Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh

NAM VIỆT 27/10/2016 10:24

Sáng 26.10, Ngân hàng thế giới (WB) chính thức công bố báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu. Việt Nam tăng 9 bậc so với năm trước.

Trong báo cáo “Môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2017: Cơ hội bình đẳng cho mọi người”, WB đã khảo sát 137 nền kinh tế và cho biết chính phủ các nước tiến hành nhiều biện pháp cải tổ để doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng hoạt động hơn. Nhìn chung môi trường kinh doanh thế giới giờ đây được cải thiện đáng kể; như thời gian một doanh nghiệp mới được thành lập trung bình mất khoảng 21 ngày so với thời gian 46 ngày của 10 năm về trước. Hay thời gian chuyển giao tài sản góp vốn doanh nghiệp hiện nay tại Rwanda từ 370 ngày của thập niên trước nay chỉ gói gọn trong vòng 12 ngày. Kinh tế trưởng Paul Romer tại WB khẳng định, khi chính phủ quan tâm hơn đến hoạt động doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp mới sẽ ra đời không những tạo ra sản phẩm, việc làm mà cơ hội cho phụ nữ tham gia nền kinh tế càng nhiều.

New Zealand, quốc gia có môi trường kinh doanh số một thế giới. Ảnh: varymarking
New Zealand, quốc gia có môi trường kinh doanh số một thế giới. Ảnh: varymarking

Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương được xem là nơi có môi trường đầu tư rất hấp dẫn. Theo báo cáo, Singapore xếp thứ 2, Hồng Kông (Trung Quốc), vị trí 4, Hàn Quốc: 5. Ngoài ra, nhiều nền kinh tế trong khu vực đã thực hiện từ 3 cải cách trở lên trong một năm qua; trong đó có Indonesia (7), Brunei Darussalam (6), Vanuatu (4) trong khi Singapore, Việt Nam và Thái Lan: 3 cải cách.  Trong 190 quốc gia được đánh giá, Việt Nam đứng vị trí thứ 82, tăng so với hạng 91 cách đây một năm. Trong đó, WB ghi nhận cải thiện tích cực của Việt Nam trong các tiêu chí: thương mại biên mậu, đóng thuế, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, tiêu chí xin giấy phép xây dựng, vay vốn và đáng chú ý là thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam giảm tới 10 thứ hạng. Trước đó, theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới thực hiện tại 140 nước, Việt Nam đứng thứ 56 trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2015-2016, tăng 12 bậc so với vị trí 68 trong giai đoạn 2014-2015. Nhìn tổng thể, mặc dù có sự cải thiện trong môi trường kinh doanh, nhưng thách thức với khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cũng khá nhiều tồn tại thuộc các lĩnh vực: thành lập doanh nghiệp, thương mại qua biên giới và thực thi hợp đồng. Ví dụ, để hoàn thành thủ tục xuất khẩu phải mất đến 57 giờ trong khi mức trung bình là 12 giờ tại các quốc gia thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế. Do đó, WB khuyến khích các nền kinh tế trong khu vực tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hơn nữa.

WB cũng ghi nhận nỗ lực đáng kể của khu vực Trung Đông và Bắc Phi, trong việc cải thiện môi trường đầu tư từ năm 2009. Trong đó, các tiểu vương quốc Ả Rập và Bahrain nằm trong số 10 quốc gia thực hiện cải cách. Tuy nhiên, sự mất cân bằng giới tính trong nền kinh tế là một vấn đề rất đáng lo ngại khi phụ nữ vẫn gặp phải rào cản lớn trong lĩnh vực này. Báo cáo về môi trường kinh doanh toàn cầu ra đời từ năm 2003 nhưng đây là lần đầu tiên WB đã đưa vấn đề giới tính vào 3 trong số 10 tiêu chí nghiên cứu: thành lập doanh nghiệp, đăng ký tài sản và thực thi hợp đồng.

NAM VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO