Viết cho ba!

DUY HIỂN 31/08/2017 09:51

Bây giờ tuổi con đã gần gấp đôi tuổi ba khi ba ngã xuống. Người đời vẫn thường nghĩ người chết không già thêm, nghĩa là họ “hóa thạch” cuộc đời mình vào cái thời khắc ấy. Bao nhiêu người vẫn “mãi mãi tuổi hai mươi” là vậy. Còn với con, dù khi con lên mười, hay như bây giờ tóc đã chớm bạc, con vẫn thấy luôn bé bỏng trước ba. Những năm còn khỏe, mẹ hay kể về ba. Rằng so với con, chị con vẫn sướng nhất vì hay được ba ẵm bồng; lúc ấy chiến tranh chưa bùng lên. Còn con chỉ “gặp” ba khi mẹ đóng vai người quảy giỏ đi mua lá dâu, mang cái bụng bầu lặc lè lên Trường Cửu, bây giờ đã chìm dưới hồ Phú Ninh, tìm ba. Đấy là lần “gặp gỡ” đầu tiên và cũng là lần cuối cùng của con với ba. Các cô chú sau này kể lại buổi sáng ấy toán Mỹ CAP (phối hợp hành động) đã phóng đạn M79 vào nơi ba đứng cảnh giới trên núi Ông Cổ thuộc căn cứ lõm Khánh Trường cho đồng đội ngủ sau đêm đi hoạt động về. Quả đạn không giết ba ngay tức khắc, nhưng mảnh nó xén vào đùi ba như một vết chém. Sau này bốc mộ ba về nghĩa trang liệt sĩ, con cũng thấy đúng như vậy. Các bác sĩ bảo gãy xương đùi đau lắm, người bị nạn có thể chết không phải vì vết đứt gãy mà vì sốc do đau. Cái buổi sáng mùa đông - tháng mười năm ấy, khi mảnh đạn M79 phạt qua như một đường gươm bén ngọt ấy chắc ba đau lắm phải không ba. Ba nằm giữa vũng máu lênh láng ấy, chắc thế nào cũng nghĩ về ba mẹ con con phải không ba?! Mẹ kể, khi con mới sinh ra, ông nội nóng lòng muốn xem mặt thằng cháu trai duy nhất nên nhắn về bảo con dâu bồng cháu lên cứ. Thấy thằng cháu èo uột vì suy dinh dưỡng nặng, ông nội bảo: “Thằng này lớn lên làm gì mà ăn?”. Còn ba, khi cái chết đang lạnh lùng tiến tới, ba nghĩ gì về tương lai của đứa con trai mới 3 tuổi hả ba?

Hôm nay, con chợt bắt gặp bài thơ “Lời người liệt sĩ dặn con” của nhà thơ Bế Kiến Quốc. Bài thơ đã lay động mãnh liệt tâm can con ba ạ. Tác giả không ghi rõ bài thơ viết khi nào, chỉ biết người con - nhân vật trữ tình trong bài thơ ấy hãy còn bé nhỏ. “Lớn lên nhé, con ơi!/ Lớn như một cánh chim giữa bầu trời trong sạch!/ Khi ngã xuống, cha nằm ngửa mặt/ Và mỉm cười: Bầu trời dành cho con!...”. Đoạn thơ thật hay với những hình tượng thơ đầy ẩn dụ. Thời ấy, thế hệ của ba, ai đi chiến đấu mà không tin sắt đá rằng sẽ đem lại cho con cháu một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng ba ơi bây giờ tóc con đã bắt đầu bạc, con đã tận mắt thấy những điều trần trụi và đau xót.

Lời người liệt sĩ dặn con

Lớn lên nhé, con ơi/ Lớn như một cái cây tắm đầy ánh sáng/ Khi ngã xuống, vẫn bàn tay dũng cảm/ Cha đã đổi về ánh sáng ấy cho con/ Lớn lên nhé, con ơi!/ Lớn như một cánh chim giữa bầu trời trong sạch/ Khi ngã xuống, cha nằm ngửa mặt/ Và mỉm cười: Bầu trời dành cho con!/ Lớn lên nhé, con ơi/ Và đừng hỏi: cha còn hay mất?/ Cha vẫn sống trong lòng mọi người/ Cha vẫn sống trong ánh sáng, bầu trời/ Hãy lớn lên, con ơi/ Làm cánh chim bay cao, làm thân cây mọc thẳng/ Làm một người biết ước mơ và có lòng dũng cảm/ Dưới ánh sáng, bầu trời/ Mà cha đã đổi về. Hãy lớn lên, con ơi!/ Hãy lớn lên, lớn lên/ Và đừng hỏi: cha còn hay mất?/ Cha sống mãi trong lòng mọi người/ Cha sống mãi trong ánh sáng, bầu trời/ Bầu trời và ánh sáng/ Con phải biết hưởng cho xứng đáng/ Phải làm chim bay cao, phải làm cây mọc thẳng/ Phải lo âu giữ gìn/ Hãy lớn lên, con ơi, lớn lên!”. (Bế Kiến Quốc)

“Hãy lớn lên, con ơi/ Làm cánh chim bay cao, làm thân cây mọc thẳng/ Làm một người biết ước mơ và có lòng dũng cảm/ Dưới ánh sáng, bầu trời/ Mà cha đã đổi về. Hãy lớn lên con ơi!...”. Lời thơ cứ bám riết lấy con, ba ạ. Không có thơ ca thì cuộc đời này trần trụi và lạnh lẽo lắm. Nhưng giữa thơ ca và đời thực đôi khi khoảng cách khá xa. Mỗi thời đều có thách thức lịch sử của mình. Thời của ba, đối điện với cái chết - dù là chết cho đại nghĩa, cũng không dễ gì. Bởi con người sinh ra không phải để chết, phải không ba?! Còn bây giờ, thứ đối diện dù không phải là bom đạn, nhưng “làm một người biết ước mơ và có lòng dũng cảm” cũng hoàn toàn không dễ.

Ba ơi “làm cánh chim bay cao, làm thân cây mọc thẳng” con thấy sao khó quá. Có thể do con hèn nhát, con thiếu lòng dũng cảm!? Câu tự vấn này luôn day dứt lòng con. Mà đúng vậy, so với ông nội và ba, con đã hèn rất nhiều. “Nhà lao, máy chém, chiến trường” thế hệ ông nội và ba đã trải qua hết rồi. Bây giờ cuộc sống dường như không đặt những lựa chọn sinh tử. Nhưng bây giờ là nạn nội xâm. Hiện nay Đảng đang căng mình chống lại mối nguy “tự suy thoái”, “tự diễn biến”. Trước quá nhiều chuyện bê bối hiện hữu, ai cũng hăng hái phê phán, chỉ trích, oán trách… nhưng mấy ai dám tự nhận mình là “tự suy thoái”, “tự diễn biến”... Nhiều kẻ cứ oang oang như vậy, và cứ như là phần lớn đã “tự suy thoái”, đã “tự diễn biến”cả rồi, chỉ có tôi là chưa! Và con nghĩ mình cũng ở trong đó thôi.

Ba ạ. Nghĩa trang xã mình có hơn 600 liệt sĩ. Mỗi nấm mộ ấy là câu chuyện chứa đựng một phần lịch sử. Và mang theo cả những ưu - khuyết riêng tư của từng cá nhân khi đi vào cuộc chiến. Nhưng hy sinh của mỗi người cho đất nước là trọn vẹn, vì đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Bây giờ cuộc sống đặt ra những nội dung khác, thách thức khác. Thời của con bây giờ, sống cho đúng nghĩa con người, “…phải biết hưởng cho xứng đáng/ Phải làm chim bay cao, phải làm cây mọc thẳng/ Phải lo âu giữ gìn…” là không dễ. Con hiểu rõ điều ấy, và con tự hiểu sức mình. Con chỉ thưa ba rằng con sẽ luôn cố gắng.

DUY HIỂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Viết cho ba!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO