Việt Nam: "Ngôi sao mới" về gia công phần mềm

QUỐC HƯNG 26/01/2019 04:37

Việt Nam được đánh giá là một ngôi sao mới nổi về gia công phần mềm công nghệ thông tin (CNTT) của thế giới.

Những tài năng công nghệ của Việt Nam đang hấp dẫn các công ty nước ngoài. Ảnh: asia.nikkei
Những tài năng công nghệ của Việt Nam đang hấp dẫn các công ty nước ngoài. Ảnh: asia.nikkei

Theo tạp chí Forbes (Mỹ), trong khi Ấn Độ - con tàu lớn nhất thế giới về gia công phần mềm CNTT đang nỗ lực để thích ứng với nhu cầu thay đổi, Việt Nam nổi lên là một trung tâm gia công  phần mềm CNTT tiềm năng.

Trên thực tế, gia công phần mềm tại Việt Nam là ngành công nghiệp khá non trẻ. Hơn một thập kỷ trước, các tập đoàn Harvey Nash, Intel và Oracle bắt đầu đầu tư vào lực lượng lao động công nghệ cao tại Việt Nam. Ngoài các chính sách mới giúp thu hút các doanh nhân CNTT, Chính phủ Việt Nam đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) để có được một đội ngũ kỹ sư chất lượng.

Các ngành công nghệ và dịch vụ gia công tại Việt Nam không ngừng phát triển. Theo công bố của Công ty tư vấn A.T.Kearney về bảng xếp hạng 55 quốc gia hấp dẫn nhất về dịch vụ gia công toàn cầu năm 2017, Việt Nam xếp thứ 6. Ngành công nghiệp dịch vụ thuê ngoài quy trình kinh doanh của Việt Nam đạt 2 tỷ USD vào năm 2015, tăng 20 đến 25% mỗi năm trong vòng 10 năm qua. Sự bùng nổ này trong những năm gần đây khiến Việt Nam bắt đầu cạnh tranh với Ấn Độ để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực gia công phần mềm CNTT như Intel, IBM, Samsung Display, Nokia và Microsoft.

Theo các chuyên gia, Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ và nắm bắt xu hướng công nghệ rất nhanh. Chính phủ Việt Nam khuyến khích mạnh mẽ đầu tư vào các khu công nghệ cao, công nghệ phần mềm, ưu đãi thuế và phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao. Việt Nam hiện phát triển lực lượng lao động tay nghề cao có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Philippines. Ước tính mỗi năm, trên cả nước có hơn 40.000 sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật CNTT.

Bên cạnh sự ổn định về chính trị là tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 3 năm 2016 - 2018 đạt 6,57%. Việt Nam đã gia nhập vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 - một trong những nỗ lực nhằm tiếp cận thị trường thương mại toàn cầu. Việt Nam trở thành thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 1998, tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... với kỳ vọng thu hút dòng vốn đầu tư lớn hơn, chất lượng hơn vào Việt Nam. Có thể khẳng định rằng Việt Nam là quốc gia có đủ các yếu tố tích cực để hình thành môi trường làm việc an toàn và ổn định để đảm bảo dự án có thể được vận hành hiệu quả và đúng tiến độ, giảm thiểu rủi ro cho các công ty.

Tạp chí Forbes chạy tít: “Điểm nóng gia công phần mềm CNTT: Việt Nam, một cường quốc nhỏ nhưng hùng mạnh” để nói về lĩnh vực mới nổi này của Việt Nam. Bài viết này của tác giả Anna Frazzetto - một chuyên gia hàng đầu thế giới về công nghệ số và giải pháp công nghệ, cho biết, Việt Nam là một trung tâm dịch vụ thuê ngoài quy trình kinh doanh cùng với gia công phần mềm CNTT. Đây là cơ hội tuyệt vời cho các tập đoàn đa quốc gia quản lý các bộ dữ liệu lớn và tìm kiếm làm sạch dữ liệu trước khi phát triển phần mềm.

Cũng theo Anna Frazzetto, những lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh bao gồm như công nghệ, dịch vụ tài chính, truyền thông, trò chơi, tích hợp phần mềm. Với chi phí hợp lý, Việt Nam phù hợp với những doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đón đầu xu thế như trí tuệ nhân tạo, máy học và blockchain (chuỗi khối). Mặc dù sở hữu nguồn nhân lực dồi dào, chi phí cạnh tranh, nhưng chất lượng nguồn nhân lực là bài toán cần được quan tâm hơn nữa.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Việt Nam: "Ngôi sao mới" về gia công phần mềm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO