(QNO) - Buổi hội thảo với nội dung "Giám sát và dự phòng Viêm gan virut B,C" do Hội Y học dự phòng Việt Nam tổ chức tại TP.Đà Nẵng vào chiều 18.7 đã đưa ra nhiều thông tin hữu ích về căn bệnh này và thực trạng ở Việt Nam hiện nay.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Q.T |
Bệnh viêm gan Virut B,C diễn tiến thầm lặng
Theo số liệu thống kê vào năm 2014, ước tính trên thế giới có 240 triệu người nhiễm viêm gan B mạn tính trong đó có 780.000 ca tử vong mỗi năm. Trong khi đó, có khoảng 150 triệu người nhiễm viêm gan C mạn tính trong đó có khoảng 350.000 đến 500.000 ca tử vong mỗi năm.
Hiện nay ở Việt Nam chưa có hoạt động giám sát một cách hệ thống viêm gan B,C dù là trong bệnh viện hay ở cộng đồng. Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm và Hội Y khoa lâm sàng HIV/AIDS Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, công tác giám sát viêm gan virut được lồng ghép vào hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia và số liệu báo cáo chủ yếu dựa vào kết quả chẩn đoán lâm sàng, không quản lý đến từng ca bệnh được.
GS.TS Nguyễn Văn Kính thuyết trình tại hội thảo. Ảnh: Q.T |
Tại hội thảo, các đại biểu chỉ ra những nhóm dân số có nguy cơ cao nhiễm virut viêm gan B,C cao gồm: tiêm chích ma túy, người làm nghề mại dâm, đồng tính nam, nhân viên chăm sóc y tế, bệnh nhân phải lọc máu chu kỳ, người phải thường xuyên truyền máu hoặc chế phẩm máu...
Để sàng lọc nhiễm virut viêm gan B, xét nghiệm kháng nguyên bề mặt (HBsAg) là phương thức ban đầu để phát hiện một người có nhiễm HBV mạn tính. Nhiễm bệnh mạn tính được định nghĩa là sự tồn tại của virut từ 6 tháng trở lên và sự vắng mặt của kháng thể IgG kháng nguyên lõi virut viêm gan B (IgM anti-HBc).
Với xét nghiệm viêm gan C mạn tính, dùng xét nghiệm Anti-HCV nếu có phản ứng ghi nhận dương tính thì tương ứng với nhiễm HCV cần tiến hành các xét nghiệm đo tải lượng virut để khẳng định tình trạng nhiễm.
Hiện vẫn còn tồn tại nhiều thách thức trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng viêm gan virut B ở nước ta như: Năng lực cán bộ y tế trong chẩn đoán điều trị tuyến tỉnh/huyện còn hạn chế, xét nghiệm đo tải lượng HBV không có sẵn tại nhiều tỉnh, giá thuốc điều trị tại Việt Nam còn cao, dự phòng lây truyền HBV từ mẹ sang con chưa được quan tâm...
Việt Nam chưa hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ nhiễm viêm gan B
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: "Từ lâu thế giới đã xem viêm gan B là vấn đề y tế công cộng toàn cầu". Đến năm 2015, ước tính có 257 triệu người nhiễm HBV mạn tính.
Khu vực Tây Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam hiện là khu vực có tỷ lệ nhiễm HBV ở người trưởng thành cao nhất thế giới (cao hơn cả khu vực châu Phi) với tỉ lệ khoảng 6,2%. Trong đó, Việt Nam là một trong 5 quốc gia/vùng lãnh thổ của khu vực chưa đạt mục tiêu giảm tỷ lệ nhiễm viêm gan B <1% trong năm 2017. Cùng với Việt Nam còn có Lào, Papua New Guinea, Solomon Islands và Kiribati.
PGS.TS Trần Như Dương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Q.T |
Hiện nay, vắc xin viêm gan B đã bảo vệ khoảng 4,5 triệu trẻ em chống lại HBV mỗi năm, số trường hợp nhiễm viêm gan B mạn tính ở trẻ <5 tuổi đã giảm xuống dưới 1,3% vào năm 2015 nhưng theo PGS.TS Trần Như Dương, Việt Nam còn có rất nhiều việc phải làm để hoàn thành được mục tiêu giảm tỷ lệ nhiễm viêm gan B xuống dưới 1%.
Theo chiến lược triển khai tiêm vắc xin viêm gan B trong tiêm chủng mở rộng của Việt Nam, việc tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh đạt phải khoảng từ 70% trở lên và duy trì tỷ lệ tiêm viêm gan B3 cho trẻ dưới 1 tuổi trên quy mô huyện từ 95% trở lên.
Tuy chưa đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ nhiễm viêm gan B xuống dưới 1% nhưng Việt Nam đã có những cố gắng lớn đáng khích lệ. Từ chỗ chỉ có 2 địa phương triển khai tiêm vắc xin viêm gan B vào năm 1997 đến năm 2010 đã có 63/63 tỉnh, thành triển khai tiêm đầy đủ 3 liều cách nhau 1 tháng không có liều sơ sinh.
QUỐC TUẤN