tuổi), con của vợ chồng Hồ Văn Thiên, xanh xao yếu ớt trên tay mẹ. Sau liên tiếp 3 cái chết của người dân trong thôn, được nhận định có ổ dịch, cháu bé được xác định là một ca bệnh nặng, thế nhưng gia đình không cho con đi chữa trị dù rằng cán bộ y tế từ sở đến huyện và xã hết lời vận động. Đâm trâu, cúng bái đó là cách vợ chồng này cứu con mình. Bất đắc dĩ, cán bộ xã và y - bác sĩ phải đưa ra phương án chữa trị tại nhà, bằng cách hàng ngày cử người phát thuốc tận tay, rồi tìm cách dỗ dành vợ chồng này cho con uống thuốc đều đặn. Dù biết gia đình nghèo này vay mượn tổ chức đâm trâu, cúng bái tiêu tốn gần 25 triệu đồng nhưng chính quyền cũng chỉ biết khoanh tay đứng nhìn, không thể nào cấm đoán được. Thuốc vẫn uống, trâu vẫn đâm. Rồi đây, cháu bé khỏe mạnh, vợ chồng này cũng như dân làng sẽ tin vào viên thuốc hay chiếc đầu trâu treo giữa nhà khi mà anh chồng vẫn nói như đinh đóng cột: “Cúng rồi. Không chết đâu mà lo!”.
Theo kế hoạch, dịp 2.9 này Phước Lộc sẽ có điện lưới quốc gia sau bao năm chờ đợi. Nhưng bước đầu cũng chỉ 2/5 thôn được thắp sáng. Mai này, ánh điện liệu có rọi sáng tâm hồn, dẫn lối dân làng nơi đây thoát khỏi bóng tối bao trùm lâu nay bởi hủ tục? |
Đó chỉ là một trong các trường hợp gia đình có người mắc bệnh hay có triệu chứng bị bệnh bạch hầu nhưng không chịu đi khám, điều trị ở cơ sở y tế mà chỉ ở nhà cúng bái.
Theo ngành y tế, vi rút bạch hầu ủ bệnh lâu ngày sẽ bùng phát thành ổ dịch là điều dễ lý giải. Nhưng nguy hiểm hơn, một loại “dịch bệnh” khác cũng bùng phát trở lại ở Phước Lộc đó là những tập tục, quan niệm mê tín lạc hậu của người dân địa phương. Dịch sẽ dập, nhưng liệu những hủ tục kia có dập được, đó mới là câu hỏi lớn?
Những nghi vấn chờ lời đáp
Ngồi với ông Nguyễn Đức Toàn - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc mới hiểu được khó khăn của người lãnh đạo vùng cao này thế nào. Cái chết rình rập, cán bộ nói rát cổ họng nhưng dân không nghe. Theo ông Toàn, dịch bệnh bùng phát, tỉnh, huyện và xã chung sức thì có thể dập, nhưng những hủ tục cúng bái lại là mối lo, nguy hiểm gấp mấy lần dịch bệnh kia, dù rằng chính quyền đã nỗ lực hết mình.
Ông Toàn cũng cho biết, vì không có điện nên việc tiêm chủng từ lâu ở đây không đảm bảo, thậm chí không thể thực hiện được, bởi vắc xin lên đây không có tủ lạnh, làm sao bảo quản(?). Ướp đá lạnh từ dưới huyện mang lên đến nơi cũng đã tan rồi. Uống thuốc phòng chữa bệnh khi dịch đã bùng phát mà cán bộ, y - bác sĩ còn phải “cưỡng chế”, thúc ép họ mới chịu uống, thì chuyện chích kim tiêm vào người là cả một vấn đề. Thế nên nếu vắc xin có về đến nơi thì việc vận động tiêm phòng cho trẻ là điều không dễ thực hiện.
Từ câu chuyện ở Phước Lộc, nghĩ đến tỷ lệ 95,6% số trẻ em tiêm chủng các bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế, trong đó có bệnh bạch hầu, ở huyện Phước Sơn mà ông Giám đốc Trung tâm Y tế huyện trả lời báo chí khiến nhiều người có quyền nghi ngờ về độ chính xác, khi mà hơn 60% dân số của huyện là người dân tộc Bh’noong sinh sống giữa núi rừng?
Bệnh tật, chết chóc ở Phước Lộc, ngành y tế khẳng định là bạch hầu, nhưng câu hỏi nguồn gốc xuất phát từ đâu vẫn chưa có lời đáp? Theo phản ánh của người dân, có thể xuất phát từ những bãi vàng, do chất độc đã ngấm sâu vào đất vào nước ở đây nên người dân đang nhiễm độc. Chuyện 4 phu vàng bỗng chốc chết khi chui ra hầm lò khai thác cùng với triệu chứng sưng cổ, đau họng từ năm 1997 và lác đác những cái chết trong vùng dân cư có cùng triệu chứng thời gian gần đây khiến mọi người nghi ngại. Ngành y tế khẳng định đã có ổ dịch bạch hầu khi chỉ một trong số 10 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm dương tính với bạch hầu, liệu có chính xác? Câu trả lời xin dành cho cơ quan chuyên môn.
Cấp thiết an dân Tăng cường công tác phòng chống dịch ở xã Phước Lộc hiện nay là điều cấp thiết. Tuy nhiên, chuyện ổn định tư tưởng đồng bào cũng cấp thiết không kém. Bởi, thôn 8B của Phước Lộc từng xảy ra chuyện bỏ làng vì “cái chết xấu”. Như Báo Quảng Nam đã có bài phản ánh, từ năm 2009 đến đầu năm 2014, tại thôn 8B có 3 trẻ em và 4 người lớn chết một cách bất thường và người dân cho đó là những “cái chết xấu” nên bỏ làng. Việc di cư này không xảy ra đột ngột mà lặng lẽ kéo dài, bắt đầu từ năm 2013 khi trong làng liên tiếp xuất hiện những cái chết bất thường của trẻ con, và đến tháng 6.2014 cả 16 hộ với hơn 90 nhân khẩu của thôn 8B rời khỏi làng. Nay làng lại xảy ra những cái chết bất thường, chúng tôi hỏi chuyện vài người trong làng rằng, có bỏ làng lên rừng như năm trước, câu trả lời nhận được: “Họ toàn chết ở trên rẫy hoặc bệnh viện chứ có chết trong làng này đâu”. Và sự thật, 6 trường hợp tử vong vào tháng 5 và tháng 7 vừa rồi không một ai chết tại làng. Đưa ra một giả thuyết, nếu có người chết tại làng thì sao? Không ai dám chắc đồng bào lại không bỏ làng. Gia đình ông Nguyễn Chí Trung là người Kinh duy nhất tại đây. Lên định cư từ năm 1991, ông Trung (60 tuổi) cho biết, thôn 8B này đã có tới 2 lần thay đổi chỗ ở. Gần 25 năm sinh sống chốn này, thăng trầm ngôi làng, ông nắm trong lòng bàn tay. Ông kể, ban đầu họ sống phân tán trên núi, sau đó chuyển xuống dưới chỗ thấp hơn, lập làng. Đến năm 2014, bà con chuyển về làng mới cách làng cũ vài chục mét. Con số 18/18 hộ hiện nay đều thuộc diện nghèo chỉ lột tả được phần nào những thiếu thốn, lạc hậu cho những ai chưa từng mục sở thị cuộc sống nơi này. Chuyện sinh con đẻ cái, có gia đình tới 10 đứa. Nheo nhóc, ít học. Việc xuất hiện ổ dịch bạch hầu tại các thôn 8A, 8B khiến địa phương, ngành y tế đối mặt với nhiều nỗi lo. Song thiết nghĩ, để tránh nhiều nỗi lo khác, việc thường xuyên túc trực tại các thôn để ổn định tư tưởng, tuyên truyền thay đổi nhận thức đồng bào vào lúc này là vô cùng cấp thiết. Bởi, một khi xảy chuyện bỏ làng, việc đưa dân quay về không phải chuyện dễ, như sự việc xảy ra tại 8B vào giữa năm 2014. (VĂN HÀO) |
NGUYỄN THÀNH