Việt Nam nỗ lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

NAM VIỆT 21/09/2022 15:58

(QNO) - Trang tin asia.nikkei (Nhật Bản) vừa có bài viết cho biết, dù còn nhiều khó khăn và thách thức, Việt Nam vẫn nỗ lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên trong Nhà máy Manutronics tại tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam
Công nhân làm việc tại nhà máy Manutronics ở tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Reuters

Hơn 10 năm qua, Việt Nam thu hút các thương hiệu công nghệ hàng đầu thế giới như Intel (Mỹ), Samsung (Hàn Quốc) và Xiaomi (Trung Quốc) mở rộng sản xuất tại Việt Nam, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Dấu ấn của Apple là một thắng lợi khác cho Việt Nam. Hiện nay, nhiều sản phẩm của hãng Apple (Mỹ) bao gồm tai nghe Airpods không dây đang được lắp ráp và sản xuất tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Apple đang đàm phán để sản xuất đồng hồ thông minh Apple Watch và máy tính xách tay MacBook tại Việt Nam. Trong tương lai, trên các thiết bị này sẽ hiện dòng chữ: Assembled in Vietnam (Lắp ráp tại Việt Nam).

Việc chế tạo ra những thiết bị phức tạp hơn đó sẽ là biểu tượng thành công cho ngành sản xuất của đất nước và quyết tâm tham gia chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu.

Sau iPad, Airpods và loa HomePod, iPhone có thể được Apple và Pegatron (đối tác lắp ráp của Apple) lắp ráp ngay ở Việt Nam.

Nhà cung cấp Foxconn (Đài Loan) của Apple vừa ký kết biên bản ghi nhớ trị giá 300 triệu USD với Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc để đẩy mạnh sản xuất tại Bắc Giang. Hay Amazon có trụ sở tại Seattle (Mỹ) cung cấp một số chuông cửa và camera từ Việt Nam.

Trang tin asia.nikkei nhận định, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu công nghệ mà không có đối thủ châu Á nào sánh kịp.

Theo Bộ Công Thương Việt Nam, năm 2020, mặc dù kinh tế thế giới và khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng do tác động của Covid-19, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của Việt Nam tăng từ 22,9% năm 2016 lên 50% năm 2020.

Việt Nam được đánh giá là điểm sáng chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Gersonrelocation
Việt Nam được đánh giá là điểm sáng chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Gersonrelocation

Dù còn thách thách về lao động kỹ năng, cơ sở hạ tầng, Việt Nam có nhiều lợi thế thu hút đầu tư như: lực lượng lao động kỷ luật, chi phí thấp và chính sách công nghiệp của Nhà nước.

Hiện nay, các khu công nghiệp đã thay thế đất đầm lầy, làm nơi trú ẩn cho các công ty công nghệ nước ngoài nhằm thiết kế lại chuỗi cung ứng của họ.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thúc đẩy các công ty Mỹ (cùng với nhiều công ty Trung Quốc) chuyển nhà cung cấp sang Việt Nam nhằm thoát khỏi các lệnh trừng phạt.

Sau đó là đại dịch Covid-19, nơi nhiều nhà máy tạm đóng cửa ở Trung Quốc thúc đẩy nhiều công ty bao gồm cả Apple chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc và sang Việt Nam.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế Việt Nam tăng hơn gấp đôi quy mô từ 116 tỷ USD của năm 2010 lên 268,4 tỷ USD năm 2020.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, toàn cảnh của toàn cầu hóa đã thay đổi đáng kể giữa những năm 1980 và ngày nay. Tuy nhiên, Việt Nam đang tiến bộ, tình hình này cho phép Việt Nam có cơ hội vượt qua các nước láng giềng để tham gia chuỗi ung ứng toàn cầu.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh doanh 2022 do Forbes Việt Nam tổ chức vào tháng 8.2022, ông Brian Lee Shun Rong - nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô về Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar của Ngân hàng Đầu tư Maybank gọi Việt Nam là ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Việt Nam nỗ lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO