(QNO) - Tổng số thuê bao điện thoại di động của Việt Nam có trên mạng tính đến hết tháng 8/2016 là hơn 128,3 triệu thuê bao, trong đó thuê bao mạng Viettel chiếm tới trên 49,5%, theo thông tin từ Bộ TT&TT.
Cụ thể, thông tin từ Bộ TT&TT cho hay, trong tổng số hơn 128,3 triệu thuê bao điện thoại di động có trên mạng tính đến hết tháng 8/2016, có gần 63,6 triệu thuê bao của nhà mạng Viettel; hơn 34,6 triệu thuê bao mạng MobiFone; trên 20,5 triệu thuê bao của VNPT (mạng VinaPhone - PV); gần 5,9 triệu thuê bao mạng Gtel và hơn 3,7 triệu thuê bao của Vietnamobile.
Như vậy, trong 2 tháng qua, tổng số thuê bao điện thoại di động tại Việt Nam đã tăng khoảng 2,6 triệu thuê bao. Số liệu thống kê về tổng số thuê bao điện thoại tính đến tháng 6/2016 theo công bố của Bộ TT&TT tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước 6 tháng đầu năm 2016 diễn ra vào chiều ngày 12/7 là hơn 133 triệu thuê bao, với 125,7 triệu thuê bao di động và 7,3 triệu thuê bao cố định.
Theo số liệu của Bộ TT&TT, với gần 63,6 triệu thuê bao di động có trên mạng tính đến hết tháng 8/2016, Viettel vẫn đang dẫn đầu về di động, chiếm tới hơn 49,5% thị phần (Nguồn ảnh: Internet) |
Còn so với thời điểm cuối năm 2015, tổng số thuê bao điện thoại di động tại Việt Nam đã tăng thêm hơn 7,7 triệu thuê bao. Theo số liệu được Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) công bố hồi cuối năm ngoái, tính đến hết năm 2015, Việt Nam có 120,6 triệu thuê bao điện thoại di động, đạt 133 thuê bao/100 dân.
Về thuê bao điện thoại cố định, Bộ TT&TT cũng vừa cho biết, tính đến thời điểm cuối năm 2015, tổng số thuê bao điện thoại cố định của Việt Nam là hơn 7,3 triệu thuê bao. Trong đó, có gần 5,5 triệu thuê bao của VNPT; hơn 1,7 triệu thuê bao Viettel; 100.180 thuê bao của Công ty CP Bưu chính Viễn thông Sài Gòn; 18.981 thuê bao FPT, 4.124 thuê bao của VTC và 300 là số thuê bao cố định của CMC.
Đánh giá tình hình công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực viễn thông trong hai tháng 7, 8/ 2016, theo dự thảo báo cáo của Bộ TT&TT, Bộ đã báo cáo Chính phủ về tình hình phát triển mạng 4G tại Việt Nam và hoàn thiện công tác cấp phép triển khai dịch vụ 4G.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đã chỉ đạo quản lý tin nhắn và tăng cường công tác quản lý thuê bao di động trả trước; yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông rà soát, thu hồi toàn bộ SIM đã đăng ký sẵn thông tin thuê bao; thực hiện phân bổ số SMS đầu 6, 7, 8 và khảo sát nhu cầu sử dụng, đấu giá số SMS; thực hiện công bố vùng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất IMT-2000; tổ chức Hội thảo quốc tế 4G LTE 2016 và cuộc họp lần thứ 4 của APT chuẩn bị cho Hội nghị Tiêu chuẩn hóa viễn thông thế giới WTSA-16.
Dự thảo báo cáo của Bộ TT&TT cũng cho biết, trong 2 tháng qua, cùng với việc triển khai thực hiện chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020, Bộ TT&TT đã cấp 10 giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông và 2 giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng; thẩm định 26 bộ hồ sơ đề nghị cấp phép; rà soát, thu hồi các giấy phép không triển khai trên thực tế sau 2 năm kể từ ngày được cấp; đồng thời thực hiện đánh giá hiệu quả việc quản lý, tổ chức hoạt động ủng hộ qua Cổng thông tin nhân đạo quốc gia.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được Bộ TT&TT tập trung thực hiện trong tháng 9/2016 là tăng cường quản lý thuê bao di động trả trước và triển khai cung cấp dịch vụ 4G. Bộ TT&TT cũng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 04 ngày 15/1/2016 về tăng cường quản lý và thúc đẩy phát triển bền vững thị trường dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất, Chỉ thị số 11 ngày 18/3/2016 về tăng cường bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ và ngăn chặn việc mua bán, lưu thông SIM di động sai quy định; và tiếp tục triển khai Chương trình dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020.
Theo ictnews.vn